Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG

Học sinh Úc bãi khóa, mở đầu cho đợt hành động toàn cầu vì Khí hậu

Hôm nay, thứ Sáu 20/09/2019, là ngày mở đầu cho hai tuần lễ hành động vì Khí hậu, diễn ra đúng vào dịp Liên Hiệp Quốc tổ chức thượng đỉnh về Khí hậu tại New York, với các cuộc biểu tình lớn của học sinh Úc và khu vực Thái Bình Dương. Giới quan sát ghi nhận đây là đợt hành động vì Khí hậu toàn cầu quy mô lớn chưa từng thấy.

Học sinh Úc biểu tình vì Khí hậu tại Sydney, ngày 20/09/2019.
Học sinh Úc biểu tình vì Khí hậu tại Sydney, ngày 20/09/2019. AAP Image/Steven Saphore/via REUTERS
Quảng cáo

Theo CNN, khoảng 300.000 người tham gia vào các cuộc tuần hành tại ít nhất 100 thành phố, thị xã trên khắp nước Úc. Xuống đường đông đảo nhất là tại Melbourne, với khoảng 100.000 người, Sydney, khoảng 80.000 người… Nhiều doanh nghiệp, cơ quan hành chính, trường học khuyến khích nhân viên, học sinh tham gia vào ngày hành động này. Khoảng 2.000 doanh nghiệp Úc tham gia vào cuộc tuần hành, bãi khóa, mà nòng cốt là giới học sinh.

Úc là quốc gia chịu ảnh hưởng rõ ràng của Biến đổi khí hậu, đặc biệt với tình trạng khô hạn đang ngày càng gay gắt hơn, với các vụ cháy rừng ngày càng nghiêm trọng hơn, mưa lũ gây tác hại kinh hoàng hơn, cũng như các tổn thương khó lòng cứu vãn của rạn san hô lớn nhất hành tinh Great Barrier Reef, với diện tích hơn 300.000 km². Chính phủ Úc thuộc đảng bảo thủ bị lên án là đã không có hành động tương thích trong việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại các đảo quốc Vanuatu, Salomon hay Kiribati, các học sinh tập hợp hô vang khẩu hiệu : « Chúng ta sẽ không chìm, chúng ta sẽ chiến đấu !». Các quần đảo Nam Thái Bình Dương nằm ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu, với thách thức nước biển dâng cao, đe dọa nhấn chìm nhiều đảo.

Biểu tình khổng lồ tại New York

Tổng cộng trên toàn thế giới, sẽ có hơn 5.000 hoạt động, với đỉnh điểm là cuộc biểu tình khổng lồ tại New York, dự kiến hôm nay, khoảng 1,1 triệu học sinh, thuộc 1.800 trường công lập, nghỉ học để tham gia.

Bãi khóa ngày thứ Sáu hàng tuần, để hành động vì Khí hậu, là sáng kiến của nữ sinh Thụy Điển Greta Thunberg, được mệnh danh là « ngôi sao dẫn đường » của các nỗ lực tranh đấu vì Khí hậu của giới trẻ toàn thế giới (với phong trào Fridays for Future/Những ngày thứ Sáu vì tương lai). Ngày mai, 21/09 nữ sinh Greta, cùng 500 thanh thiếu niên Nam Mỹ, châu Âu, châu Âu, châu Phi sẽ tham gia thượng đỉnh đầu tiên của giới trẻ vì Khí hậu, tổ chức tại Liên Hiệp Quốc.

Ngày hành động của giới trẻ vì Khí hậu hôm nay mang lại một lực đẩy mới cho các nỗ lực quốc tế. Thứ Hai tuần tới, 23/09, Liên Hiệp Quốc triệu tập thượng đỉnh về Khí hậu, với sự tham gia của khoảng 100 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước. Công luận chờ đợi lãnh đạo các nước đưa ra các biện pháp cụ thể để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo các khoa học gia chuyên về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, để nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C so với thế kỉ 19, thế giới cần đạt mức trung hòa về các-bon, hay nói cách khác, không phát thải thêm khí các-bon, trước năm 2050.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.