Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Anh mở rộng chiến thuật bảo vệ quyền lợi thương mại sau Brexit

Đăng ngày:

Anh Quốc đã có những bước chuẩn bị để bảo vệ các quyền lợi kinh tế và thương mại cho giai đoạn hậu Brexit. Đâu là những lợi thế của Anh để đàm phán với Mỹ và Trung Quốc ? Luật sư Hoàng Đức Thắng từ Luân Đôn phân tích về hồ sơ gai góc nhất đang đặt ra cho nội các của thủ tướng Boris Johnson.

Cảng Dublin, Ireland, nơi mà thủ tướng Leo Varadkar đến thăm ngày 08/09/2019 để xem xét các cơ sở hạ tầng cho thời kỳ hậu Brexit..
Cảng Dublin, Ireland, nơi mà thủ tướng Leo Varadkar đến thăm ngày 08/09/2019 để xem xét các cơ sở hạ tầng cho thời kỳ hậu Brexit.. Paul Faith / AFP
Quảng cáo

Chính trường Anh càng lúc càng sôi động vì Brexit. Khả năng Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 31/10/2019 được đánh giá là "51-49 %" nhưng không ai biết trước Luân Đôn sẽ chia tay với Bruxelles trong những điều kiện nào.

Tám tuần lễ trước ngày mà trên nguyên tắc sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc đã ký kết 13 thỏa thuận tự do mậu dịch với gần 40 quốc gia và đang đàm phán với hơn 30 nền kinh tế khác. Thỏa thuận gần đây nhất là với Hàn Quốc. Tuy nhiên, những văn bản này sẽ chỉ có hiệu lực sau Brexit. Thủ tướng Boris Johnson tin tưởng rằng Anh Quốc sẽ "ra đi đúng thời hạn" bất chấp các điều kiện chia tay sau hơn 40 năm trong mái nhà chung châu Âu.

Trả lời đài RFI, luật sư Hoàng Đức Thắng từ Luân Đôn trước hết nhận định trở ngại lớn nhất trên con đường Brexit của Luân Đôn là yếu tố chính trị.

LS Hoàng Đức Thắng : Trên thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay là chính trị nội bộ của nước Anh. Những trở ngại về kỹ thuật và thương mại không thực sự là một vấn đề lớn. Cho nên, nếu nói rằng Anh Quốc có dứt khoát ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 31/10/2019 hay không, tôi không thể nào trả lời chắc chắn vì không phải là chính khách của Anh. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, hiện nay, lựa chọn duy nhất là nước Anh sẽ phải rời Liên Âu vào ngày 31/10/2019. Đó không chỉ là thỏa thuận giữa hai chính phủ, mà là luật đã được Nghị Viện Anh thông qua. Thứ hai, chính đảng cầm quyền của thủ tướng Boris Johnson, cũng như bản thân ông, rất quyết tâm đưa nước Anh ra khỏi Liên Âu vì nhiều lý do, trong đó có những lý do chính trị, kinh tế ...

Có vẻ như là thủ tướng rất quyết tâm trong việc này, trong đó có cả những quân bài mà ông còn đang "cất trong túi". Có thể đến bước đường cùng về Brexit, sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn so với những giải pháp hiện tại. Thủ tướng Anh Quốc vừa rồi đã quyết định đình chỉ hoạt động của Nghị Viện trong một thời gian (...), như vậy, ông Johnson có một bước đi nhằm hạn chế những nỗ lực của các nhà lập pháp đối lập nhằm thông qua một đạo luật khác về Brexit như tôi vừa trình bày. Như thế chứng tỏ ông Boris Johnson đã có một bước mạo hiểm nhất định về chính trị khi làm tăng sự bực dọc của các nhà lập pháp.

Nhưng bên cạnh đó ông vẫn còn vài ba quân bài nữa có mức độ quyết liệt hơn. Cho nên trong trường hợp này, nếu nói rằng khả năng Anh Quốc ra khỏi Liên Âu ngày 31/10/2019, tôi cho rằng khả năng đó là 51-49 % và nghiêng về phía Brexit cuối tháng 10 này. Nhưng phải nói thêm, "ra khỏi" ở đây được hiểu là ra khỏi nhưng vẫn rất có thể là có thêm một khoản thời gian kỹ thuật ngắn nữa để Anh và Liên Âu cùng phê chuẩn một số các thỏa thuận quyết định.

Riêng cá nhân tôi đánh giá thủ tướng Boris Johnson là người có tư duy về kinh tế rất sắc sảo, mà điển hình là trong thời gian làm thị trưởng Luân Đôn, các chính sách kinh tế của ông lúc đầu bị đánh giá là mơ hồ, nhưng sau lại thành công. Đội ngũ các nhà kinh tế và những người tư vấn cho ông hiện nay cũng là những người rất sắc sảo và quyết tâm đi đến cùng hoạt động của mình. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như thủ tướng Anh đi đến việc bầu cử sớm, mặc dù là ở thời điểm hiện nay, bầu cử sớm là một quyết định tự sát về chính trị, vì có vẻ như là đảng cầm quyền hiện nay sẽ không giành đủ đa số phiếu ở Nghị Viện.

RFI : Liệu Anh Quốc đã sẵn sàng cho Brexit hay chưa và nhất là trong trường hợp một Brexit No Deal, Anh sẽ tái lập lại các đường biên giới với 27 nước trong Liêu Âu ? Những hậu quả kèm theo sẽ là tắc nghẽn về hàng hóa ở đường biên giới. Công việc kiểm soát giấy tờ các hành khách ra hay vào Vương quốc Anh sẽ lâu hơn.

LS Hoàng Đức Thắng : Trên thực tế mọi mối e ngại đã được thổi phồng lên rất nhiều vì những động cơ chính trị. Cứ còn Anh Quốc vẫn ở đây, Pháp – Đức vẫn ở đó, vẫn là những quốc gia đồng minh cùng khối châu Âu. Anh Quốc vẫn là một bạn hàng lớn của Liên Hiệp Châu Âu và ngược lại cũng vậy. Nói tóm lại có ra khỏi Liên Âu hay không, thì các hoạt động giao thương vẫn diễn ra. Các nước châu Âu vẫn cần bán hàng cho Anh Quốc để thu tiền về, bởi vì Liên Âu xuất siêu sang Anh. Anh Quốc là một nước nhập khẩu ròng, mỗi năm, thặng dư thương mại của châu Âu với Anh Quốc là khoảng 80 tỷ bảng. Cho nên có Brexit hay không, không có thay đổi gì về mặt này. Có chăng là người ta tận dụng chuyện này và những quân bài chính trị đằng sau để làm lợi cho chính đảng của mình thôi.

Còn xét về các hoạt động chuẩn bị, thì khác biệt duy nhất giữa việc "ra" hay "không ra" là các quy định về xuất nhập khẩu, về thuế hải quan, về kiểm dịch và những hoạt động kiểm soát qua biên giới. Dù vậy, các tiêu chuẩn của Anh và châu Âu tương tự như nhau. Cho nên những khó khăn ban đầu chỉ là những khó khăn về mặt hành chính, kỹ thuật mà thôi.

Anh Quốc, tương tự như châu Âu, đã có những chuẩn bị cho việc đó, nghĩa là đã có những kế hoạch tập dượt trong trường hợp tắc nghẽn giao thông, trong việc xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu,  tuyển dụng thêm người cho công tác kiểm hàng hóa... tăng thêm ngân sách cho các bộ, ngành trước nhu cầu lớn hơn về giấy tờ. Đấy là những vấn đề kỹ thuật và tôi tin chắc rằng, có ra khỏi Liên Âu hay không, thì sau một thời gian, cùng lắm là sáu hay bẩy tháng, mọi việc sẽ đi vào nề nếp tương tự như cũ.

RFI : Riêng trong lĩnh vực thương mại nhiều nghiên cứu cho thấy giao thương sẽ giảm mạnh giữa Anh và các thành viên trong Liên Âu. Phải chăng chính vì thế mà từ hơn 2 năm qua, Luân Đôn đã liên tục đàm phán với rất nhiều các đối tác thương mại ngoài Liên Hiệp Châu Âu ? Liệu các bạn hàng mới của Anh có thể "lấp vào chỗ trống" mà Liên Âu để lại hay không ?

LS Hoàng Đức Thắng : Thứ nhất, chúng ta không đặt vấn đề là "lấp chỗ trống" hay không, vì như vừa nói, bản chất chỉ là thay đổi một số điều kiện về thương mại thôi, chứ không xóa bỏ thương mại đó. Do vậy, có thỏa thuận hay không, nước Anh vẫn là một bạn hàng của châu Âu và ngược lại. Anh Quốc là một bạn hàng lớn, có giá trị, mà Liên Âu bằng mọi giá phải giữ lại, chứ châu Âu không thể nào đánh đổi Anh lấy Thổ Nhĩ Kỳ hay hai, ba chục nước khác, những nước mà không mang lại lợi ích cho Liên Âu.

Có chăng là về mặt pháp lý, hiện tại Liên Hiệp Châu Âu mà Anh vẫn còn là một thành viên, đã ký khoảng bốn chục hiệp định tự do mậu dịch thương mại với khoảng 70 nước trên thế giới. Với tư cách là một thành viên của Liên Âu, Anh Quốc cho đến thời điểm hiện nay có trách nhiệm phải tuân thủ các hiệp định đó. Câu hỏi đặt ra là sau Brexit, với 70 nước này, quan hệ thương mại sẽ ra sao ?

Từ rất lâu rồi, Luân Đôn đã cử các đoàn đi đàm phán. Cho đến cách nay vài hôm, Anh đã ký được thỏa thuận tiếp nối các hoạt động thương mại. Sau Brexit, những thỏa thuận đó chính thức có hiệu lực và là cơ sở để phát triển quan hệ mậu dịch. Anh Quốc đã ký khoảng độ 13 thỏa thuận như vậy với 38 nước trên thế giới. Các nước này không thay hoàn toàn Liên Âu, nhưng lại là những quốc gia có vai trò quan trọng, trong đó phần lớn là các nước mà Anh Quốc hiện nay thu lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó có một số quốc gia nằm trong khu vực địa lý châu Âu như Thụy Sĩ chẳng hạn.

Ngoài ra còn có cả các thỏa thuận với châu phi, châu Mỹ Latinh, hay Hàn Quốc, Brazil ... Một điều thú vị khác là Anh có khoảng 16 hiệp định tương tự, trong đó có cả hiệp định với Việt Nam và nhiều nước ASEAN khác. Về cơ bản các hiệp định này đã được hoàn tất, chỉ còn chờ ngày Brexit, khi đó các bên sẽ áp đặt các hạn ngạch chính thức để áp dụng.

RFI : Anh Quốc có những lợi thế nào để đàm phán với Mỹ và Trung Quốc ?

LS Hoàng Đức Thắng : Đây là một câu hỏi rất thú vị. Liên quan đến Mỹ : Mỹ là đồng minh chiến lược và cũng là thị trường thu lợi số một của Anh. Thống kê gần đây cho thấy mỗi năm, Anh Quốc xuất sang Hoa Kỳ khoảng 112 tỷ bảng Anh và nhập vào chỉ khoảng 70 tỷ. Thặng dư của Anh Quốc so với Mỹ là khoảng 50 tỷ bảng Anh. Trong khi đó với Liêu Âu, Anh Quốc bị thâm hụt từ 60 đến 100 tỷ bảng Anh một năm.

Đây là lý do khiến tổng thống Trump kêu gọi Luân Đôn, nếu có tính tới hiệp định thương mại Mỹ-Anh, thì phải tính đến việc cân bằng hóa cán cân thương mại, tức là Anh Quốc phải nhập thêm hàng của Mỹ (...). Hiệp định thương mại giữa Anh và Mỹ nếu có, tôi nghĩ rằng tiềm năng có thể đạt mức tăng trong bốn năm nữa, và sẽ tăng gấp rưỡi so với hiện nay. Lý do là Anh Quốc nắm rất nhiều bản quyền về phát minh sáng chế, và có thể hoặc cho Mỹ thuê lại, hoặc hợp tác chung với Mỹ. Tôi nghĩ là thặng dư của Anh Quốc sẽ rất lớn.

RFI : Tổng thống Trump muốn thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ so với Anh Quốc, vậy thì Washington đâu dễ gì chịu để cho Luân Đôn chiếm thế thượng phong trên bàn cờ thương mại ?

LS Hoàng Đức Thắng : Chắc chắn là ông Donald Trump đòi Luân Đôn giảm thặng dư của Anh Quốc (so với Mỹ). Nhưng cũng vì thế tôi cho rằng, nhu cầu có hiệp định tự do mậu dịch là ở cả hai bên. Nước Anh không xin xỏ gì hết và nước Anh cũng là một đầu mối mà Hoa Kỳ cần thâm nhập. Các công ty bảo hiểm của Mỹ hay các công ty lớn về xuất nhập khẩu về đậu, thịt, dầu ... đang nhòm ngó thị trường Anh Quốc. Tôi tin là họ sẽ vận động hành lang rất mạnh.

RFI : Còn với Trung Quốc ?

LS Hoàng Đức Thắng : Với Trung Quốc thì đây là một câu chuyện rất hay. Hiện nay giữa Anh và Trung Quốc, theo tôi được biết, về cơ bản đã có các vòng đàm phán về một hiệp định thương mại và hiệp định này sẽ được ký ngay khi nước Anh ra khỏi Liên Âu. Văn bản này cần đàm phán thêm về các chi tiết khoảng từ ba đến sáu tháng sau Brexit thì mới ký kết được. Nhưng đây không phải là một vấn đề lớn, vì hiện nay Trung Quốc xuất siêu vào Anh Quốc rất lớn. Mỗi năm xuất siêu của Trung Quốc vào Anh Quốc tương đương với hơn 50 % tổng thặng dự thương mại của Anh Quốc. Do vậy, nước Anh là một miếng bánh béo bở mà Trung Quốc quyết tâm phải giữ và không thể để ai khác xâu xé được.

RFI : Liệu Hồng Kông có gây trở ngại cho thỏa thuận mậu dịch giữa Luân Đôn với Bắc Kinh?

LS Hoàng Đức Thắng : Tôi cũng tin chắc Hồng Kông sẽ là một trở ngại, cũng như việc Luân Đôn lên án các tiêu chuẩn nhân quyền tại Trung Quốc hiện nay, hay kể cả những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhưng tất cả những vấn đề đó thuộc về địa chính trị và về cơ bản, nó có một mức độ độc lập đối với các vấn đề kinh tế. Nói cách khác, mắng mỏ nhau thì cứ mắng, nhưng về thương mại vẫn cứ làm. Hơn nữa về vấn đề Hồng Kông, Trung Quốc và Anh từ trước tới nay vẫn có quan hệ tương đối tốt. Người ta đánh giá Anh Quốc là một đối tác dễ chịu hơn nhiều so với Mỹ. Luân Đôn đã chủ động đàm phán và trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, cho nên trong trường hợp này, tôi nghĩ vấn đề chính trị không đến mức độ trở thành trở ngại chính trên con đường đàm phán thương mại giữa Anh Quốc và Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.