Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - THỔ NHĨ KỲ

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurdistan : LHCÂ lên án nhưng bất đồng về trừng phạt

Mỹ quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do vượt qua « lằn ranh đỏ » tại Syria, đồng thời sẽ yêu cầu NATO có « những biện pháp » tương tự. Trong khi đó, ngày 14/10/2019, Liên Hiệp Châu Âu lên án Ankara can thiệp quân sự ở miền bắc Syria, nhưng lại không đạt được đồng thuận về việc cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ điều động binh sĩ và trang thiết bị tại thị trấn biên giới Akcakale, tỉnh Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/10/2019.
Thổ Nhĩ Kỳ điều động binh sĩ và trang thiết bị tại thị trấn biên giới Akcakale, tỉnh Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/10/2019. REUTERS/Stoyan Nenov
Quảng cáo

Do không đạt được đồng thuận, nên bản tuyên bố chung của ngoại trưởng 28 nước Liên Hiệp Châu Âu, họp tại Luxembourg ngày 14/10 chỉ nêu « mỗi nước tự thể hiện lập trường cứng rắn về chính sách xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ ».

Theo một quan chức ngoại giao châu Âu, nguyên nhân là do Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, giống như đa số các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, nên không thể áp đặt cấm vận. Liên Hiệp Châu Âu không thể đưa ra quyết định đối với những thẩm quyền thuộc về chủ quyền của các nước.

Phía ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho rằng tổng thống Erdogan cũng « không cần đến châu Âu để mua vũ khí »« Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng lại »« chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, được ủng hộ rộng rãi ở Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả từ phe đối lập ».

Còn bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, nhấn mạnh đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, là « một đối tác quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu. Và không thể giữ im lặng về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã gánh vác rất nhiều người Syria trốn nội chiến ».

Việc Mỹ rút hết quân khỏi Syria buộc các nước thành viên liên quân quốc tế, trong đó có Pháp và Anh, do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, cũng sẽ phải rút quân. Sau cuộc họp của Hội Đồng Quốc Phòng, điện Elysée ra thông cáo ngày 14/10, theo đó Pháp sẽ sớm đưa ra các biện pháp « để bảo đảm an ninh cho quân nhân và dân sự Pháp » tại chỗ. Có thể Pháp sẽ rút về phía Irak để tránh bị kẹt trong các đợt tấn công của quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.