Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bắc Cực : Mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ tại cực bắc địa cầu

Đăng ngày:

Lần thứ hai trong vòng sáu tháng, Iceland, một thành viên không có quân đội của NATO được một nhân vật lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm. Sau ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (tháng 02), ngày 04/09/2019, phó tổng thống Mike Pence đến Reykjavik để tuyên bố về Bắc Cực, vùng băng đá đang được nhiều nước thèm khát. Cùng thời điểm, tổng thống Donald Trump tỏ ý muốn « mua đảo Groenland » của Đan Mạch.Vì sao Washington đột nhiên chú tâm đến Bắc Cực và chiến lược trở lại như thế nào ?

Ảnh minh họa. Vịnh Disko, đảo Groenland.
Ảnh minh họa. Vịnh Disko, đảo Groenland. Wikimedia Common.
Quảng cáo

Từ đầu cầu Iceland đến Groenland

Mua đảo Groenland của Đan Mạch. Sáng kiến của tổng thống Mỹ Donald Trump bị báo chí chế nhạo, chính phủ Đan Mạch bác bỏ, xem như là chuyện khôi hài. Trên thực tế, lời tuyên bố có vẻ bốc đồng hoang tưởng này đã được cân nhắc thận trọng. Từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ thứ 45, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã hoạch định chiến lược mới tại Bắc Cực, chi tiết được công bố trong bản báo cáo tháng Sáu năm 2019 tức là hai tháng trước khi rò rỉ thông tin tổng thống Donald Trump đề nghị mua đảo Greenland.

Groenland là một hòn đảo tự trị của Đan Mạch, rộng hơn 2.100 km2, phần lớn phủ băng đá, có 60 ngàn dân và thủ phủ là Nuuk, nằm giữa vùng Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

Mục tiêu sâu xa của Mỹ không phải là tham vọng mua đảo của Đan Mạch để mở rộng lãnh thổ của bang Alaska. Tổng thống Donald Trump chỉ là người phát ngôn của một chiến lược mới của Lầu Năm Góc. Quyết định thay đổi chính sách của Mỹ đã được thể hiện qua nhiều tín hiệu : Hải quân thông báo chiến lược mới hồi đầu năm 2019. Tháng Tư, đến lượt lực lượng tuần duyên công bố chiến lược mới. Đến tháng Sáu, bộ Quốc Phòng công bố chiến lược liên quân tại Bắc Cực. Tháng Chín phó tổng thống Mỹ đến Iceland, thành viên của NATO, cách Groenland 900 hải lý.

Được chương trình « Giải mã » của RFI tiếng Pháp ngày 05/09/2019 đặt câu hỏi, Damien Degeorges, chuyên gia địa chiến lược Bắc Cực tại Reykjavik giải thích ý nghĩa chuyến đi này :

« Chuyến viếng thăm Iceland của phó tổng thống Mỹ là cơ hội để Hoa Kỳ chứng tỏ họ thật tình chú ý đến Bắc Cực. Chúng ta cũng nhớ là tổng thống Donald Trump cũng muốn công du Đan Mạch vào thời điểm đó (sau đó hủy bỏ), lúc phó tổng thống Mike Pence đến Iceland. Đây là một chuyện hi hữu. Chưa bao giờ Mỹ tỏ thái độ quan tâm đến Bắc Cực một cách rõ rệt như thế. Vì sao ? Trước tiên, Bắc Cực là sân sau của Mỹ theo quan điểm chiến lược. Hoa Kỳ là một quốc gia Bắc Cực. Thứ hai là thế mạnh đang lên của Nga và nhất là của Trung Quốc trong khu vực làm cho tình hình căng thẳng lên. Do vậy, Mỹ phải tập trung chú ý vào Bắc Cực. »

Hoa Kỳ quay trở lại bàn cờ địa chiến lược tại Bắc Cực trong bối cảnh nào ?

Trong 8 nước Bắc Cực gồm Mỹ, Canada, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland, tất cả đều là đồng minh trừ nước Nga là đối thủ. Là một quốc gia Bắc Cực, nước Nga của Vladimir Putin nỗ lực cắm cờ giành biển, khảo sát tìm kiếm khai thác tài nguyên. Trung Quốc, tuy không liên hệ gì đến Bắc Cực cũng tìm mọi cách vươn đến và đã có một chiếc ghế quan sát viên trong Hội Đồng Bắc Cực.

Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt tan băng, vị thế chiến lược của Bắc Cực càng lớn. Trong tình thế này, Hoa Kỳ bắt buộc phải trở lại và trở lại trong thế mạnh. Nhà nghiên cứu Camille Escudé-Joffre, đại học chính trị Paris phân tích :

« Vâng, đúng như vậy. Đó là chuyện chưa từng thấy. Và qua đó, người ta thấy chính sách Bắc Cực của Mỹ đột nhiên năng động hơn từ khi Donald Trump làm tổng thống. Nước Mỹ là quốc gia Bắc Cực chỉ mới đây thôi, từ khi mua lại của Nga vùng Alaska cách nay độ 150 năm. Nhưng mãi cho đến gần đây, đối với Mỹ, bang Alaska là một lãnh thổ xa xôi. Thế rồi, chỉ trong vài tháng, đột nhiên Mỹ tỏ ra quan tâm ngày một nhiều.

Tuyên bố đòi « mua đảo Groenland » của tổng thống Donald Trump làm người ta cười nhạo nhưng đó là chuyện nghiêm túc. Chuyến viếng thăm Iceland của phó tổng thống Mike Pence, một lần nữa nhấn mạnh yếu tố nghiêm túc của Mỹ. Lợi ích của Bắc Cực gồm hai phần : thương mại theo nghĩa đầu tư khai thác và địa chiến lược.

Trong lãnh vực đầu tư, Hoa Kỳ chợt nhận ra là mình bị Trung Quốc vượt qua mặt. Về địa chiến lược, phó tổng thống Mike Pence tuyên bố trong chuyến viếng thăm Iceland là cần phải « chống lại » điều mà ông gọi là sự « gây hấn » của Nga. Như thế, quyền lợi chiến lược và địa chính trị của Mỹ tại Bắc Cực đã bộc lộ, tuy mới gần đây thôi, nhưng được khẳng định quả quyết. »

Hậu quả của chính sách tiết kiệm ?

Cũng vì Washington bỏ Bắc Cực cách nay 15 năm, tạo ra một khoảng trống cho Matxcơva trở thành chủ nhân của một vùng Đông-Bắc và gia tăng hiện diện quân sự làm Mỹ lo ngại. Không ai biết rõ các hoạt động của Nga vì phần lớn được giữ bí mật. Theo giáo sư Camille Escudé-Joffre, lãnh thổ cực bắc của Nga là vùng kinh tế truyền thống của Matxcơva từ thời Nga hoàng.

« Đầu tư của Nga vào Bắc Cực đã rất lâu dài, cách nay khoảng 100 năm. Đối với Nga, Bắc Cực là khu vực cực kỳ quan trọng về mặt kinh tế. Khoảng 20% tổng sản lượng quốc gia GDP là do tài nguyên của vùng lãnh thổ cực bắc nước Nga đem lại. Chính phủ Nga ngày càng trông cậy vào khu vực này với những đại công trình công nghiệp khí đốt hóa lỏng như là dự án Yamal tại Siberia với sự tài trợ của những tập đoàn dầu khí của Trung Quốc và của Pháp (Total) để khai thác nguồn khí đốt lớn nhất nhì thế giới.

Bên cạnh dầu khí, Nga cũng có những dự án khai thác than đá, kim loại. Do vậy, đối với Nga, Bắc Cực là nguồn tài nguyên quan trọng từ lâu nhưng nay được quan tâm nhiều hơn. Do vậy, người ta có thể hiểu vì sao điều này làm cho Hoa Kỳ lo ngại cho dù Nga không làm điều gì bất chính. »

Kiểm soát hải trình Á-Âu số hai nếu Biển Đông bị phong tỏa

Ngoài tài nguyên thiên nhiên, còn một lý do nữa thúc giục Hoa Kỳ phải nhanh chóng trở lại Bắc Cực : băng đá tan dần mở ra một hải trình mới cần phải được bảo vệ an ninh và tự do lưu thông. Chuyên gia Damien Degeorges giải thích :

« Lợi ích của con đường hàng hải nhất là đoạn đi dọc theo Na Uy hướng về Nga. Mục đích không phải là để thay thế tuyến nối liền Á-Âu ở phía nam. Nhưng đó là một loại lộ trình thứ hai trong trường hợp Biển Đông bị phong tỏa. Chính vì thế mà nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc ngắm nghé Bắc Cực. Và trong những năm gần đây, không chỉ Trung Quốc mà các nước châu Âu và Hoa Kỳ đều gia tăng mức độ quan tâm vào Bắc Cực.

Riêng đối với Mỹ, Iceland là thành viên sáng lập Liên minh NATO và là thành viên không có quân đội nên phải dựa vào Hoa Kỳ qua Hiệp ước quốc phòng hỗ tương 1951. Do vậy, Hoa Kỳ cũng có quyền lợi đặc biệt ở Iceland. Trong chuyến viếng thăm của phó tổng thống Mike Pence, có một giai thoại chứng minh Iceland rất được Mỹ xem trọng. Đó là nữ thủ tướng Katrin Jakobsottir, bận công du Thụy Điển vào lúc ông Mike Pence đến Iceland. Vậy mà nhân vật lãnh đạo số hai của siêu cường thế giới chờ thêm một buổi để gặp thủ tướng nước chủ nhà trước khi lấy máy bay sang Luân Đôn. »

Cơ sở sẵn có tại Groeland

Kế hoạch tái bố trí của Mỹ tại vùng Bắc Cực thật ra đã được tiến hành từ năm 2017. Mỹ đã tổ chức trang bị thêm các phương tiện chống tàu ngầm tại Iceland.

Theo một chuyên gia khác của Pháp về địa chính trị Bắc Cực là giáo sư Mikaa Mered, tại Groenland, Hoa Kỳ đã có căn cứ không quân Camp Century. Bước kế tiếp là củng cố khả năng quân sự để trấn giữ lâu dài tại Bắc Cực như là gia tăng hoạt động của căn cứ không quân Thulé, sử dụng thêm phi trường Kangerlussaq ở miền tây đảo Groenland cho máy bay quân sự Mỹ.

Quân đội Mỹ cũng có thể mua căn cứ hải quân của Đan Mạch cũng ở đảo Groenland. Trước đây, năm 2016, chính phủ Copenhague rao bán nhưng rồi rút lại « vì không muốn căn cứ hải quân này rơi vào tay một công ty Trung Quốc có quan hệ với nhà nước Trung Quốc ».

Do vậy, khi tuyên bố muốn mua đảo Groenland, Hoa Kỳ chuẩn bị điều kiện để được Đan Mạch nhượng bán hay cho thuê một phần đất hay cơ sở hạ tầng để xây dựng và phát triển chiến lược lâu dài tại Bắc Cực. Theo tin mới nhất, Canada, một đồng minh truyền thống của Mỹ, cho biết sẽ tăng cường quân sự tại Bắc Cực.

Cũng theo chuyên gia Mikaa Mered, tác giả quyển sách Les Mondes Polaires, sắp ra mắt độc giả vào tháng 10, Hoa Kỳ đối mặt cùng lúc hai thế lực : Nga và Trung Quốc. Đây là chủ đề của phần hai « mục tiêu chiến lược của Mỹ tại Bắc Cực ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.