Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

2019 : Phong trào toàn cầu nổi dậy đòi nhân phẩm

Đăng ngày:

Từ Hồng Kông cho đến Chilê, từ Irak đến Liban, những cuộc xuống đường gây chấn động địa cầu tuy không cùng một mục đích nhưng đã nổ ra cùng một lúc. Tất cả có một mẫu số chung : đa số là giới trẻ, đó là phong trào hoàn toàn tự phát, không có lãnh đạo tự nhiên.

Đường vào thủ đô Beyrouth -Liban sôi sục.
Đường vào thủ đô Beyrouth -Liban sôi sục. RFI/Muriel Maalouf
Quảng cáo

Trong nhiều trường hợp, do một động cơ thúc đẩy : phục hồi nhân phẩm bị giới lãnh đạo tham ô hay vô tâm chà đạp, theo phân tích của giới chuyên gia chính trị và xã hội.

Khắp bốn nẻo địa cầu, nhiều cuộc xuống đường bộc phát, huy động hàng chục ngàn người kéo dài từ hơn hai tháng qua. Đa số người biểu tình là thành phần trẻ. Các chính phủ liên hệ bị bất ngờ và không đo lường được quy mô của lòng căm phẫn. Trên biểu ngữ là những yêu sách mang tính kinh tế như than phiền giá bánh mì đắt đỏ, thiếu điện, thiếu nước như ở Irak, chống lên giá xăng ở Pháp, chống tăng giá chuyên chở công cộng như ở Chilê hoặc mang màu sắc xã hội như chống luật dẫn độ ở Hồng Kông.

Chấn động đến tận Liên Hiệp Quốc

Giới cầm quyền lúc đầu chậm phản ứng hoặc xem thường, sau đó khi thấy « coi bộ không êm » thì mới nhượng bộ. Nhưng đúng vào lúc chính quyền nhượng bộ thì phong trào phản kháng đổi mục tiêu : từ xã hội, kinh tế chuyển sang đòi hỏi chính trị, từ biểu tình ôn hòa bước sang đối đầu với cảnh sát khi bị đàn áp, từ yêu sách địa phương biến thành tranh đấu toàn cầu.

Hình ảnh gửi đi từ Hồng Kông, Liban, Irak, Algeri, Chilê, Haiti, Ecuađo, Honduas, Barcelona vùng Catalunya –Tây Ban Nha ..., tất cả đều nổi bật một màu : màu lửa khói của lựu đạn cay và bom xăng.

Vì sao dân chúng, nhất là sinh viên học sinh và giới trẻ trên thế giới nổi giận ?

Tình hình phải nói là « nghiêm trọng » đến mức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đích thân lên tiếng khuyến cáo giới chính trị và nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách, phải theo ý dân.

Được RFI, đặt câu hỏi vì sao thành phần trẻ xuống đường tranh đấu ? Vì nhân phẩm, giáo sư chính trị Dominique Moisi phân tích.

Dominique Moisi :Có một từ ngữ có thể dùng để mô tả những phong trào nổi dậy ở mọi nơi, kể cả ở Hồng Kông : đó là cuộc đấu tranh đòi lại nhân phẩm của thanh niên, của những người cảm thấy bị cuộc đời sỉ nhục hoặc bị đẩy vào tình cảnh thấp hèn.

Đó là lý do vào năm 2010, thanh niên Tunisia xuống đường. Từ Tunis đến Cairo, giới trẻ xuống đường để đòi lại phẩm giá con người, đòi các chế độ độc tài từ chức.

Tranh đấu vì tuyệt vọng

Trước phong trào tự phát và đột phát, các chính quyền liên hệ phản ứng ra sao ?

Nhà xã hội học Albert Ogien, tác giả quyển sách Antidémocratie lưu ý : Điều gây ngạc nhiên là không một chính phủ nào đáp ứng nhanh chóng. Tại sao chính quyền nào cũng phản ứng chậm ?

Phong trào tranh đấu 2019 có khác gì với Mùa xuân 1968 tại Pháp, Mùa xuân Bắc Kinh 1989 ?

Theo giáo sư chính trị Dominique Moisi, sự « vô tâm » của giới cầm quyền trước tâm trạng « tuyệt vọng » của giới trẻ không thấy tương lai là hai nguyên nhân.

Dominique Moisi : Lý do cốt lõi là những người cầm quyền cảm nhận quá trễ nỗi tuyệt vọng của dân chúng, nỗi tuyệt vọng thúc đẩy giới trẻ phản kháng. Cũng vì thế mà cách nay 30 năm, vào năm 1989 tại Trung Quốc, xảy ra cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, hay ở Pháp, mùa xuân 1968, rồi ở các nước Bắc Phi, Trung Đông với phong trào mùa xuân Ả Rập 2010, 2011.

Nhưng giữa 1989 và 2019, tâm trạng phẫn nộ không giống nhau. Năm 1989, tuổi trẻ Trung Quốc đấu tranh vì cảm thấy có « niềm hy vọng » làm thay đổi cuộc đời. Nhưng không riêng gì tuổi trẻ mà các thành phần khác cũng đấu tranh vì thấy có hy vọng. Năm 2019, trái lại, thanh niên xuống đường vì tuyệt vọng, vì mất niềm tin. Đó là tâm trạng không thể tiếp tục chịu đựng mãi, không thể sống im lặng mãi trong điều kiện bị tước đoạt nhân phẩm.

Xuống đường phản kháng là sự « bùng nổ » của tình trạng bất công xã hội tích tụ. Trong một thế giới toàn cầu hóa, không có chuyện gì có thể che đậy mãi. Giới lãnh đạo ở mỗi nước đều nhận ra họ là « cá mè một lứa », bị dân ghét bỏ thì sớm muộn gì cũng chìm tàu. Họ có làm gì cũng muộn.

Các phản ứng « rộng lượng » của tầng lớp cầm quyền, như ở Chilê hay Liban khi thấy tình hình bế tắc chứng tỏ là họ biết trước chính sách của họ là đi ngược lại lòng dân nhưng họ cứ ban hành cho đến khi đụng phải phản ứng mạnh. Như trường hợp nước Pháp với phong trào Áo Vàng, đâu có ai đòi tổng thống Macron « chi ra » 10 tỷ euro. Họ chỉ cần giảm giá dầu để nhẹ gánh di chuyển. Chính quyền Hồng Kông hủy luật dẫn độ sau khi Nghị Viện bị tấn công, chính quyền Liban đề nghị cắt giảm 50% lương bộ trưởng trong khi yêu sách đầu tiên của dân Liban là đòi bỏ thu phí một ứng dụng điện thoại di động.

Tại Chilê, tổng thống Pinera phải đích thân nhận lỗi đã ban hành chính sách thất nhân tâm, cách chức một loạt 8 bộ trưởng trong đó có người anh em bà con là bộ trưởng Nội Vụ. Thế nhưng từ Hồng Kông, Liban cho đến Chilê, người biểu tình đặt thêm yêu sách : đòi chính quyền tham nhũng ra đi.

Từ chống giá bánh mì đến đuổi chính phủ

Giáo sư Dominique Moisi mượn trường hợp Hồng Kông để giải thích hiện tượng đấu tranh đường phố 2019.

Dominique Moisi : Tôi nghĩ có một trường hợp đặc sắc và có nhiều ý nghĩa là trường hợp Hồng Kông. Trái với những gì mà chính quyền Hồng Kông muốn đánh lừa công luận là cuộc tranh đấu bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội : giá nhà cửa quá đắt đỏ, thanh niên không với tay tới. Lý do xã hội đúng là có, nhưng cơ bản của cuộc tranh đấu rõ ràng là đòi hỏi chính trị. Quy chế « một quốc gia hai chế độ » bị chính quyền Hồng Kông, bù nhìn của Bắc Kinh, vi phạm từ nền tảng. Người dân xuống đường để bảo vệ nền dân chủ, để còn chế độ Nhà nước thượng tôn pháp luật, để các quyền tự do tồn tại trong bối cảnh đó đây có nhiều nền dân chủ non trẻ bị thay thế bằng chế độ độc tài.

Trường hợp Hồng Kông cho chúng ta nhiều dữ kiện để quan sát, để suy nghiệm vì nó thể hiện một cuộc tranh đấu dài hơi, liên tục để lấy lại phẩm giá con người cho dù đó dưới những nguyện vọng đòi cải thiện kinh tế, xã hội hay chính trị và dân chủ.

Câu hỏi then chốt ở đây là tương lai thế giới đi về đâu ? Liệu có thời gian và điều kiện để thành lập một trật tự mới nhân bản và ổn định để thay thế hệ thống « thối nát, rệu rã » hiện tại ?

Phải chăng thế giới đang đứng trước một cuộc đấu tranh giai cấp, một cuộc cách mạng mà giai cấp lãnh đạo chính trị có một phần lớn trách nhiệm ?

Dominique Moisi : Đúng như thế. Tổng thống Chilê Sebastian Pinera là một nhà tỷ phú, một người có tài và nghiêm túc. Cho nên khi một tổng thống tỷ phú ra sắc lệnh tăng vé xe buýt thì chắc chắn sẽ gây ra một cuộc cách mạng.

Sự khác biệt giàu nghèo tại Chilê đã nghiêm trọng đến mức mà chỉ cần một tia lửa nhỏ là làm nổ bùng. Không thể nào duy trì tình trạng thỏa hiệp xã hội giữa những người không sống chung cùng một hành tinh. Điều mới mẻ là nhờ cách mạng thông tin mà người nghèo biết người giàu sống ra sao. Người giàu thì họ thừa biết người nghèo sống như thế nào nhưng họ giả mù muốn quên những kẻ bất hạnh đó.

Ở châu Âu, bất công xã hội không có cùng nguyên nhân, không cùng bản chất, không nghiêm trọng như ở những nước được gọi là thuộc thế giới thứ ba. Nhưng dù nguồn cội như thế nào thì cũng đưa tới hệ quả khách quan như nhau tức là cốt lõi vẫn là đấu tranh cho nhân phẩm. Với tình trạng bất lực của giới cầm quyền, bị trói tay trong một thế giới mà những thế lực lợi ích chủ động, thì các biện pháp hạn hẹp chỉ là chữa lửa, không đủ thỏa mãn các yêu sách của người dân. Tương lai bất định.

Thế giới hỗn loạn ?

Theo vị chuyên gia địa chính trị Pháp, hoàn cảnh thế giới hiệnnay rất phức tạp vì 2019 hoàn toàn khác với thời kỳ lúc Bức Tường Berlin 1989 hay Liên Xô 1990 khi sụp đổ. Nhu cầu tìm lại nhân phẩm của thanh thiếu niên bùng phát đúng vào lúc tình hình địa chiến lược vô cùng bất ổn. Nói cách khác, hỗn loạn ở đường phố và bất ổn trên thế giới là hiện tượng cộng sinh.

Hoa Kỳ của Donald Trump co cụm, từ chối trách nhiệm của một siêu cường dân chủ và tự do, nước Nga của Putin thừa cơ đẩy các quân cờ lấn tới nhưng có lẽ rồi cũng phải nhường bước trước Trung Quốc. Nếu tình hình thế giới tiếp diễn như thế thì tương lai của mỗi nước sẽ do chính dân tộc nước đó tự lo.

Liệu năm 2019 sẽ kết thúc như 2011 với Mùa Xuân không trọn vẹn ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.