Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Khủng hoảng Achentina : Bệnh cũ lại tái phát, lỗi tại ai ?

Đăng ngày:

Ngày 12/09/2019, các dân biểu Achentina thông qua dự luật tình trạng khẩn cấp lương thực – thực phẩm. Cuối tháng 8/2019, Achentina lại xin Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF giải ngân sớm khoản vay 57 tỉ đô la... Đất nước Achentina lại bước vào một chu kỳ khủng hoảng kinh tế mới : Lần thứ 9 trong lịch sử đất nước. Vì sao đến nông nỗi này ? Lỗi tại ai ? Tại IMF hay tại chính phủ ?

Một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp kinh tế của chính phủ tại Buenos Aires, Achentina ngày 04/09/2019.
Một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp kinh tế của chính phủ tại Buenos Aires, Achentina ngày 04/09/2019. REUTERS / Agustin Marcarian
Quảng cáo

Sóng thần chính trị

Bóng ma khủng hoảng kinh tế những năm 2000 đang trở lại ám ảnh nền kinh tế thứ ba của Nam Mỹ. Thế giới hẳn chưa quên cảnh tượng từng đám đông người đổ xô tranh giành cướp bóc hàng hóa trong các siêu thị, các cửa hiệu buôn hay trên các xe hàng trước sự bất lực của cảnh sát.

Gần 20 năm sau, tình hình tại Achentina cũng không mấy gì khá hơn : 33,6% người dân sống dưới ngưỡng nghèo khó, cứ 10 đứa trẻ thì có một em thiếu ăn. Trong bốn năm dưới sự điều hành của chính phủ ông Mauricio Macri, lạm phát tăng đến hơn 50%, trong khi lương của người lao động bị giảm mất 17% và tỉ lệ thất nghiệp thì tăng từ 7% đến 10%.

Kết quả này không những hoàn toàn xa rời với những gì ông Macri từng cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử mà còn làm dấy lên « nỗi sợ trở về quá khứ ». Và nỗi sợ đó đã được cử tri chuyển qua lá phiếu bầu cử sơ bộ ngày 11/08/2019. Liên minh đối lập « Fernandez », bao gồm Alberto Fernandez và cựu tổng thống Cristina Fernandez Kirchner, theo chủ nghĩa Peron (một phong trào dân túy ủng hộ công lý do cố tổng thống Juan Peron sáng lập) đã về đầu với 47% lá phiếu cử tri so với tỉ lệ 32% dành cho tổng thống đương nhiệm Mauricio Macri.

Một cú sốc cho giới chính trị và cho cả giới tài chính. Bởi vì nếu như kết quả này được lập vào ngày 27/10/2019, liên minh Mặt Trận vì Tất cả của liên minh « Fernandez » sẽ đắc cử ngay từ vòng đầu do hệ thống bầu cử Achentina quy định ứng viên về đầu chỉ cần đạt từ 40-45% lá phiếu và bỏ xa đối thủ 10 điểm được xem như là người thắng cuộc.

Nguy cơ chủ nghĩa Peron và bà Cristina Kirchner trở lại chính trường đã làm cho thị trường tài chính hoảng sợ. Bởi vì, điều này đồng nghĩa với sự trở lại của chủ nghĩa dân túy và chính sách can thiệp kinh tế. Khi còn cầm quyền, bà Kirchner đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt các dòng vốn và trao đổi ngoại tệ, gây trở ngại cho các hoạt động đầu tư và tiến hành cuộc chiến chống giới trùm nông nghiệp khi đề ra các khoản thuế xuất khẩu nông sản. Hiện bà đang bị điều tra vì có liên quan đến 11 hồ sơ tham nhũng.

Hệ quả của cơn địa chấn chính trị này là đồng peso bị mất giá đến 19% so với đồng đô la. Để kềm hãm đồng nội tệ rớt giá, Ngân hàng Trung ương Achentina đã tăng lãi suất lên đến 74%. Hai mươi hai tập đoàn lớn có niêm yết giá chứng khoán tại Buenos Aires bị mất giá thê thảm, trung bình khoảng 45%. Một « con số tồi tệ nhất trong vòng 20 năm gần đây », theo như phân tích của giới tài chính.

Nợ như chúa chổm

Có thể nói kinh tế Achentina lao dốc trong vòng một năm qua. Trong bối cảnh này, tổng thống Macri thông báo một loạt các biện pháp để hỗ trợ sức mua của người dân như giảm thuế, tăng lương cơ bản, hãm tăng giá xăng dầu… Và để trấn an thị trường tài chính, đang lo lắng bóng ma « mất khả năng thanh toán » ngày càng hiện rõ, tổng thống Macri hôm 28/08/2019 đề nghị Quỹ Tiền Tệ Quốc tế tháo khoán sớm khoản vay 57 tỉ đô la mà chính phủ Achentina ký với IMF hồi tháng 9/2018 bất chấp sự phản đối của người dân.

Vậy mục tiêu của khoản vay này là gì ? Ông Carlos Quenan, giáo sư ngành Khoa học Kinh tế, trường Đại học Sorbonne – Paris 3, chuyên nghiên cứu về châu Mỹ Latinh, trên đài RFI giải thích :

« Quả thực là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã tháo khoán 40 trong tổng số 57 tỉ đô la. Trên thực tế, vấn đề là các khoản cho vay này đi kèm với những điều kiện như nước này phải thắt lưng buộc bụng, giảm chi cho các lĩnh vực công, để tái lập cân bằng, với mục tiêu là không còn thâm hụt ngân sách vào cuối năm nay.

Chính điều này đã gây ra tình trạng suy thoái kinh tế. Đồng thời, do Achentina cho phép tự do di chuyển vốn. Rất nhiều người, trong những tháng vừa qua, khi có điều kiện, đã mua đô la, đồng tiền bảo đảm giá trị. Hoạt động này đã làm cho đồng peso tuột giá, do nhu cầu mua đô la rất cao.

Như vậy, bất hạnh thay, có thể nói là các khoản đi vay đó chỉ phục vụ cho việc chuyển vốn ra nước ngoài, tài trợ cho các hoạt động đầu cơ, chứ không giúp gì nhiều cho hoạt động kinh tế.

Và để có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp này, ông Macri còn đề nghị IMF tháo khoán sớm khoản vay 57 tỉ đô la. »

Một mức vay lớn nhất mà IMF chấp thuận từ trước đến nay. Cũng phải nhắc lại rằng tháng 6/2018, IMF cũng đã chấp nhận một khoản cho vay 50 tỉ đô la.

Vì sao đến nông nỗi này ? Theo quan điểm của ông Carlos Quenan, trong đợt khủng hoảng lần này, ông Mauricio Macri đã mắc phải một số sai lầm trong các chính sách kinh tế.

« Tôi nghĩ là có nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là các quyết sách về kinh tế mà chính phủ Achentina đã lựa chọn là sai lầm. Có thể nói, ngay sau khi ông Mauricio Macri lên cầm quyền, chính phủ của ông đã tiến hành tự do hóa di chuyển vốn, mở cửa nền kinh tế và đi vay nợ bên ngoài rất nhiều. Mùa hè vừa qua, khi luồng vốn quốc tế đổi chiều, chạy ra khỏi các nước đang trỗi dậy, trong đó có Achentina, thì nước này bị thâm hụt ngân sách rất trầm trọng, nợ nước ngoài không ngừng tăng và Achentina trở thành một quốc gia dễ bị tổn thương.

Chính vì vậy, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã phải can thiệp và định chế này cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng hiện nay của Achentina. Bởi vì IMF luôn luôn áp dụng phương thức truyền thống như cung cấp tín dụng để cứu nền kinh tế và duy trì mức dự trữ tiền tệ. Đổi lại, Achentina phải chấp nhận các biện pháp hà khắc, thắt lưng buộc bụng, nhấn chìm nước này trong suy thoái kinh tế.

Achentina có tỉ lệ lạm phát rất cao, một trong những nước cao nhất thế giới. Suy thoái kinh tế đi kèm với lạm phát cao. Do vậy, chính phủ không thể tăng lương và các khoản thu nhập khác theo nhịp độ tăng của lạm phát. »

« Bài thuốc » IMF không hiệu nghiệm ?

Giới tài chính có ngạn ngữ : « Nếu bạn nợ ngân hàng 100 euro thì đó là chuyện của bạn. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng đến 100 tỉ euro, thì đó là chuyện của ngân hàng phải lo ». Khủng hoảng kinh tế Achentina xảy ra, giới chuyên gia kinh tế không ngớt lời chỉ trích vai trò của IMF.

Bởi vì, đây là lần thứ chín nước này rơi vào cảnh mất khả năng trả nợ đáo hạn, và là lần thứ 21 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế phải đến ứng cứu. Những khoản vay này có được kể từ khi ông Mauricio Macri lên cầm quyền năm 2015. Ông đã chứng tỏ là « một học sinh gương mẫu » sẵn sàng áp dụng các « phương thuốc chữa trị » được đề ra trong đồng thuận Washington.

Chỉ có điều những phương pháp theo xu hướng tự do áp dụng cho các nền kinh tế gặp khó khăn này đã bị nhiều chuyên gia kinh tế chỉ trích gay gắt từ gần 20 năm qua, theo như nhận xét của bà Anne-Laure Delatte, chuyên gia kinh tế tại CEPII trên đài France Culture :

« Tôi nghĩ điều thật sự quan trọng là nên hiểu rằng đồng thuận Washington đã bị chỉ trích mạnh mẽ, nhất là từ ông Joseph E. Stiglitz, người được trao giải Nobel Kinh tế năm 2001 và từng là kinh tế gia trưởng tại Ngân Hàng Thế Giới. Ông kịch liệt chỉ trích đồng thuận Washington. Tại sao là Washington ? Bởi vì Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đều đóng trụ sở tại Washington.

Những lời chỉ trích này đã được đưa ra từ gần 20 năm nay và cuối cùng thì cũng có vài cải cách đã được thực hiện tại IMF cũng như là ở World Bank. Đâu là những lời chỉ trích chủ yếu? Như chúng ta đều biết, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thực hiện một chính sách tân tự do cực kỳ hà khắc, nghĩa là đòi hỏi một chính sách thắt lưng buộc bụng với những khoản cắt trợ cấp xã hội tai hại và không có hiệu quả.

Chỉ trích thứ hai, được đưa ra, đó là việc chính phủ mất chủ quyền. Tức là, chính phái đoàn IMF, mỗi khi đến thường thì trong vòng từ 15 ngày đến 3 tuần, đều áp đặt việc cho vay có điều kiện rất khắt khe với chính phủ, đó là những kế hoạch điều chỉnh cơ cấu tai hại và chính phủ ít có khả năng và cơ hội để đàm phán ».

Tóm lại, đất nước Achentina giờ không chỉ nổi tiếng với những điệu nhảy Tango mà cả tình trạng mất khả năng thanh toán. Bức tranh kinh tế đất nước chẳng khác gì như cảnh núi non. Đường cong tăng trưởng kinh tế là những ngọn đồi, những vùng thung lũng, thi thoảng thấp thoáng vài vùng đất bằng. Đến mức tờ Le Monde Diplomatique, trong một số báo đầu năm 2019, trích dẫn một câu trên tờ Financial Times mô tả rõ nét định mệnh của Achentina : « Mauricio Macri, lẽ ra việc ông lên cầm quyền phải đánh dấu bước khởi đầu một kỷ nguyên mới, lại tiếp tục bị rơi vào chính vận đen lâu nay của đất nước : Ngã xuống, đứng dậy, rồi lại ngã xuống… »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.