Vào nội dung chính
GIẢI THƯỞNG NOBEL

Nobel Hóa Học 2019 được trao cho 3 người cha của pin Lithium-ion

Hôm nay, 09/10/2019, Ủy Ban Nobel Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Hóa Học 2019 cho ba nhà khoa học Mỹ, Anh và Nhật Bản đã sáng chế và phát triển loại phin sạc Lithium-Ion, hiện được dùng trong vô số vật dụng, từ điện thoại đi động cho đến xe hơi chạy điện.

Màn hình tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển công bố danh tính 3 nhà kho học đoạt giải Nobel Hóa học 2019.
Màn hình tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển công bố danh tính 3 nhà kho học đoạt giải Nobel Hóa học 2019. REUTERS
Quảng cáo

Giải thưởng đã được trao cho khoa học gia Mỹ John B. Goodenough, sinh tại Đức năm 1922, hiện làm việc tại Đại Học Texas (Mỹ), Stanley Whittingham, sinh tại Anh năm 1941, thuộc Đại Học Binghamton, New York (Mỹ), và Akira Yoshino, sinh tại Nhật Bản năm 1948, thuộc tập đoàn Asahi Kasei và Đại Học Meijo ở Nagoya (Nhật Bản).

Trong bản thông cáo, Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển ghi nhận rằng « loại pin Lithium-ion đã tạo ra một cuộc cách mạng trong đời sống con người, và được dùng trong mọi loại vật dụng, từ điện thoại đi động cho đến máy tính cầm tay và xe hơi điện. Với công trình của mình, ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa Học năm nay đã thiết lập nền móng cho một xã hội không dây và không năng lượng hóa thạch ».

Điều đáng ghi nhận là ở tuổi 97, khôi nguyên Nobel Hóa Học 2019 John Goodenough đã trở thành người đoạt giải lớn tuổi nhất trong lịch sử giải Nobel.

Nobel Vật Lý cho hai công trình nghiên cứu về vũ trụ

Còn hôm qua, 08/10, giải Nobel Vật lý 2019 đã được phân đôi để trao cho hai công trình nghiên cứu về thiên văn vũ trụ của ba nhà khoa học, được cho là đã « đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ ».

Công trình thứ nhất là của nhà nghiên cứu Mỹ-Canada James Peebles, sinh năm 1935 tại Winnipeg, Canada, hiện là giáo sư tại Đại Học Princeton (Hoa Kỳ). Ông được tặng thưởng nhờ « những phát hiện mang tính lý thuyết về vật lý vũ trụ ».

Công trình đoạt giải thứ hai là của hai nhà khoa học Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz, nhờ « những phát hiện góp phần nâng cao nhận thức của con người về vũ trụ », cụ thể là « một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời ».

Michel Mayor, sinh năm 1942 tại Lausanne, Thụy Sĩ, hiện dạy tại Đại Học Genève (Thụy Sĩ), còn Didier Queloz sinh năm 1966, là giáo sư tại Đại Học Genève và Đại Học Anh Cambridge.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.