Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - KHÍ HẬU

Báo Pháp : Ba “đòn bẩy” chính để bảo vệ khí hậu

Tuần lễ Quốc tế hành động vì khí hậu kéo dài từ ngày 20 đến ngày 27/09/2019, với mục tiêu kêu gọi chính quyền các nước hành động tích cực và hiệu quả nhằm chống nạn biến đổi khí hậu, chống hiện tượng Trái đất nóng dần lên, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh thái …, nhiều sự kiện, hoạt động diễn ra khắp nơi trên thế giới trong suốt tuần lễ đặc biệt chưa từng có này.

Thế giới đang phải đối phó với các mối nguy biến đổi khí hậu do phương thức phát triển thiếu bền vững.
Thế giới đang phải đối phó với các mối nguy biến đổi khí hậu do phương thức phát triển thiếu bền vững. MATHILDE BELLENGER / AFP
Quảng cáo

Ngày 23/09/2019, Liên Hiệp Quốc khai mạc Thượng đỉnh đặc biệt về khí hậu. Ngày 24/09, tại Thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển bền vững, lãnh đạo các nước thảo luận về các tiến bộ đã đạt được nhằm hướng tới 169 mục tiêu cụ thể thuộc 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững của Agenda 2030 - Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc.

Dân số tăng nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nguy cơ hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu, hệ sinh thái bị đe dọa … Thế giới đang sống trong nguy hiểm, mất cân bằng, hậu quả của lối sống, phương thức phát triển không bền vững, từ sản xuất tới tiêu dùng ...

Các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã được xác định, hiện giờ điều khẩn thiết là thế giới, từ các công dân cho đến chính quyền các nước, phải biến lời nói thành hành động cụ thể. Báo công giáo La Croix số ra ngày 23/09/2019 nhấn mạnh đến ba “đòn bẩy” thiết yếu để bảo vệ khí hậu : giảm tiêu thụ năng lượng, điều chỉnh thói quen ăn uống và thay đổi phương thức giao thông vận chuyển.

Giảm tiêu thụ năng lượng

Nhu cầu năng lượng của thế giới ngày càng cao và tốc độ sử dụng cũng tăng theo đà tăng trưởng kinh tế. Ngành năng lượng là lĩnh vực phát thải hơn 1/3 tổng lượng khí CO2, cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. “Thủ phạm chính” thì ai cũng biết: than đá, với hai nước tiêu thụ nhiều nhất toàn cầu là Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế AIE, than đá là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện: 40% tổng lượng toàn thế giới. 2/3 số nhà máy nhiệt điện than nằm ở châu Á.

Về các biện pháp thay thế, chúng ta có khí ga, dồi dào và không đắt, nhưng vẫn phát thải CO2 cho dù là ít hơn hai lần so với điện than. Ngoài ra, còn có năng lượng nguyên tử, quá trình sản xuất điện hạt nhân không phải là nguồn xả thải khí các-bon nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề khác. Còn các nguồn năng lượng có thể tái tạo hiện chiếm hơn ¼ tổng lượng điện toàn cầu. Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm nhiều trong những năm qua, chẳng hạn giá các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm còn 1/10 sau 10 năm, nhưng việc ngưng tài trợ cho điện mặt trời tại một số nước đã góp phần kìm hãm sự phát triển của loại năng lượng này.

Tại châu Âu, lượng khí các bon phát thải từ hoạt động sản xuất điện đã giảm (-1,3% trong năm 2018), chủ yếu do Đức giảm điện than và các nước tăng sản xuất các loại năng lượng có thể tái tạo.

Điều chỉnh thói quen ăn uống

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng đất đai tốt hơn sẽ đóng vai trò quyết định để chống biến đổi khí hậu. Ủy ban Eat-Lancet, quy tụ 37 nhà khoa học thuộc 16 quốc gia, chuyên nghiên cứu về chế độ ăn uống và phát triển bền vững, thậm chí còn khẳng định là để bảo đảm môi trường khí hậu được gìn giữ lâu bền thì không có đòn bẩy nào tốt hơn là thay đổi thói quen ăn uống. Theo GIEC, nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, thì lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác rừng và các hoạt động khác sử dụng đất đai thải ra chiếm tới 28% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người gây ra.

Nhiều người cứ nghĩ rằng các nhà máy nhiệt điện than hay phương thức di chuyển bằng máy bay mới là nguồn xả thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, nhưng cách thức, thói quen ăn uống của con người trong những thập kỷ gần đây mới là nguyên nhân chính đặt ra những thách thức về khí hậu. Trước tiên, đó là vì phương thức sản xuất nông nghiệp thông thường thải ra rất nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí oxit nitơ do việc sử dụng phân đạm tổng hợp gây ra. Hoạt động chăn nuôi bò thì lại xả thải nhiều khí methane.

Ngoài ra, việc đất đai bị khai thác quá nhiều, bị suy thoái đã làm giảm khả năng lưu giữ khí các bon. Và việc rừng, vốn được coi là “giếng hút các-bon” vô cùng quý giá, bị phá để lấy đất trồng đậu tương phục vụ chăn nuôi hoặc trồng cọ để chế biến dầu cọ phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn, cũng góp phần thu hẹp, “xóa sổ” các “giếng hút các-bon”.

Ủy ban Eat-Lancet cho rằng cần khẩn cấp thay đổi triệt để thói quen ăn uống trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh sức ép dân số ngày càng tăng. Cũng như GIEC, nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, các nhà nghiên cứu của Ủy ban Eat-Lancet khuyến cáo tăng khẩu phần rau, hoa quả, các loại đậu và giảm mạnh khẩu phần thịt, cụ thể là mỗi ngày ăn 200-600g rau, 100-300g hoa quả, tối đa 28g thịt (bò, cừu non, lợn) và tối đa 58g thịt gà, thêm vào đó là các chế phẩm từ sữa và ngũ cốc.

GIEC cũng lưu ý tới việc hiện nay 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra đang bị lãng phí hay mất đi, có nghĩa là rất nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính được thải ra mà nhiều người vẫn không có đủ thức ăn. Ngoài ra, liên quan đến thực phẩm sạch “bio”, các chuyên gia khuyến khích mua thực phẩm bio được thu hoạch, chế biến ngay tại địa phương để hạn chế việc chuyên chở hàng xóa đi xa, vốn cũng là nguồn xả khí gây hiệu ứng nhà kính.

Thay đổi phương thức giao thông vận chuyển

Máy bay thải khí CO2 nhiều hơn 1.500 lần so với tàu hỏa. Chính vì thế mà từ vài tháng nay, tại Thụy Điển có phong trào “Flygskam”. Cảm thấy xấu hổ, tội lỗi khi di chuyển bằng máy bay, người dân đất nước Bắc Âu kêu gọi mỗi người chủ động giảm đi máy bay. Hiện giờ, giao thông hàng không mới chỉ thải ra 2% tổng lượng khí CO2 toàn cầu, nhưng theo dự báo, đến năm 2037, số lượng các chuyến bay tăng gấp đôi, và lượng các-bon phát thải ra môi trường cũng tăng nhiều gấp 2 lần.

Giao thông là một trong những lĩnh vực mà lượng khí phát thải không ngừng tăng, +16% trong giai đoạn 1990-2015. Theo số liệu được công bố tại thượng đỉnh One Planet, hiện giờ 15% lượng khí CO2 thải ra là từ lĩnh vực giao thông vận chuyển. Tại châu Âu, tỉ lệ này còn cao hơn, chiếm tới 25% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó 70% là do giao thông đường bộ gây ra. Armateurs de France, tổ chức tập hợp các doanh nghiệp hàng hải cho biết giao thông vận tải đường biển xả thải 2,3% các khí hâm nóng Trái đất.

Thay đổi phương thức chuyên chở không phải là điều đơn giản. Ngay từ năm 2011, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định từ nay đến năm 2050 sẽ giảm 60% lượng khí CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, tổ chức Greenpeace nhận định để đạt được mục tiêu trên, Liên Âu phải từ bỏ các xe chạy bằng xăng, diesel và hybride trước năm 2028.

José Viegas, cựu tổng giám đốc của tổ chức liên chính phủ có tên gọi là FIT – Diễn đàn quốc tế về giao thông, cảnh báo là tính trên quy mô toàn cầu, các chính sách hiện có và các chính sách dự kiến để giảm phát thải khí các bon trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của quốc tế. Vẫn theo ông Viegas, từ nay đến năm 2050, công nghệ có thể góp phần giúp các phương tiện chuyên chở giảm 70% lượng CO2 phát thải ra môi trường, phần còn lại phải do con người thay đổi thói quen. Tổ chức hàng hải quốc tế đề nghị các tàu giảm tốc độ để giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm thải khí các-bon.

Liên quan đến giao thông đường bộ, hiệp hội Mạng lưới hành động vì khí hậu thì khuyến cáo mọi người từ bỏ các phương tiện cơ giới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, cải thiện công nghệ để các loại xe tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, cũng như quy hoạch lại không gian sống để hạn chế mở rộng các đô thị và nhu cầu di chuyển của người dân. Kinh tế gia Guillaume Pitron thì nhấn mạnh cần xem xét lại thói quen đi lại và ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng cũng như phương thức làm việc từ xa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.