Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - KURDISTAN - SYRIA

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurdistan làm thay đổi « thế cờ » tại Syria

Chiến sự tại Syria lại bước vào một giai đoạn mới. Chủ Nhật ngày 13/10/2019, Damas và lực lượng FDS người Kurdistan tại Syria thông báo đạt được một thỏa thuận liên minh với sự trung gian của Nga. Bước ngoặt này lập lại những thế cờ của một cuộc xung đột dai dẳng kéo dài từ gần chín năm qua.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sang biên giới Syria tại thành phố Tel Abyad. Ảnh ngày 14/10/2019.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sang biên giới Syria tại thành phố Tel Abyad. Ảnh ngày 14/10/2019. Reuters
Quảng cáo

Đây chính là hệ quả đầu tiên của việc Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi đồng minh Kurdistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Thông báo quyết định rút quân ra khỏi Syria của Mỹ chẳng khác gì « lộc trời ban » cho Syria.

Tổng thống Bachar al-Assad, mà phương Tây vẫn xem như là « đao phủ » cần phải bị lật đổ, nay « đường đường chính chính » trở lại bàn cờ địa chính trị thế giới. Bị Hoa Kỳ « phản bội » và trước sức tấn công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng chống thánh chiến người Kurdistan không còn chọn lựa nào khác đành phải thỏa hiệp với chế độ Damas.

Một « thỏa hiệp đau đớn » như tuyên bố của lãnh đạo FDS. Theo đó, Kurdistan phải chấp nhận hai điều kiện chính : Từ bỏ vũ khí và một phần lớn quyền tự trị mà người Kurdistan xây dựng tại vùng đông bắc này.

Với thỏa hiệp này, chế độ Damas có thể tái lập chủ quyền của mình tại vùng lãnh thổ đông bắc, chiếm đến 1/3 diện tích đất nước. Damas thông báo điều hai binh đoàn đến vùng biên giới để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ « xâm lược ».

Dù vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi cho diễn tiến gần đây tại Syria. Chiến sự tại Syria rồi sẽ đi về đâu ? Liệu rằng một cuộc đối đầu trực diện Syria – Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra hay không ? Phản ứng của Nga và Iran ra sao ?

Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về Nga, cho đến lúc này, vẫn làm chủ cuộc chơi tại Syria. Tuy nhiên, với quyết định trên của Mỹ, một câu hỏi được đặt ra : Liệu Matxcơva có thể nào thuyết phục được Ankara hạn chế cuộc tấn công nhắm vào Tall Abyad và Ras al-Ain hay không, tức những vùng có đông người Ả Rập Syria sinh sống ?

Điều này khó xẩy ra. Bởi vì ông Putin cần đến Erdogan trong cuộc chiến mà Damas và Matxcơva tiến hành chống phe nổi dậy đa phần là quân thánh chiến tập trung ở vùng cửa ngõ Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây. Trong khi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào vùng lãnh thổ do người Kurdistan kiểm soát nằm ở phía đông bắc Syria.

Một hệ quả khác cũng làm cho châu Âu đau đầu : Việc kiểm soát hàng ngàn tù nhân thánh chiến do người Kurdistan giam giữ. Các đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực này đã làm phân tán nhiều tên thánh chiến nguy hiểm. Nguy cơ tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo hồi sinh trong khu vực ngày càng lớn. Châu Âu giờ có nguy cơ phải trả giá đắt cho việc phớt lờ lời kêu gọi của đồng minh Kurdistan sớm đưa những tù binh thánh chiến hồi hương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.