Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Thảm họa dầu loang bí hiểm dọc 2.000 km bờ biển Brazil

Đăng ngày:

Từ hơn hai tháng nay, hơn 2.000 trên tổng số 7.000 km bờ biển Brazil phía Đại Tây Dương bị ô nhiễm nghiêm trọng vì « thủy triều đen ». Chưa ai xác định được nguồn gốc lượng lớn dầu loang đang xâm chiếm các bãi biển, nhưng người dân đều thấy rõ tác hại về môi trường, sinh thái, kinh tế và nhất là sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các tình nguyện viên đang dọn dẹp bãi biển Mata Sao Joao, bang Bahia, 1 trong 9 bang của Brazil gánh chịu thảm họa dầu loang. Ảnh chụp ngày 26/10/2019.
Các tình nguyện viên đang dọn dẹp bãi biển Mata Sao Joao, bang Bahia, 1 trong 9 bang của Brazil gánh chịu thảm họa dầu loang. Ảnh chụp ngày 26/10/2019. REUTERS/Lucas Landau
Quảng cáo

Trên hòn đảo Boipeba, ngoài khơi vịnh Salvador de Bahia, do bị chính quyền « bỏ mặc », dân chúng phải tự « xoay xở » làm sạch bãi biển.

Đặc phái viên RFI Sarah Cozzolino tại Boipeba cho biết chi tiết :

« Không phải bóng đêm mà là thủy triều lên đã khiến các tình nguyện viên phải dừng công việc. Thu gom dầu trên bãi cát mịn đúng là công việc thực sự đòi hỏi lòng kiên nhẫn. Mặt phồng rộp và đôi mắt đỏ ngầu, anh Joao Arantes cảm thấy kiệt sức. Anh chia sẻ : « Tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Và điều đáng sợ là chúng tôi đã dọn sạch sẽ bãi biển nhưng giờ nó lại hoàn toàn bẩn trở lại. Thật là kinh khủng ».

Đa phần người dân trên đảo Boipeba, vốn đã từng rời bỏ tất cả để tới chốn thiên đường này sinh sống, không lùi bước trước bất cứ điều gì để giữ gìn, bảo vệ hòn đảo. Vì không được Nhà Nước hỗ trợ, các tình nguyện viên đã tổ chức quyên góp để mua dụng cụ bảo hộ như găng tay, mặt nạ và ủng.

Felipe Baxter, người điều phối các tình nguyện viên cho biết : « Không có ai là không đau đầu, không có ai không bị vấn đề về mắt, mũi. Tất cả mọi người đều phải ngửi mùi dầu này hàng ngày. Nhưng sẽ không ai xem đó là vấn đề cả ».

Cho đến nay, chính phủ Brazil vẫn chưa xác định nguồn gốc thủy triều đen. Theo Nilton Freitas, người sống trên đảo từ 10 năm nay, đó là một sự im lặng đáng ngờ. Ông nói : « Chúng tôi không biết lượng dầu có thể trôi dạt đến đây là bao nhiêu, chúng tôi không biế phải dùng phương cách nào. Chính quyền hoàn toàn làm ngơ. Điều duy nhất mà tôi biết, đó là sẽ phải mất rất nhiều năm để khắc phục tình trạng này ».

San hô, rừng sú vẹt và các giống loài được bảo vệ, chẳng hạn một số loài rùa, đã bị ảnh hưởng từ những cơn thủy triều đen. Đây được coi là một trong những thảm họa sinh thái nghiêm trọng nhất vùng bờ biển Brazil ».

Trong một thông cáo hôm thứ Ba 29/10, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Brazil tỏ ra rất lo ngại về tình trạng dầu loang bí hiểm trôi dạt vào vùng bờ biển của 9 bang miền đông bắc Brazil suốt từ tháng 08/2019 đến nay, với những thiệt hại không thể ước tính nổi cho hệ sinh thái biển và trên đất liền, cho môi trường nói chung, cũng như những tác hại đối với sức khỏe, cuộc sống của dân cư địa phương. Liên Hiệp Quốc cũng tỏ ý muốn hỗ trợ Brazil giải quyết nạn thủy triều đen.

Lào : Đập thủy điện cực lớn trên sông Mêkông khiến các tổ chức môi trường sinh thái lo ngại

Được xây dựng suốt 9 năm trên dòng chảy chính của sông Mêkông và được khánh thành ngày 29/10/2019, đập thủy điện Xayaburi sẽ phục vụ các lợi ích về năng lượng cho Lào, đất nước đang có tham vọng trở thành « máy phát điện cho cả khu vực Đông Nam Á ». Tuy nhiên, việc đưa đập thủy điện Xayaburi vào hoạt động lại khiến nhiều tổ chức bảo vệ môi trường sinh thái lo ngại, trong bối cảnh các dự án xây đập thủy điện quy mô nhỏ hơn ngày càng có nhiều, cản trở dòng chảy trên sông.

Từ Pnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez giải thích :

« Dài 820m, đập Xayaburi được đưa vào hoạt động hôm thứ Ba, là đập thủy điện cực lớn đầu tiên của Lào vận hành trên dòng chảy chính sông Mêkông. Tại Trung Quốc, có 7 đập thủy điện cực lớn đang hoạt động. 10 dự án đập lớn khác đang được thực hiện hoặc đang được xây dựng tại Lào, Thái Lan và Cam Bốt. Đó là chưa kể tới hàng trăm con đập khác quy mô khiêm tốn hơn trên các nhánh của sông Mê kông.

Đập Xayaburi bị chỉ trích kể từ khi dự án xây đập với tổng số tiền 4,5 tỉ đô la được thông báo. Mặc dù công ty Thái Lan khai thác đập thủy điện Xayaburi mô tả con đập « không gây nguy hiểm cho các loài cá », nhưng rất nhiều tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại về các hậu quả mà những công trình xây dựng khổng lồ này gây ra.

Mêkông có hệ hệ sinh thái nước ngọt đa dạng thứ hai trên thế giới, chỉ sau hệ sinh thái sông Amazon. Đa số loài cá sống trên sông là cá di cư. Theo nhiều nghiên cứu mới đây, việc ngày càng có nhiều đập thủy điện được xây dựng có thể sẽ làm thay đổi chu kỳ sống và di cư của những giống loài này.

Ở lưu vực sông Mêkông, nguồn thực phẩm và thu nhập của hơn 60 triệu dân phụ thuộc vào dòng sông. Đập Xayaburi lại được vận hành trong bối cảnh năm nay mưa rất ít trong khu vực. Trong mùa mưa, mực nước sông đã xuống thấp ở mức kỷ lục ».

Lâu đài Shuri, Okinawa, công trình được xếp hạng di sản thế giới của UNESCO, bị lửa thiêu rụi

Trong khi hỏa hoạn dữ dội những ngày qua tại California, Hoa Kỳ, gây nhiều thiệt hại vật chất, khiến nhiều người dân phải đi sơ tán, thì tại Nhật Bản, đêm 30 rạng sáng 31/10/2019, ngọn lửa cũng bùng lên thiêu rụi gần như hoàn toàn lâu đài Shuri, trên đảo Okinawa, biểu tượng của nền văn hóa Ryukyu cổ xưa.Xưa kia, Ryukyu là một vương quốc độc lập, rồi bị Nhật Bản sáp nhập, bị Mỹ dội bom tàn phá trong Đệ Nhị Thế Chiến. Vì thế, Ryukyu còn được coi là nạn nhân của cả Mỹ và Nhật.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles giới thiệu về lâu đài Shuri:

« Lâu đài Shuri là một pháo đài thực thụ với rất nhiều tòa nhà. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Shuri là trung tâm chính trị và văn hóa của vương triều độc lập Ryukyu, nơi ngã tư giao thương giữa các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản.

Chính tòa, một cấu trúc cao tầng bằng gỗ sơn màu đỏ, đã bị lửa thiêu rụi. Thị trưởng Nara, thủ phủ của Okinawa, tuyên bố: “Biểu tượng của chúng tôi đã mất”.

Lâu đài Shuri là biểu tượng của một nền văn hóa pha trộn vùng cận nhiệt đới, rất đặc biệt. Vùng đất Shuri và tòa lâu đài trước kia là thủ phủ của vương quốc Ryukyu thịnh vượng. Ryukyu bị Nhật bản sáp nhập vào năm 1879. Chính những hòn đảo này là nơi đã diễn ra những trận chiến đẫm máu trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Lâu đài đã bị bom Mỹ phá hủy, rồi được xây dựng lại sau chiến tranh. Vì thế, lâu đài Shuri là biểu tượng cho một nền văn hóa từng là nạn nhân của cả Mỹ và Nhật Bản ».

Phát ngôn viên chính phủ Nhật, Yoshihide Suga, khẳng định chính phủ sẽ làm mọi việc cần thiết để phục dựng lâu đài Shuri.Nằm trong một khu rừng quốc gia, công trình đã đã được UNESCO xếp hạng di sản thế giới hồi năm 2000 nhằm tôn vinh 500 năm lịch sử của nền văn hóa đệ nhất vô nhị Ryukyu.

Ấn Độ : New Delhi « ngạt thở » vì ô nhiễm sau lễ hội ánh sáng

Sau lễ hội ánh sáng Diwali ngày Chủ Nhật 28/10/2019, cả thành phố New Delhi như bị ngạt thở. Bất chấp các biện pháp chống ô nhiễm không khí, thủ đô Ấn Độ một lần nữa bị bụi mịn bao phủ.

Từ Banglore, thông tín viên RFI Côme Bastin giải thích :

« Đó mà một kỳ lễ hội mang mùi lưu huỳnh. Cũng giống như mọi năm, lễ hội Diwali, lễ hội ánh sáng của Ấn Độ đã làm bùng nổ mọi mức độ ô nhiễm tại thủ đô New Delhi. Trước đó vài ngày, chỉ số ô nhiễm ở thành phố này vẫn là 200. Thế mà đến sáng thứ Hai 29/10, chỉ số này đã tăng vọt lên thành 400 microgram bụi mịn/m3 không khí. Mức độ này bị Cơ quan Y tế thế giới coi là rất nguy hiểm đối với sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố trước đó đã cho ban hành những biện pháp quan trọng để đề phòng thảm họa môi trường này. Ban đầu là một kế hoạch chống ô nhiễm theo từng bước, nhưng kế hoạch này đã hỏng do người dân ở các vùng nông thôn quanh thủ đô New Delhi đốt rơm rạ trên các cánh đồng.

Sau đó là đến biện pháp cấm đốt pháo truyền thống, thay vào đó là các loại « pháo sinh thái », được cho là ít gây ô nhiễm môi trường hơn 30% so với pháo thông thường. Thế nhưng, giá pháo sinh thái bị đẩy lên quá cao và số lượng có hạn khiến loại pháo này không được sử dụng nhiều trong lễ hội ánh sáng tối hôm Chủ Nhật.

Câu chuyện ô nhiễm không khí như vậy đã lặp lại, cho dù theo dự báo của Viện Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, mức độ ô nhiễm sẽ giảm trong những ngày tới nhờ những cơn gió mạnh ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.