Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Brexit : Bị Nghị Viện hãm lại, chính phủ Anh vẫn quyết đúng hẹn

Chính phủ của thủ tướng Boris Johnson quả quyết sẽ đưa Vương Quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 31/10, dù vẫn yêu cầu Bruxelles hoãn thêm lần nữa thời hạn ra đi. Điều gì sẽ diễn ra tiếp sau khi thỏa thuận mới về Brexit bị Nghị Viện kìm lại.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (G) tại Nghị Viện trong phiên họp bất thường, Luân Đôn, ngày 19/10/2019.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (G) tại Nghị Viện trong phiên họp bất thường, Luân Đôn, ngày 19/10/2019. REUTERS
Quảng cáo

Lẽ ra hôm thứ Bảy 19/10/2019 đã phải là ngày trọng đại của ông Boris Johnson. Trong phiên họp bất thường của Hạ Viện ở Westminster, thủ tướng Anh trình lên các dân biểu thỏa thuận mới về Brexit mà ông vừa ký được trước đó 48 giờ đồng hồ sau một cuộc đấu căng thẳng với các nước châu Âu. Nhưng diễn biến bất ngờ lại xảy ra giữa Nghị Viện. Các dân biểu Anh thay vì bỏ phiếu về thỏa thuận trên thì lại thông qua một luật làm đình hoãn toàn bộ kế hoạch của chính phủ Boris Johnson.

Sau cái ngày thứ Bảy, giờ được báo chí xứ sương mù gọi là « ngày điên rồ », màn diễn đã kéo dài từ hơn ba năm nay một lần nữa lại đẩy nước Anh vào sự bất định trong khi mà chỉ còn 11 ngày nữa đến hạn Vương Quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách có trật tự.

Lùi lại thêm thời hạn đến 31/01/2020 ?

Văn kiện được 332 dân biểu Anh thông qua hôm thứ Bảy vừa rồi quyết định hoãn lại việc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit cho tới chừng nào chưa thông qua văn bản luật về việc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận vừa ký. Thông qua luật gác việc bỏ phiếu thỏa thuận sang một bên như vậy, các dân biểu Anh vẫn dựa trên tinh thần điều luật khác có tên gọi là « Benn Act » đã được phe chống Brexit không thỏa thuận (Brexit no deal) cho bỏ phiếu thông qua từ hồi tháng 9.

Luật Benn, tên ông Hilary Benn, một trong số nghị sĩ đề xuất, yêu cầu thủ tướng phải gửi thư lên chủ tịch Hội Đồng Châu Âu xin giãn lịch trình Vương Quốc Anh ra khỏi EU đến ngày 31/01/2020. Mục địch chính của luật Benn là để tránh Brexit no deal.

Boris Johnson đã ngỏ ý cho biết ông sẵn sàng chấp nhận giải pháp này như một điều kiện để đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 31/10 tới. Thủ tướng Boris Johnson đã cố tránh để nước Anh chia tay bằng mọi giá nên đã tìm kiếm một thỏa thuận mới với Liên Âu với hy vọng Hạ viện thông qua hôm thứ Bảy. Nhưng cuối cùng nỗ lực của ông Boris Johnson đã vô ích.

Nên nhớ là « hạn cuối » Brexit ban đầu được dự trù ngày 29/03/2019 đã bị đẩy lùi lại hai lần và thêm lần nữa tới ngày 31/01/2020, với điều kiện được 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu chấp nhận.

Nhưng nếu Liên Âu từ chối lùi thêm hạn chót ?

Hồi tháng 9 mới đây, ông Boris Johnson đã tuyên bố thà chết còn hơn là đi xin Bruxelles cho lùi lại thời hạn Brexit. Thế nhưng tối ngày thứ Bảy, bị các dân biểu Anh dồn đến chân tường, lãnh đạo chính phủ Anh không còn sự lựa chọn nào khác là viết thư đề nghị tới chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk.

Nhưng lại một lần nữa, chính trị gia bảo thủ lại làm một việc không giống ai. Ông Donald Tusk đã nhận được đến 3 bức thư của Luân Đôn với tinh thần nội dung không ăn nhập gì với mục đích xin gia hạn Brexit.

Thư thứ nhất, không ký tên, khiến người ta dễ nhầm là thư mẫu với nội dung đề nghị kéo dài thời hạn Brexit thêm 3 tháng. Bức thư thứ 2 có chữ ký Boris Johnson, nhưng trong thư thủ tướng Anh cho biết ông không muốn thời hạn kéo thêm 3 tháng và ông coi việc lùi lại Brexit là một sai lầm.

Thư có đoạn viết : « Từ khi tôi là thủ tướng, một lần nữa trước Quốc Hội, tôi đã tỏ rõ chính kiến của tôi và lập trường của chính phủ rằng việc kéo dài thời hạn sẽ gây hại cho lợi ích của Vương Quốc Anh và các đối tác châu Âu cũng như các mối quan hệ của chúng ta ».

Bức thứ thứ 3 dưới hình thức một công hàm của đại sứ Anh bên cạnh Liên hiệp Châu Âu. Trong thư ông Tim Barrow giải thích chính phủ buộc phải tuân theo luật, nên mới mới có thư đề nghị lùi thời hạn.

Tại Bruxelles, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk xác nhận ngay tối hôm thứ Bảy đã nhận được đề nghị lùi thời hạn Brexit từ chính quyền Anh. Ông cho biết trên twitter ông sẽ tham khảo ý kiến các lãnh đạo EU để đồng thuận trả lời Vương Quốc Anh.

Cũng trong tối đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ thái độ hững hờ cho rằng kéo dài thêm thời hạn sẽ chẳng có lợi cho bên nào. Trong khi đó tại nước Đức, các quan chức chính trị lại cho rằng đợi thêm vài tuần nữa cũng không đặt thành vấn đề gì và họ vẫn tin nước Anh ra đi nhanh chóng và có trật tự.

Sáng Chủ nhật các đại sứ các nước châu Âu đã có cuộc họp chủ yếu bàn về việc truyền đạt nội dung thỏa thuận Brexit vừa ký với Anh đến các nghị sĩ châu Âu. Trong tuần Nghị Viện Châu Âu mới sẽ có phiên họp toàn thể tại Strasbourg. Nhà đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier, cho biết « các đại sứ châu Âu họp như dự trù để ấn định các bước phê chuẩn thỏa thuận ».

Tại Nghị Viện Châu Âu, một cuộc họp lãnh đạo các nhóm nghị sĩ với chủ tịch David Sossoli hôm nay để chi tiết hóa các bước tiến hành. Về phía Liên Hiệp Châu Âu, tiến trình phê chuẩn vẫn tiếp tục bất chấp những biến động tại Anh. Mặt khác, các nước châu Âu vẫn có quyền từ chối đề nghị lùi thời hạn ra đi của Anh.

Liệu thời hạn 31/10 ra khỏi EU như dự trù có chắc chắn hay không ?

Mặc dù đề nghị lùi thời hạn, « chúng tôi sẽ ra đi ngày 31/10. Chúng tôi có cách và đủ thẩm quyền để làm điều đó », nhưng ông Michael Gove, cánh tay phải của Boris Johnson ngày hôm qua vẫn quả quyết như vậy trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky News. Thủ tướng Boris Johnson cũng cam đoan với các dân biểu rằng tuần này ông sẽ trình văn kiện luật cần thiết để triển khai áp dụng thỏa thuận Brexit.

Ông Jacob Rees-Mogg, bộ trưởng phụ trách quan hệ giữa chính phủ với Nghị Viện đã tuyên bố hôm thứ Bảy rằng chính phủ dự kiến sẽ trình thỏa thuận Brexit để thảo luận và bỏ phiếu ngay ngày hôm nay. Nếu kịp thông qua văn kiện luật về thực thi thỏa thuận thì ngày 31/10 tới vẫn có thể là hạn chót cho Brexit.

Việc bỏ phiếu về thỏa thuận, chính phủ Anh giờ có thể dựa vào sự hậu thuẫn của một vài thành phần thuộc đảng Bảo Thủ từng bị khai trừ vì đã ủng hộ luật bắt buộc thủ tướng phải xin lùi thời hạn. Bây giờ việc xin lùi thời hạn đã được đề nghị để « tránh Brexit không thỏa thuận ... tôi sẽ ủng hộ thỏa thuận của thủ tướng », cựu bộ trưởng Amber Rudd đã tuyên bố như vậy trên kênh Sky News.

Trong khi chờ đợi, nếu thỏa thuận vẫn không được thông qua, Vương Quốc Anh sẽ có nguy cơ ra đi không thỏa thuận, một kịch bản đang làm giới kinh tế hết sức lo âu. Kịch bản no-deal sẽ dẫn đến rối loạn ở biên giới, trong nước thì khan hiếm thực phẩm thuốc men và giá cả tăng và thậm chí kéo theo cả lạm phát.

Bầu lại Quốc Hội trước thời hạn hay trưng cầu dân ý lại ?

Còn lại hai khả năng ít xảy ra nhưng không phải là không xảy ra:

Thứ nhất là bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Một khi Brexit bế tắc hoàn toàn thì việc bỏ phiếu bầu Nghị Viện trước thời hạn là một lối ra, dù chưa biết đi về đâu. Tất cả các chính đảng ở Anh đã chuẩn bị cho khả năng này. Nhưng việc giải tán Quốc Hội để bầu lại trước thời hạn chỉ diễn ra được khi đảng đối lập chính, Công Đảng, ủng hộ.

Thủ tướng Anh đã hai lần đã có ý định bầu cử trước thời hạn nhưng không thành vì thiếu sự ủng hộ của đối lập. Với ông Boris Johnson, bầu lại Quốc Hội là cơ hội duy nhất để ông giành lại được đa số mà ông đã bị mất dần mất mòn trên hành trình Brexit.

Thứ hai là tổ chức trưng cầu dân ý lại về Brexit. Đây là giải pháp được Công Đảng ưa thích và cũng được không ít người dân ủng hộ. Nhưng trường hợp này có xảy ra thì vẫn tiếp tục kéo nước Anh vào tình trạng bất định kéo dài.

Ba năm 4 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016 mà kết quả là 52% dân Anh ủng hộ Brexit, người Anh vẫn chưa biết khi nào hay liệu họ có chia tay được với Liên Hiệp Châu Âu hay không ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.