Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỨC - THỔ NHĨ KỲ - VŨ KHÍ

Pháp, Đức ngưng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vì tấn công người Kurdistan

Bộ Ngoại Giao và bộ Quân Lực Pháp ngày 12/10/2019 thông báo "đình chỉ ngay lập tức" các chương trình xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này được đưa ra bốn ngày sau khi Ankara can thiệp quân sự tại vùng lãnh thổ của người Kurdistan tại Syria. Chính quyền Đức cũng đã đưa ra quyết định tương tự.

Người Kurdistan tại Liban biểu tình phản đối chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria nhằm vào người Kurdistan ngày 13/10/2019.
Người Kurdistan tại Liban biểu tình phản đối chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria nhằm vào người Kurdistan ngày 13/10/2019. REUTERS/Aziz Taher
Quảng cáo

Trong thông cáo chung, bộ Ngoại Giao và bộ Quân Lực Pháp nhấn mạnh quyết định này được duy trì cho tới khi nào Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch tấn công.

Paris cho biết thêm, cuộc họp cấp ngoại trưởng 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu tại Luxembourg ngày 14/10/2019 sẽ là cơ hội để Liên Âu "phối hợp quan điểm theo hướng này".

Đây cũng là lập trường được ngoại trưởng Đức đưa ra ngay từ chiều qua. Ngoại trưởng Heiko Maas trên báo Bild cho biết Berlin "ngưng cung cấp các loại trang thiết bị quân sự Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng tại Syria".

Về phía Ankara, ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu báo trước, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "không chùn bước trước đe dọa cấm vận của Liên Âu".

Vẫn trên bình diện ngoại giao, chiều ngày 12/10/2019 Liên Đoàn Ả Rập họp khẩn tại Cairo và mạnh mẽ lên án Thổ Nhĩ Kỳ "tấn công" vào lãnh thổ Syria. Liên Đoàn Ả Rập kêu gọi Ankara "chấm dứt chiến dịch quân sự này, rút lui ngay tức khắc và vô điều kiện" khỏi vùng lãnh thổ ở miền đông bắc Syria.

Liên Đoàn Ả Rập lên án Thổ Nhĩ Kỳ "xâm chiếm một vùng lãnh thổ Ả Rập" và coi đây là một "mối đe dọa trực tiếp nhắm vào an ninh" của các nước Ả Rập. Cho đến cuộc nội chiến Syria năm 2011, Damas là một thành viên Liên Đoàn Ả Rập. Ngoại trưởng Irak và Liban kêu gọi Liên Đoàn cho Syria quay trở lại với tổ chức này.

Syria : Giao tranh dữ dội giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Kurdistan

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục oanh kích miền bắc Syria trong ngày thứ năm liên tiếp, 13/10/2019. Hàng trăm người thân của lực lượng thánh chiến nước ngoài đã trốn thoát khỏi trại Ain Issa bị Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích. Ngày 12/10, lực lượng Syria đánh thuê của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã "hành quyết" ít nhất 9 thường dân, trong đó có một chính trị gia, bà Hevrin Khalaf, tổng thư ký đảng Tương lai Syria.

Theo AFP, trên thực địa ngày 13/10, các vụ giao tranh tiếp tục nổ ra dữ dội trên hai mặt trận ở Tal Abyad và Ras Al Ain, phía bắc Syria. Gần Tal Abyad, lực lượng phụ trợ Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được "nhiều khu vực". Lực lượng này trước đây cũng nổi dậy chống chế độ Bachar Al Assad. Do bị suy yếu, hiện lực lượng này được Ankara huấn luyện và tài trợ.

Còn tại Ras Al Ain, lực lượng FDS đã đẩy lùi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đội lính đánh thuê. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, trong các trận giao tranh dữ dội đêm 12/10, có 17 lính Syria ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng tại Ras Al Ain, phía FDS có bốn người chết. Lực lượng Kurdistan cũng bác bỏ thông tin Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được Ras Al Ain.

Đặc phái viên RFI Oriane Verdier, có mặt gần khu vực Ras Al Ain tối 12/10, giải thích :

Chúng tôi có mặt trên một ngọn đồi nhìn xuống Ras Al Ain. Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng oanh kích thành phố Syria này. Đích nhắm là các trục đường chiến lược, như con đường nối Ras Al Ain và Kameshli, thành phố chính của vùng Kurdistan.

Đúng là truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định là Ras Al Ain đã được giải phóng hoàn toàn, nhưng khó mà tin được thông tin đó nếu nhìn từ chỗ chúng tôi đang có mặt. Những người dân mà chúng tôi tiếp xúc được bên phía Syria khẳng định rằng lực lượng Syria đánh thuê của Thổ Nhĩ Kỳ đã cố vào thành phố nhưng không thành.

Đây đúng là cuộc chiến tuyên truyền. Một điều chắc chắn là nếu bước vào giai đoạn giao tranh trong thành phố, thì đó sẽ là những cuộc đối đầu dài, tại từng khu phố.

Vào buổi sáng (12/10), tại nhiều khu phố ở Ras Al Ain, thành phố sát đường biên giới này, đã có nhiều vụ đấu súng giữa những tay súng bắn tỉa đóng ở mỗi bên. Thành phố Ras Al Ain, nơi đa số dân cư là người Kurdistan, đã được sơ tán. Đây là biện pháp bảo vệ, nhưng cũng có thể là cách kiểm soát mọi âm mưu hành động từ phía Thổ Nhĩ Kỳ để ủng hộ đảng Kurdistan Liên Minh Dân Chủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.