Vào nội dung chính
MỸ - CUBA

Cuba lên án Mỹ sau vụ 2 nhà ngoại giao bị trục xuất

Chỉ vài ngày trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Washington trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba, bi cáo buộc "phá hoại an ninh quốc gia". Các thành viên khác của phái bộ Cuba tại Liên Hiệp Quốc bị yêu cầu không được ra ngoài khu Manhattan, nơi đặt trụ sở của tổ chức quốc tế. Quyết định của Mỹ đã bị La Habana cực lực lên án.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez trong cuộc họp báo tại La Habana, ngày 20/09/2019.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez trong cuộc họp báo tại La Habana, ngày 20/09/2019. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Từ thủ đô Cuba, thông tín viên RFI Domitille Piron tường trình :

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez hôm 20/09 đã tố cáo một hành động vô lý và phi pháp nhằm mục đích vu khống các nhà ngoại giao bị trục xuất và phái bộ Cuba bên cạnh Liên Hiệp Quốc.

Ông nhắc lại rằng chính quyền Cuba không hài lòng chút nào về cách công bố quyết định trục xuất, đã được loan đi trên mạng Twitter, trước cả khi thông báo cho các bên liên quan chính.

Ngoại trưởng Cuba cũng cho biết là La Habana sẽ có phản ứng vào thời điểm thuận tiện, nhưng không đề cập đến chi tiết.

Cuba hiện đang chờ đợi phản ứng từ cộng đồng quốc tế, và nhắc lại rằng việc trục xuất các đại diện Cuba tại Liên Hiệp Quốc đã vi phạm các quy tắc ngoại giao. Do việc trụ sở Liên Hiệp Quốc đặt tại New York, về nguyên tắc, Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải cấp thị thực cho các quốc gia theo yêu cầu.

Theo ông Bruno Rodriguez, quyết định của Mỹ nằm trong loạt biện pháp nhằm gia tăng áp lực lên Cuba, vào lúc mà quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng xăng dầu nghiêm trọng, đặc biệt là do phong tỏa của Mỹ.

Ngoại trưởng Cuba cho rằng những căng thẳng gia tăng có liên quan đến chương trình bầu cử của tổng thống Mỹ Donald Trump và có thể dẫn đến việc cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Cuba bị thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng

Trong thời gian gần đây, người dân Cuba ngày càng lo lắng trước tình hình thiếu thốn xăng dầu của đất nước. Các biện pháp "tình huống" đã được chính phủ áp dụng từ một tuần lễ nay để đối phó với tình trạng thiếu nhiên liệu.

Theo ghi nhận của thông tín viên Dominique Piron, tại các trạm xăng của thủ đô, hàng người chờ mua kéo dài hàng trăm mét, có người phải chờ cả 4 tiếng đồng hồ mà chưa đến phiên. Tình trạng khan hiếm chủ yếu liên quan đến xăng, còn diesel thì chưa bị ảnh hưởng.

Về mặt chính thức, chính quyền Cuba vẫn cho rằng khủng hoảng hiện tại chỉ là tạm thời, nhưng các biện pháp kinh tế được áp dụng trong một tuần lễ qua đã khiến nhiều người nhớ lại thời kỳ khan hiếm đặc biệt ngay sau ngày Liên Xô sụp đổ, khi giao thông công cộng bị giảm một nửa, các cơ quan chính quyền, trường học và các công ty nhà nước phải giảm giờ làm việc, đôi khi bị cắt điện vài giờ trong ngày, và nông nghiệp phải sử dụng lại sức kéo của động vật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.