Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

An ninh, điểm yếu của vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út

Đăng ngày:

Giá dầu trên thế giới đột ngột tăng 14 % trong phiên giao dịch ngày 16/09/2019. Hai ngày trước đó, hai cơ sở sản xuất dầu của Ả Rập Xê Út bị tấn công, 5 % lượng sản xuất dầu của toàn cầu bốc hơi. Riyad thông báo phải tạm thời cắt giảm 50 % lượng cung cấp.

Nhà máy lọc dầu Abqaiq, miền đông Ả Rập Xê Út bốc cháy sau loạt tấn công hôm 14/09/2019
Nhà máy lọc dầu Abqaiq, miền đông Ả Rập Xê Út bốc cháy sau loạt tấn công hôm 14/09/2019 REUTERS
Quảng cáo

Căng thẳng trong vùng Vịnh không chỉ tập trung ở eo biển Ormuz mà đã lan tới tận vương quốc dầu hỏa của nhà vua Salman. Thế giới liệu có đứng trước nguy cơ khủng hoảng dầu lửa ? Lo ngại không chỉ thu gọn ở việc lượng dầu cung cấp cho thế giới tạm thời bị giảm sụt. Nghi vấn lớn nhất nằm ở chỗ các cơ sở dầu khí của nhà cung cấp số 1 cho hành tinh có được bảo đảm an toàn hay không ?

14/09/2019 là một ngày đen tối với ngành dầu hỏa. Báo tài chính Mỹ Wall Street Journal nói đến một "trận động đất lớn – the Big One". Thiệt hại còn lớn hơn cả so với hồi năm 1991, khi chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất khai mào, khi lực lượng của Saddam Hussein phóng hỏa, đốt 600 giếng dầu của Koweit. Chiến dịch đốt phá giếng dầu lần đó gây ô nhiễm cho môi trường, nhưng đã không thực sự đẩy giá dầu trên các thị trường quốc tế lên cao.

Hơn một chục năm sau, vào những năm 2000, tổ chức khủng bố Al Qaida tung hoành và đã nhắm vào các cơ sở dầu khí của Ả Rập Xê Út, nhưng với sự trợ giúp của tình báo Mỹ, Riyad đã phá vỡ được nhiều âm mưu của Al Qaida đặc biệt là vụ gài thuốc nổ tại cảng Abqaiq, nhà máy lọc dầu lớn nhất, hiện đại nhất của tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco. Nhờ vậy Abqaiq được an toàn cho đến cách nay ba hôm.

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ giám đốc điều hành tạp chí dầu hỏa Pétrostratégies của Pháp, ông Pierre Terzian trước hết phân tích về tác động đối với ngành công nghệ dầu khí Ả Rập Xê Út sau loạt tấn công hôm 14/09/2019 nhắm vào nhà máy lọc dầu của Aramco ở Abqaiq và mỏ dầu tại Khurais :

"Ả Rập Xê Út có khả năng sản xuất 10 triệu thùng dầu một ngày. Sau đợt tấn công lần này mức cung cấp rơi xuống còn từ 5 cho đến 7 triệu thùng một ngày. Điều đó có nghĩa là xuất khẩu dầu hỏa của Ả Rập Xê Út sẽ sụt giảm.

Vấn đề đặt ra là không ai biết Riyad cần bao nhiêu thời gian để sửa chữa và cho hai nhà máy ở Khusai và Abqaiq hoạt động trở lại. Hiện tại chính quyền còn đang điều tra. Tuy nhiên chúng ta biết rằng Riyad có một khoản dự trữ chiến lược tương đương với 200 triệu thùng dầu và mỗi ngày để dành được 2 triệu thùng.

Điều đó có nghĩa là vương quốc này có thể cầm cự được trong vòng 33 ngày. Tức là Ả Rập Xê Út có thể vẫn giữ mức xuất khẩu nếu sử dụng đến khối lượng dầu dự trữ này. Thế nhưng giải pháp này khá nguy hiểm về mặt chiến lược. Bởi vì khối dầu dự trữ đó là một chiếc phao an toàn. Không thể nào sử dụng cạn kiệt khối lượng 200 triệu thùng dầu đó".

Ả Rập Xê Út mắt xích không thể thiếu

Hiện tại Ả Rập Xê Út là nguồn sản xuất dầu số hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và các nhà sản xuất khác có thể lấp vào chỗ trống 5 % mà Ả Rập Xê Út tạm không cung ứng được hay không ? Câu trả lời không đơn giản.

Đành rằng Hoa Kỳ nhờ vào dầu đá phiến dư thừa vàng đen nhưng theo các chuyên gia trong ngành, khả năng sản xuất của Mỹ đã đạt tới mức tối đa là hơn 12 triệu thùng một ngày. Mức tối đa đó đã đạt được vào tháng 4/2019. Từ đó tới nay, chỉ số này ổn định ở mức 12 triệu thùng mà không thể tăng thêm lên được.

Điểm thứ nhì là để xuất khẩu nhiều hơn nữa, Washington sẽ phải vượt qua một loạt các hàng rào về luật pháp và điều đó đòi hỏi thời gian, bởi dầu hỏa là một vấn đề "an ninh quốc gia".

Nhìn đến những van dầu khác của thế giới : không thể trông chờ gì ở Venezuela. Algeri do thiếu đầu tư từ nhiều thập niên qua, không thể mơ chiếm thêm thị phần. Dầu hỏa của Iran đang bị Mỹ cấm vận. Còn lại có Nga, nguồn bảo đảm đến ba phần tư nhu cầu tiêu thụ cho toàn Liên Hiệp Châu Âu, thì gần đây điện Kremlin nêu lên khả năng mức cung cấp dầu thô của các tập đoàn nhà nước Nga có nguy cơ bắt đầu giảm từ năm 2021. Khả năng sản xuất và cung cấp của các quốc gia Trung Á thì có hạn.

Thêm một thực tế khác là chất lượng dầu của Ả Rập Xê Út vẫn là số 1 trên thế giới. Một nhà môi giới trên thị trường chứng khoán New York nhận xét, dầu hỏa của Mỹ hay của Nga không thể đọ được với dầu của Ả Rập Xê Út, bởi đây là nơi duy nhất dầu bơm từ giếng ra gần như có thể sử dụng được ngay mà không cần phải qua quá nhiều khâu tinh lọc.

Cuối cùng, trên thế giới cũng chỉ có một mình Riyad là có khả năng phản ứng nhanh, điều chỉnh giá cả vàng đen trên thế giới theo thời cuộc và chính điểm này khiến Ả Rập Xê Út trở thành đối tác chiến lược "không thể thiếu" trong mắt Washington.

Chính vì là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng cho nên vụ các cơ sở của Ả Rập Xê Út bị tấn công làm rung chuyển thị trường của thế giới : ảnh hưởng đến túi tiền của những người phải đổ xăng ở Pháp, cỗ máy sản xuất của Trung Quốc, Nhật Bản ... Chẳng vậy mà chính phủ Hàn Quốc đã vội vã thông báo sẵn sàng cho sử dụng đến kho dầu dự trữ chiến lược để bảo đảm cho cỗ máy công nghiệp vẫn hoạt động tốt.

Chuyên gia Pierre Terzian giải thích vì sao giới trong ngành xem đợt tấn công cuối tuần qua là cột mốc quan trọng trên bàn cơ năng lượng của thế giới :

"Phải ngược thời gian, trở lại với thời kỳ chiến tranh Iran-Irak chúng ta mới thấy được mức độ nghiêm trọng của loạt tấn công lần này. Bởi vì đây là lần đầu tiên các cơ sở của Ả Rập Xê Út bị tấn công ở quy mô lớn. Hơn nữa hai nhà máy bị nhắm tới là Khurais và Abqaiq. Đó là hai mắt xích rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất và lọc dầu của Ả Rập Xê Út. Cả hai cùng bị tê liệt.

Hơn thế nữa Khurais và Abqaid nằm trên trục đông-tây trên lãnh thổ Ả Rập Xê Út. Rõ ràng là chiến tranh tại Yemen vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhỏ bé này. Ả Rập Xê Út đang trở thành một mặt trận mới trong cuộc xung đột đó. Ban đầu drone của phe nổi dậy Huthi ở Yemen bắn trúng một vài sân bay nhỏ của Ả Rập Xê Út cách không xa biên giới Yemen. Nhưng lần này, khoảng một chục chiếc drone tấn công gần như cùng một lúc hai nhà máy hóa dầu của Ả Rập Xê Út nằm cách xa biên giới Yemen khoảng một ngàn cây số. Rõ ràng sức công phá của phe nổi dậy Huthi đã tăng lên đáng kể. Đã tới lúc Ả Rập Xê Út phải tự hỏi về vai trò của mình trong xung đột ở Yemen.

Ngoài ra, khi Hoa kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran, mọi người chờ đợi là khủng hoảng sẽ bùng lên ở eo biển Ormuz nhưng chẳng ngờ điểm nóng lại xuất phát ngay trên lãnh thổ Ả Rập Xê Út và những người giật dây vụ này đã nhắm vào những điểm huyết mạch đối với Riyad. Thành thử chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngay cả hai nước lớn như Mỹ và Ả Rập Xê Út cũng bị bất ngờ".

Mức độ an toàn, nhược điểm của ông khổng lồ Aramco

Nói cách khác, thứ nhất điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại liên quan trực tiếp đến khả năng của Riyad bảo đảm an ninh cho các cơ sở dầu khí. Đặc biệt là chính bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út cho biết, thiệt hại tại mỏ dầu ở Khurais và nhà máy Abqaiq còn ảnh hưởng luôn cả đến khả năng sản xuất một số loại khí đốt và sẽ phải mất nhiều tuần lễ mọi việc mới trở lại bình thường. Giới chuyên gia thẩm định rằng "sẽ phải mất nhiều tháng" nhà máy Abqaiq mới hoạt động lại bình thường.

Điểm thứ nhì gây lo ngại là bất luận ai đứng đằng sau hai vụ tấn công vừa qua, nhưng đây là lần đầu tiên những kẻ ra tay đánh thẳng vào hai trung tâm huyết mạch của tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco. Abqaiq là nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ả Rập Xê Út, một nền công nghệ bảo đảm đến 80 % thu nhập cho vương quốc dầu hỏa này. Abqaiq nằm cách trụ sở của Aramco được đặt tại thành phố Dharan 60 cây số. Còn Khurais là một trong những mỏ dầu lớn nhất tập đoàn Aramco đang khai thác.

Ngoài các nhà máy lọc dầu, các giếng dầu đang được khai thác, còn phải kể đến những hệ thống đường ống dẫn dầu, đến ít nhất là 5 kho dữ trữ có sức chứa hàng chục triệu thùng dầu được chôn trong lòng đất. Ả Rập Xê Út đã chi ra hàng tỷ đô la để mua những trang thiết bị tối tân nhất nhằm bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạ tầng của ngành dầu khí. Dù vậy chỉ cần hơn một chục chiếc drone cũng đủ để ông khổng lồ dầu hỏa này phải giảm 50 % lượng xuất khẩu.

Vả lại đây là lần thứ 3 trong chưa đầy 5 tháng nhà máy dầu khí của Aramco bị tấn công. Ngày 17/08, mỏ Shaybah ở miền đồng Ả Rập Xê Út bị phóng hỏa. Trước đó vào tháng 5/2019 lực lượng nổi dậy ở Yemen tự nhận là tác giả vụ phóng drone phá hoại vào đường ống dẫn khí đốt gần thủ đô Riyad. Phe nổi dậy Huthi tại Yemen nói rõ hành động này nhằm trả thù Riyad dẫn đầu liên quân Ả Rập can thiệp vào Yemen từ năm 2015.

Có điều các vụ tấn công thường xuyên xảy ra hơn, và vũ khí được sử dụng ngày càng tinh vi hơn, hiện đại hơn. Chính điểm này khiến Riyad lo ngại vào lúc mà vương quốc Ả Rập Xê Út đang chuẩn bị tư hữu hóa tập đoàn dầu khí quốc gia cho phép hoàng gia thu về từ một tỷ rưỡi đến hai tỷ đô la.

Sau cùng, điều nguy hiểm ở đây là các vụ tấn công nhắm vào lãnh thổ Ả Rập Xê Út khiến tất cả các nhà sản xuất dầu trên thế giới đều lo ngại về mức độ an toàn cho các cơ sở dầu hỏa.

Còn về địa chính trị, đợt phá hoại Khurais và Abqaiq vừa qua mà phe nổi dậy Huthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn tự nhận là tác giả càng làm dấy lên hiềm khích vốn có từ muôn đời giữa Riyad với Teheran. Sau loạt các tầu dầu bị tấn công trên eo biển Ormuz, các quốc gia phải nhập dầu của Trung Đông, lại thêm mất ăn mất ngủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.