Vào nội dung chính
BRAZIL - Y TẾ

Brazil thử nghiệm vi khuẩn chống sốt xuất huyết Dengue

Theo hãng tin AFP hôm nay, 02/10/2019, một phòng thí nghiệm ở Rio de Janeiro đang thử nghiệm một loại vi khuẩn được đưa vào các con muỗi để ngăn chận sự lây lan của virus bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Muỗi Aedes aegypti được quan sát trong phòng thí nghiệm về côn trùng và sinh thái, ở San Juan, Brazil. Ảnh chụp ngày 06/03/2016.
Muỗi Aedes aegypti được quan sát trong phòng thí nghiệm về côn trùng và sinh thái, ở San Juan, Brazil. Ảnh chụp ngày 06/03/2016. Alvin Baez/Reuters
Quảng cáo

Các nhà nghiên cứu của Viện Fiocruz đã nuôi những con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, giúp cho chúng có sức đề kháng mạnh hơn đối với virus bệnh sốt xuất huyết. Đó là muỗi mang tên Aedes aegypti, vốn là vector truyền virus sốt xuất huyết Dengue, cũng như virus bệnh zika và chikungunya.

Khi những con muỗi mang vi khuẩn nói trên đến tuổi trưởng thành, chúng sẽ được thả ra thiên nhiên với hy vọng là chúng sẽ giao cấu với các con muỗi khác và truyền vi khuẩn cho những con muỗi đó, rồi cứ thế truyền cho các thế hệ tương lai. Như vậy, con cháu của những con muỗi này sẽ có rất ít khả năng truyền virus bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Muỗi đã được thả thường xuyên kể từ năm 2015 tại Niteroi, một thành phố có mật độ dân số rất cao, nằm gần Rio de Janeiro. Các kết quả đạt được rất khả quan, với số ca sốt xuất huyết Dengue và chikungunya tại các khu được thử nghiệm đã sụt giảm mạnh. Kết quả xét nghiệm cũng có thấy có đến 90% muỗi tại những khu đó mang vi khuẩn Wolbachia trong mình.

Bộ Y Tế đang dự trù thử nghiệm chương trình này tại các địa phương khác để xem có sẽ đạt những kết quả tương tự trong những môi trường khác hay không. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Luciano Moreira, người điều phối dự án của viện Fiocruz, báo trước là sau tháng 12 sẽ không còn các đợt thả muỗi nào khác, do ngân sách bị cắt giảm. Việc cắt giảm này lại đúng vào lúc mà trong những tháng đầu năm nay, đã có đến 1,4 triệu ca sốt xuất huyết Dengue được ghi nhận trong những tháng đầu năm nay, tăng đến 600% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo AFP, những nước khác như Việt Nam cũng đã thử nghiệm phương pháp dùng vi khuẩn Wolbachia, được đưa ra tại Úc vào năm 2011.

Nhưng đối với nhà nghiên cứu Luciano Moreira, vi khuẩn này không phải là giải pháp duy nhất, mà trước hết phải giảm những nơi có nước tù đọng, nơi mà muỗi sinh sôi nẩy nở dễ dàng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.