Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Bulgari, Hungary, Slovakia: Tham nhũng gặm nhấm thượng tầng lãnh đạo

Đăng ngày:

Tai tiếng bất động sản của nhiều quan chức chính phủ Bulgari, người thân của thủ tướng Hungary Victor Orban bỗng chốc giầu nhanh chóng, một nhà báo điều tra về tham nhũng ở Slovakia bị sát hại… hàng loạt tai tiếng tham nhũng liên quan đến tài trợ của Liên Hiệp Châu Âu vẫn đeo bám ba nước Đông Âu, thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ, trong năm 2019.

Nạn tham nhũng trong Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa.
Nạn tham nhũng trong Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa. AFP/Philippe Huguen
Quảng cáo

Bulgari : Nước tham nhũng nhất trong Liên Hiệp Châu Âu

Bắt đầu với Bulgari, quốc gia bị tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) xếp hạng chót trong khối 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu vì nạn tham nhũng, trong khi Sofia thiếu « nhiệt tình » chống vấn nạn này.

Thông tín viên RFI tại Sofia, Damian Vodénitcharov, liệt kê một số vụ khiến chính phủ Bulgari lao đao ngay trước kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu tháng 05/2019 và sắp tới là bầu cử cấp địa phương vào tháng 10.

« Năm 2019 là một năm đầy các vụ tai tiếng. Lớn nhất là « Vụ căn hộ », khiến nội các và phe đa số của chính phủ Bulgari phải lao đao. Các chính trị gia có thể mua được những căn hộ sang trọng với giá « rẻ như bèo » (600 euro/m2, thay vì 2.600 euro), đổi lại là một cơ chế luật pháp có lợi cho các nhà thầu xây dựng. Bộ trưởng bộ Tư Pháp (Tsetska Tsatcheva), thứ trưởng bộ Thể Thao (Vania Koleva) và thứ trưởng bộ Năng Lượng (Krassimir Parvanov) đã từ chức vì tai tiếng này.

Ông Tsvétan Tsvétanov, nhân vật số hai của đảng bảo thủ GERB (Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgari) và là cánh tay phải của thủ tướng Boyko Borissov, cũng bị loại khỏi cơ cấu của đảng cầm quyền.

« Nhà khách » là một vụ tai tiếng khác gần đây cũng liên quan đến bất động sản. Những ngôi nhà được xây nhờ tài trợ của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng chưa bao giờ đón khách du lịch, mà trở thành nhà riêng cho người thân của các lãnh đạo chính trị và thứ trưởng Kinh Tế và Du Lịch (Aleksander Manolev). Vụ tai tiếng bị phanh phui khiến bộ trưởng Nông Nghiệp bị mất ghế.

Cuối cùng là vụ « Sân thượng » cũng về bất động sản và liên quan đến chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng, Plamen Gueorguiev. Ngoài căn hộ thông ba tầng ở Sofia, cựu chưởng lý mua thêm sân thượng rộng 186m2 có bể jacuzzi, xông hơi, lò nướng thịt… (và chỉ với giá 384 euro/m2) nhưng lại không nêu trong bảng khai bất động sản với lý do đó chỉ là « một phần chung trong tòa nhà ». Gueorguiev đã từ chức vì vụ này, nhưng lại trở thành lãnh sự của Bulgari ở thành phố Valencia, Tây Ban Nha, vài tuần sau đó.

Việc bầu chọn tổng chưởng lý mới cũng gây nhiều tranh cãi. Chỉ có một ứng viên duy nhất được đề cử cho các đoàn pháp lý để họ bỏ phiếu bầu ứng viên đó. Đây không hẳn là cách bảo đảm về nguyên tắc đa số ! Ứng viên Ivan Gachev lại là người được tổng chưởng lý trước nâng đỡ. Cả hai bị nghi ngờ có quan hệ mật thiết với ông trùm truyền thông Delyan Peevski. Trong một buổi phỏng vấn gần đây, Ivan Gachev nói rằng ông không đồng tình với những phần tử cực đoan đòi tam quyền phân lập ».

Hungary: Nhiệm kỳ của thủ tướng Orban giúp người thân giầu nhanh chóng

Nếu như Bulgari là nước tham nhũng nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, Hungary là nước đứng thứ hai. Rất nhiều người thân cận của thủ tướng Victor Orban nhanh chóng trở nên giầu có trong nghiệm kỳ của ông.

Trường hợp điển hình được thông tín viên RFI Florence Labruyère tại Budapest nêu lên là nhà tỉ phú Lorinc Mészáros, trở thành người giầu nhất Hungary chỉ trong vài năm. Một số người cho rằng ông Mészáros có thể là « bù nhìn » cho thủ tướng Victor Orban. Năm 2018, ông kiếm được 1 tỉ euro nhờ thầu được hàng loạt hợp đồng xây dựng công do Liên Hiệp Châu Âu tài trợ mà không cần đấu thầu. Theo tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, các dự án của Lorinc Mészáros đều bị đội giá triệt để.

Tuy nhiên, người dân Hungary không phản ứng mạnh, dường như do đã quá quen với nạn tham nhũng hoành hành. Nhà chính trị học Zoltán Kiseli giải thích với thông tín viên Florence Labruyère :

« Tôi nghĩ rằng người Hungary khoan dung hơn người Hà Lan hay người Phần Lan đối với nạn tham nhũng vì từ hơn 500 năm nay, người Hungary đã quen hối lộ, tặng những món quà nhỏ. Đây là truyền thống có từ thời Hungary bị đế chế Ottoman chiếm đóng. Ngoài ra còn do tâm lý nữa ! Nếu tất cả mọi người đưa và nhận hối lộ mà anh không làm như vậy, thì anh có lẽ là kẻ ngốc vì anh là người duy nhất không tận dụng hệ thống đó ».

Một nhà báo điều tra của trang thông tin độc lập 444 của Hungary cho rằng hệ thống này ngày càng được thủ tướng Victor Orban thắt chặt :

« Ở Hungary, nạn tham nhũng hàng loạt lại do chính quyền tổ chức và tất cả những người trong bộ máy chính phủ đều giầu lên. Bố của Victor Orban trở thành tỉ phú. Con rể của Orban được xếp trong danh sách 100 người giầu nhất Hungary. Tất cả những người này giầu lên được nhờ vào tiền từ công quỹ, chứ không phải nhờ vào phát minh hay sáng tạo gì cả. Chỉ đơn giản là họ nhận được rất nhiều hợp đồng công.

Tôi nghĩ là người Hungary quen với kiểu tham nhũng này rồi. Trong khi chưởng lý của nước Cộng Hòa lại là một người thân cận của chính quyền, từng là một trụ cột trong đảng của thủ tướng Orban. Vì thế không có bất kỳ vụ truy tố nào nhắm vào những vụ lạm dụng tài sản công. Những chính trị gia này có quyền hành đến mức vi phạm luật pháp do chính họ soạn thảo, nhưng lại không phải hứng chịu bất kỳ hậu quả nào ».

Vẫn theo thông tín viên Florence Labruyère, nếu như đa số người dân Hungary có vẻ phó mặc cho số phận, hơn 600.000 công dân hy vọng có sự thay đổi. Trong một bản kiến nghị, họ yêu cầu chính phủ hợp tác với chưởng lý châu Âu tương lai. Vị quan chức này sẽ phụ trách điều tra các vụ lạm dụng, tham nhũng trong việc sử dụng công quỹ của Liên Hiệp Châu Âu.

Slovakia: Mafia bắt tay với chính phủ

Còn tại Slovakia, người dân vẫn chưa quên được vụ ám sát nhà báo điều tra Jan Kuciak và bạn gái Martina Kusnirova vào tháng 02/2018 khi nhà báo này chuẩn bị công bố báo cáo về mối quan hệ được cho là giữa nhiều chính trị gia Slovakia và mafia Ý, cũng liên quan đến ngân sách tài trợ của Liên Hiệp Châu Âu. Vụ ám sát nhà báo trẻ đã buộc toàn bộ chính phủ của thủ tướng Robert Fico từ chức.

Zuzana Caputova, một nữ luật sư, không có kinh nghiệm chính trường, được bầu làm tổng thống Slovakia vào tháng 06/2019. Bà quyết định làm sáng tỏ vụ tham nhũng này, cũng như mạng lưới mafia thống trị ở Slovakia.

Hồng Kông : Rút dự luật dẫn độ để « đánh lạc hướng » truyền thông quốc tế

Nếu được đưa ra cách đây 13 tuần, hẳn người dân Hồng Kông sẽ vui mừng đón nhận thông báo rút hẳn dự luật dẫn độ của đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Nhưng giờ đã « quá muộn »« quá ít » vì trong 13 tuần đấu tranh liên tiếp, danh sách yêu cầu của phong trào dân chủ đã tăng lên thành 5 điểm : rút hẳn dự luật dẫn độ, đặc khu trưởng từ chức, điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát, trả tự do cho hơn 1.200 người biểu tình bị bắt, bầu cử tự do theo phổ thông đầu phiếu.

Trả lời RFI, giáo sư Kenneth Chan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu và Chính trị, đại học Baptiste ở Hồng Kông, nguyên nghị sĩ của phong trào dân chủ, cho rằng quyết định rút hẳn dự luật dẫn độ dường như chủ yếu để nhằm xoa dịu truyền thông quốc tế.

« Quá muộn ! Ba tháng đã trôi qua trong khi đã có hơn 10.000 người bị cảnh sát bắt sau những cảnh bạo lực mà chính quyền phạm phải. Thật đáng tiếc ! Tôi nghĩ rằng trước hết, chính quyền cố giảm bớt sự chú ý của truyền thông trên khắp thế giới vào những gì đang xảy ra với nền dân chủ Hồng Kông.

Tiếp theo, đặc khu trưởng rút bớt một chiếc gai khỏi bàn chân và một vấn đề dường như đang đè nặng lên lực lượng ủng hộ bà trong khi kỳ bầu cử hội đồng cấp quận ở Hồng Kông sắp diễn ra.

Cuối cùng, theo tôi, đó là điểm quan trọng nhất, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đưa ra quyết định này theo đúng luận điệu của Bắc Kinh. Thời gian gần đây, chính quyền trung ương khẳng định rằng phong trào phản kháng không còn liên quan gì tới dự luật dẫn độ, rằng người biểu tình chống lại chế độ, kêu gọi độc lập cho Hồng Kông…

Vì thế, nếu như bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật dẫn độ, đó đơn giản chỉ là để biện hộ cho chính sách tuyên truyền của Bắc Kinh chống lại người biểu tình Hồng Kông ».

Facebook sắp bỏ cạnh tranh về « Like » để cứu thu nhập quảng cáo ?

Vừa đăng một bức hình, một dòng « trạng thái » (statut) trên Facebook, chủ tài khoản thường chờ xem được bao nhiêu lượt « Like » (thích), bao nhiêu lời bình luận và kèm theo là chút « so sánh » với những bài đăng khác. Nhưng sắp tới, có thể chỉ có chủ tài khoản mới thấy được tổng số « Like » của một bài, hình ảnh… mà họ đăng. Những người trong danh sách bạn bè chỉ thấy được ai trong nhóm bạn chung cũng « thích » điều đó.

Từ tháng 04/2019, Facebook đã thử nghiệm « ẩn » lượng « Like » trên mạng Istagram, bắt đầu từ Canada, sau đó mở rộng sang Ailen, Ý, Nhật Bản, Brazil, Úc và New Zealand. Tại sao phải làm như vậy? Thông tín viên RFI tại San Francisco Éric de Salve giải thích :

« Đơn giản là vì từ khi xuất hiện vào năm 2009, nút « Like » đã kéo theo một cuộc ganh đua giữa người sử dụng xem ai nhận được số lượng « thích » nhiều nhất cho mỗi bài đăng. Hiện nay, trong khi số người sử dụng đang giảm dần ở các nước phát triển, Facebook hiểu rằng cuộc ganh đua « tự sướng » lại trở thành điểm tiêu cực cho mô hình kinh tế của mạng xã hội này.

Lý do rất đơn giản. Cuộc chạy đua « Like » đồng nghĩa với cảm giác thất bại và ghen tức ở những người nhận được ít « Like » và so sánh với những bài đăng nhận được nhiều « Like » hơn. Sự ghen tị này dẫn đến việc tự kiểm duyệt, trong khi đây lại là điều mà Facebook sợ vì như vậy sẽ có nhiều người đăng bài ít hơn do họ sợ không được « Thích » hoặc thậm chí họ xóa luôn những bài đăng không nhận được nhiều « Like ».

Tự kiểm duyệt sẽ dẫn đến việc có ít lưu thông trên mạng hơn và ít lưu thông đồng nghĩa với việc doanh thu của Facebook từ quảng cáo sẽ bị giảm vì mô hình kinh tế của mạng xã hội này hoàn toàn dựa vào quảng cáo có chủ đích. Đó chính là lý do làm nảy sinh ý tưởng « ẩn » tổng số lượng « Like ». Khi con số này không hiện lên trước công chúng, người dùng sẽ ít bị áp lực hơn và có thể tự do đăng những gì họ muốn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.