Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - MÔI TRƯỜNG

​​​​​​​Khí hậu: Greta Thunberg chỉ trích các lãnh đạo thế giới

Hôm qua, 23/09/2019, cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu đã khai mạc tại Liên Hiệp Quốc với bài phát biểu của nhà hoạt động trẻ người Thụy Điển Greta Thunberg. Cô chỉ trích nặng nề là các lãnh đạo thế giới không có hành động gì để chống biến đổi khí hậu, vào lúc mà tình hình ngày càng khẩn cấp.

Tại thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu, ngày 23/09/2019, thiếu nữ Greta Thunberg chỉ trích mạnh mẽ các lãnh đạo thế giới.
Tại thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu, ngày 23/09/2019, thiếu nữ Greta Thunberg chỉ trích mạnh mẽ các lãnh đạo thế giới. REUTERS/Carlo Allegri
Quảng cáo

Từ New York, đặc phái viên RFI Murielle Paradon gởi về bài tường trình:

“Mặc trang phục màu hồng, với giọng run run, Greta Thunberg bày tỏ nỗi tức giận của cô trước các lãnh đạo toàn thế giới. Họ đến đây để nêu bật những tiến bộ đạt được về bảo vệ môi trường. Nhưng nhà hoạt động trẻ người Thụy Điển đã kéo họ về với thực tế của tình trạng khẩn cấp về khí hậu, với những lời luận tội đanh thép:

“Lẽ ra tôi không có mặt ở đây, lẽ ra tôi đang ở trường, phía bên kia đại dương. Nhưng giờ đây, trước mặt chúng tôi, những người trẻ, quý vị nói với chúng tôi về hy vọng. Sao quý vị lại dám nói như thế ? Quý vị đã cướp mất những ước mơ của tôi và tuổi thơ của tôi, với những lời lẽ sáo rỗng. Mà tôi còn là một trong những người may mắn, trong khi biết bao người khác đang đau khổ, biết bao người khác đang chết. Rất nhiều hệ sinh thái đang sụp đổ hoàn toàn. Chúng ta đang bước vào một thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt, thế mà quý vị chỉ nói đến tiền và những phép lạ tăng trưởng kinh tế. Sao quý vị lại dám nói như thế ?”

Được vỗ tay hoan nghênh rất lâu, Greta Thunberg rời khỏi khán đài, nhường chỗ cho các lãnh đạo thế giới lên phát biểu. Có một điều bất ngờ: Lẽ ra không đến dự thượng đỉnh, nhưng ông Donald Trump đã ghé qua vài phút. Tổng thống Mỹ, vốn xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu, đến đúng vào lúc thiếu nữ Thụy Điển rời khỏi phòng họp. Bao quanh là một lực lượng an ninh hùng hậu, ông Trump đã không hề nhìn thấy cô.”

Mặc dù các lãnh đạo thế giới bị Greta Thunder chỉ trích nặng nề như vậy, nhưng cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu hôm qua đã không đạt những tiến bộ có tính chất quyết định nhằm đảo ngược xu thế gia tăng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo thông báo của Liên Hiệp Quốc, kể từ nay có tổng cộng 66 quốc gia đề ra mục tiêu trung hòa giữa thải và hấp thụ khí carbone từ đây đến năm 2050, nhưng phần lớn là những nước nhỏ và trong đa số trường hợp, đó chỉ là những tuyên bố mang tính nguyên tắc, chứ không đưa đưa vào luật của quốc gia.

Cả Hoa Kỳ, nước có lượng khí phát thải nhiều thứ hai thế giới, và Brazil, phần lớn rừng Amazon nằm trên lãnh thổ của quốc gia này, đều không tham dự thượng đỉnh. Còn Trung Quốc cũng như Ấn Độ, hai quốc gia sử dụng rất nhiều than, đều không đưa ra những cam kết mới tại thượng đỉnh.

Về phần tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuy không nêu tên Greta Thunberg, ông tuyên bố: Chúng ta cần đến thế hệ trẻ này để giúp chúng ta thay đổi mọi việc và tạo áp lực lên những người không muốn thay đổi. Nhân dịp này, ông Macron nhắc lại là các nhà máy điện chạy than cuối cùng của Pháp sẽ đóng cửa vào năm 2022.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.