Vào nội dung chính
HOA KỲ - SYRIA

Syria: Vì sao Donald Trump muốn bỏ rơi Kurdistan?

Nếu quyết định bỏ rơi đồng minh Kurdistan-Syria là sáng suốt thì vì sao cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ, từ chính giới đến các nhà chiến lược đều phản đối tổng thống Donald Trump ? Vậy thì đâu là những động cơ thúc đẩy chủ nhân Nhà Trắng lấy một quyết định bất chấp thiệt hại cho uy tín siêu cường, hy sinh đồng minh số một trong cuộc chiến chống khủng bố, tạo cơ hội cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) hồi sinh ?

Căn cứ huấn luyện Serimli do Các Đơn Vị Bảo Vệ người Kurdistan kiểm soát, ở Qamishli, đông bắc Syria. Ảnh chụp ngày 16/08/2014
Căn cứ huấn luyện Serimli do Các Đơn Vị Bảo Vệ người Kurdistan kiểm soát, ở Qamishli, đông bắc Syria. Ảnh chụp ngày 16/08/2014 REUTERS/Youssef Boudlal
Quảng cáo

Tổng thống Donald Trump bị công luận chỉ trích mãnh liệt. Ngay các nhật báo thiên tả và chủ hòa của Pháp như Libération và báo thân đảng Cộng Sản l’Humanité cũng lên án tổng thống Mỹ « phản bội ».

Quyết định của Donald Trump bị lên án ngay trong nội bộ đảng Cộng Hoà. Hai nhân vật có uy tín là cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nikky Haley và nhất là thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết sẽ đưa ra một nghị quyết tại Thượng Viện chống quyết định của tổng thống và chắn chắn sẽ được đa số ủng hộ.

Ở châu Á, báo mạng Asia Times khẳng định « một tổng thống bị thương tích thường lấy quyết định xấu », ám chỉ Donald Trump đang ở trong vòng vây « Impeachment - phế truất ».

Nhưng « bị đe dọa truất phế » chưa phải là lý do duy nhất để giải thích vì sao Donald Trump « bán đứng » lực lượng FDS, Kurdistan-Syria Tự Do, cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chỉ mới tiêu diệt phần lớn tiềm năng quân sự của Daech.

Trong bối cảnh sắp bước vào mùa tái tranh cử, tổng thống Donald Trump có lý do thứ hai, chính đáng, là phải thực hiện lời hứa đem binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, Irak, Syria…về nhà.

Tái đắc cử trước đã

Trong «logic» này, Donald Trump đã ngồi yên bất động để cho Iran củng cố ảnh hưởng ở Yemen, ở Irak, ở Syria. Ông cũng không ngăn chận các nguồn vũ khí cung cấp cho Hezbollah và các tổ chức khủng bố khác. Khi hai trung tâm dầu khí của đồng minh Ả Rập Xê Út bị oanh kích, Donald Trump điềm nhiên tọa thị, tuyên bố nước Mỹ không thiếu nhiên liệu. Donald Trump ban hành các biện pháp trừng phạt Iran nhưng ông thừa biết dầu hỏa Iran tiếp tục được bán sang Trung Quốc. Vũ khí của Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên tiếp tục bán cho Iran.

Điều nghịch lý của Donald Trump là cùng lúc đó, đối thủ của Mỹ, nước Nga của Putin cũng độc lập về dầu khí nhưng Matxcơva thấy rõ lợi ích chiến lược từ kinh tế đến điạ chính trị. Do vậy, Matxcơva năng nổ thuyết phục các đồng minh của Washington ngả theo Nga. Đích thân Vladimir Putin gợi ý Ryad mua SS-400 sau khi bị Iran oanh kích và đã bán được tên lửa phòng không tối tân này cho Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO.

Không bạn, không đồng minh

Theo một nhà ngoại giao Tây phương được Liberation trích dẫn, Donald Trump không có bạn, không có đồng minh mà chỉ có mặc cả và giao dịch. Thấy có lợi cho cá nhân thì ông làm. Vụ tai tiếng dùng viện trợ quân sự làm đòn bẩy để buộc tổng thống Ukraina điều tra hai bố con đối thủ Joe Biden là một trường hợp điển hình. Vụ Kurdistan là trường hợp mới nhất. Khi bị chất vấn vì sao bỏ rơi đồng minh, Donald Trump trả lời một cách lạnh lùng : họ cũng nhận được nhiều tiền lắm đấy.

Về phần châu Âu, Kurdistan bị bỏ rơi đưa đến những rủi ro khó lường. Cuộc chiến chống khủng bố sẽ bị suy yếu. Tuần qua, tham mưu trưởng liên quân của Pháp, tướng François Lecointre, đến tận Hassakê để thảo luận với lực lượng Kurdistan, tiếp tục hợp tác. Nhưng lực lượng chống khủng bố của Pháp trong khu vực lệ thuộc vào yểm trợ của Mỹ. Nếu lực lượng Kurdistan, một khi đơn độc đối phó với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, phải thả 10.000 chiến binh Daech thì đúng là cơn ác mộng của châu Âu.

Chưa có thể dự báo là Donald Trump, với phương châm « mọi phương tiện đều tốt » có thể tái đắc cử hay không . Thái độ « lùi một bước » trong quyết định rút quân cho thấy ông không dám phiêu lưu chống lại làn sóng phản đối tại Mỹ, nhất là trong đảng Cộng Hoà.

Một chuyện bất ngờ vừa xảy ra hôm cuối tuần. Phái đoàn Bắc Triều Tiên đột ngột bỏ cuộc họp với phái đoàn Mỹ ở Stockholm. Asia Times suy đoán : có thể Kim Jong Un biết tẩy là không nên tin Donald Trump và không chắc gì ông còn ngồi ở Nhà Trắng sau năm 2020.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.