Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - KHÍ HẬU

Thượng đỉnh khí hậu Liên Hiệp Quốc : chỉ có 60 nguyên thủ tham dự

Thứ Hai 23/09/2019, khai mạc Thượng đỉnh khí hậu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở NewYork, do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập và dưới áp lực của giới trẻ.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (T) bắt tay nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi, Greta Thunberg, tại Thượng đỉnh của giới trẻ vì môi trường tại trụ sở LHQ, New York, Mỹ, ngày 21/09/2019
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (T) bắt tay nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi, Greta Thunberg, tại Thượng đỉnh của giới trẻ vì môi trường tại trụ sở LHQ, New York, Mỹ, ngày 21/09/2019 REUTERS/Carlo Allegri
Quảng cáo

Sự kiện đặc biệt này trùng hợp với phiên họp toàn thể Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74. Nhưng trong số 136 nhà lãnh đạo có mặt tại NewYork, chỉ có 60 vị nhận lời tham dự cho dù đã nhận được thư mời từ nhiều tháng qua.

Ba ngày sau khi hàng chục triệu thanh niên, sinh viên, học sinh khắp năm châu lục xuống đường vì khí hậu và trước phong trào bãi khóa toàn cầu vào thứ Sáu tới, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kỳ vọng vào các nhà lãnh đạo thông báo ít ra là một số biện pháp cụ thể.

Tuy nhiên,trong số những người vắng mặt có lãnh đạo những nước có tiếng gây ô nhiễm nhất địa cầu : Donald Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin...

Vì sao tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chọn « chống biến đổi khí hậu » làm mục tiêu trong khi vai trò của cơ quan quốc tế này là bảo vệ an ninh, hòa bình ?

Từ New York, thông tín viên Carie Nooten phân tích :

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã quyết định không chờ đến năm 2020, thời điểm được dự trù để các nước thông báo những nỗ lực mới, chỉ tiêu mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thúc đẩy cơ quan quốc tế đốt cháy giai đoạn. Thượng đỉnh New York là một minh chứng : khí hậu đã trở thành hoạt động ưu tiên của nhiệm kỳ với động lực là giới trẻ. Trước cử tọa gồm 500 đại biểu thanh thiếu niên được mời trao đổi sáng kiến hành động cụ thể hôm thứ Bảy, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khuyến khích họ tiếp tục tranh đấu, gây sức ép với các chính phủ kể cả dùng lá phiếu để phản kháng.

Hôm nay, ngày khai mạc thượng đỉnh, đến lượt các nhà lãnh đạo phải lên tiếng để chứng tỏ họ có hành động. Theo một nhà ngoại giao, khí hậu là cuộc chiến của tổng thư ký Antonio Guterres chứ không phải là hồ sơ an ninh thế giới.

Muốn biết vì sao có sự đổi hướng này, chỉ cần nhìn vào các hồ sơ an ninh đang bị tắc nghẽn. Chẵn hạn như nước Nga dùng quyền phủ quyết, bác bỏ hay ngăn chận các nghị quyết về Syria đến 11 lần. Rồi đến những nước chủ trương chủ nghĩa song phương, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã góp phần không ít vào việc giới hạn vai trò của Liên Hiệp Quốc.

Do vậy, tổng thư ký đi đường vòng. Theo Antonio Guterres, luôn luôn có mối quan hệ nhân quả giữa bầu khí quyển bị hâm nóng và thiên tai tàn phá cũng như giữa tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng khủng bố lan rộng, lợi dụng thời cơ là một sự thật không thể phủ nhận.

Theo nhận định của một nhà hoạt động : Chống biến đổi khí hậu là động lực duy nhất còn có thể huy động hợp tác đa phương.

Chính vì thế mà tổng thư ký Antonio Guterres sử dụng hồ sơ khí hậu để cứu vãn uy tín của Liên Hiệp Quốc mà nhiệm vụ gốc là bảo vệ an ninh hoà bình thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.