Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - LỊCH SỬ

Từ Hồ Chí Minh đến Eva Peron, những nhân vật được “bảo quản” thi thể sau khi mất

Thứ Hai, 02/09/2019, là đúng 50 năm ngày Nguyễn Sinh Cung, được biết nhiều dưới cái tên Hồ Chí Minh, qua đời. Bất chấp di nguyện muốn được hỏa thiêu, thi thể của ông được ướp và đặt trong lăng ở Hà Nội. Hàng năm, có hàng triệu người đến viếng.

Lăng Hồ Chí Minh tại Hà Nội được canh gác ngày lẫn đêm. Ảnh chụp ngày 28/08/2019.
Lăng Hồ Chí Minh tại Hà Nội được canh gác ngày lẫn đêm. Ảnh chụp ngày 28/08/2019. Manan VATSYAYANA / AFP
Quảng cáo

Hồ Chí Minh không phải là nhân vật duy nhất trên thế giới được bảo quản thi thể sau khi mất. AFP liệt kê danh sách:

Lênin

Lãnh tụ cách mạng Nga, Vladimir Ilitch Lênin là lãnh đạo cộng sản đầu tiên được ướp xác, khởi động một xu hướng sau này được nhiều chế độ cộng sản khác trên thế giới bắt chước. Lênin mất năm 1924 ở tuổi 53 và muốn rằng được chôn cất gần mộ mẹ ông tại Saint – Petersburg, cố đô của đế chế Nga.

Thế nhưng, ước nguyện này của ông không được đáp ứng. Thi thể ông được bảo quản trong lăng tại quảng trường Đỏ ở Matxcơva cho đến tận ngày nay, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều du khách muốn biết nhà sáng lập Bôn-sê-vic của Liên Xô.

Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, việc rút thi hài của ông làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi nhưng đảng cộng sản Nga gây áp lực để rồi thi thể Lênin không thể di dời.

Lăng Lê-nin (P) tại quảng trường Đỏ, Matxcơva sát cạnh điện Kremlin.
Lăng Lê-nin (P) tại quảng trường Đỏ, Matxcơva sát cạnh điện Kremlin. Wikipédia/NVO

Mao Trạch Đông

Lãnh tụ cách mạng Trung Quốc qua đời ngày 09/09/1976, được ướp xác và đặt trong một lồng kính từ năm 1977, tại Memorial Hall, ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Khi lăng đóng cửa, thi thể của ông được hạ xuống, cất giữ trong nhà lạnh hoặc đặt trong dung dịch bảo quản như formol, theo như mô tả của Nhân dân Nhật báo.

Quảng trường Thiên An Môn, nơi tọa lạc Tử Cấm Thành và lăng của Mao Trạch Đông.
Quảng trường Thiên An Môn, nơi tọa lạc Tử Cấm Thành và lăng của Mao Trạch Đông. (Fred DUFOUR / AFP)

Hồ Chí Minh

Trước khi mất, Hồ Chí Minh nêu rõ nguyện vọng muốn được hỏa táng và tro rải khắp ba miền đất nước, biểu tượng cho sự thống nhất.

Theo báo chí Việt Nam, hai năm trước ngày ông qua đời, đảng cộng sản Việt Nam đã tính đến chuyện giữ lâu dài thi hài của ông và cử các chuyên gia đi học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm của đồng minh Liên Xô.

Rồi Việt Nam đạt được một thỏa thuận với Liên Xô. Theo đó, Matxcơva cung cấp kỹ thuật để thực hiện việc ướp xác cũng như là các chuyên gia để giám sát. Liên Xô sụp đổ năm 1991, Việt Nam vất vả có lại được thỏa thuận nhưng lần này là với Nga.

Thỏa thuận này giờ vẫn có hiệu lực và được xem như là bí mật quốc gia, và không thể chia sẻ với cả Trung Quốc lẫn Bắc Triều Tiên. Chính vì để thổi phồng tiếng tăm của Hồ Chí Minh mà những nhà lãnh đạo kế tiếp của « Bác Hồ » đã xây cho ông một « ngôi mộ » vĩ đại, lấy cảm hứng cùng lúc từ lăng Lênin, Kim Tự Tháp Ai Cập và Washington Monument tại thủ đô Hoa Kỳ !

Lăng Hồ Chi Minh tại Hanoï. Ảnh chụp năm 2006.
Lăng Hồ Chi Minh tại Hanoï. Ảnh chụp năm 2006. CC 3.0/Rungbachduong

Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong Il (Kim Chính Nhật)

Thi thể của nhà sáng lập Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành và con trai ông là Kim Chính Nhật được ướp và quàn tại khu lăng Cung Kỷ Niệm Kumsusan ở Bình Nhưỡng. Cả nhà lãnh đạo này yên nghỉ trong những chiếc hòm bằng kính đặt trên những chiếc cáng ở hai gian phòng khác nhau, dưới chùm ánh sáng đỏ nhạt và có lính gác canh giữ ở mỗi góc phòng.

Người đến viếng đi thành từng đoàn, kể cả người nước ngoài, phải ăn mặc chỉnh tề và phải ba lần kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu, đi thật nhẹ nhàng trên nền sàn nhà lát đá cẩm thạch. Kim Nhật Thành mất năm 1994 nhưng vẫn giữ chức vụ chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Còn Kim Chính Nhật qua đời năm 2011, vẫn là tổng thư ký vĩnh viễn của đảng Lao Động cầm quyền.

Cả hai người qua đời vì đột quỵ. Nhiều nhà khoa học Nga đã giúp Bắc Triều Tiên về kỹ thuật ướp xác và hỗ trợ nước này trong việc bảo quản. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, Kim Jong Un, là đời thứ ba của gia đình họ Kim và các cố vấn của ông thường xuyên đến thăm lăng viếng hai lãnh tụ trong những lễ quan trọng nhất cũng như là ngày sinh và ngày giỗ để tưởng nhớ.

Lăng Kim Il-Sung ở Bắc Triều Tiên.
Lăng Kim Il-Sung ở Bắc Triều Tiên. Jean Conor/ RFI

Eva Peron

Eva Peron, đệ nhất phu nhân biểu tượng của Achentina trong những năm 1940 và 1950 đã được ướp xác khi bà qua đời vì chứng bệnh ung thư năm 1952, ở tuổi 33. “Evita” là phu nhân của Juan Peron – tổng thống của Achentina giai đoạn 1946 – 1955 và 1973 – 1974.

Nếu như những người ủng hộ ông Peron, những người nghèo và giới công nhân rất mến mộ bà, thì giới quân nhân và tầng lớp giầu có Achentina lại bài xích. Khi Juan Peron bị đảo chính năm 1955, quân đội đã bí mật rút thi thể bà ra khỏi hầm mộ và cất giấu. Lo lắng những nhà đấu tranh ủng hộ Peron có thể tìm thấy thi hài bà, nhà độc tài Pedro Aramburu khi ấy đã gởi thi thể bà đến Ý và chôn cất trong một ngôi mộ mang tên giả ở Milano.

Người vợ thứ ba của Juan Peron, bà Isabel, khi thay ông cầm quyền, đã đạt được một thỏa thuận với Ý: Thi hài của Evita được trả lại cho Achentina năm 1974 và được cất giữ trong lăng gia đình tại Buenos Aires, một điểm hành hương cho những người ngưỡng mộ và cho những ai hâm mộ bộ phim hài nhạc kịch lấy cảm hứng từ cuộc đời bà.

Xác ướp Ai Cập

Bất kỳ học sinh nào, khi nói đến Ai Cập cổ đại, đều nghĩ ngay đến các xác ướp, những nhân vật quan trọng được bảo quản trong những lớp băng vải quấn. British Museum tại Luân Đôn cất giữ một bộ sưu tập 120 xác ướp đến từ Ai Cập và Su-đăng, điểm nhấn quan trọng đối với nhiều khách tham quan. Bảo tàng còn trưng bày 300 động vật được ướp xác như chó, mèo và thậm chí cả cá sấu nữa. Không một xác ướp nào bị phá hỏng kể từ những năm 1970 và các chuyên gia của bảo tàng đã sử dụng tia X và tia phóng xạ để phân tích.

Ferdinand Marcos

Nhà độc tài Philippines gây tranh cãi này mất tại nơi lưu đày năm 1989 sau khi bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của “kháng chiến nhân dân”. Nhưng thi thể được ướp của ông đã được trao trả về nhà tổ và được trưng bày trong suốt hơn 20 năm. Năm 2016, nhà táng chuyên chăm lo bảo quản thi thể cho AFP biết mặt của ông là bằng sáp nhưng phần còn lại của thi thể, có mặc quần áo, chính thực là của ông.

Cuối cùng, nhà độc tài này được chôn cất tại một nghĩa trang dành cho các nhân vật anh hùng trong cùng năm. Như vậy, Ferdinand Marcos là người rời khỏi câu lạc bộ những nhân vật được ướp xác và trưng bày trước công chúng sớm nhất.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, khi còn cầm quyền giai đoạn 1965 - 1986.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, khi còn cầm quyền giai đoạn 1965 - 1986. Virgil C. Zurbruegg / US Army

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.