Vào nội dung chính
AMAZON - MÔI TRƯỜNG

Rừng Amazon có thực sự là "lá phổi" của Trái đất ?

Các đám cháy rừng Amazon tại Brazil đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao Pháp - Brazil, khiến quan hệ hai nước xấu đi nghiêm trọng. Các nhà tranh đấu vì môi trường khắp nơi trên thế giới đều lên tiếng …

Rừng Amazon có hệ đa dạng sinh thái « độc nhất vô nhị » với ¼ giống loài trên Trái đất - gần 40.000 loài cây, 2,5 triệu loài côn trùng, 3.000 loài cá nước ngọt, 1.500 loài chim, 500 loài động vật có vú, 550 loài bò sát ...
Rừng Amazon có hệ đa dạng sinh thái « độc nhất vô nhị » với ¼ giống loài trên Trái đất - gần 40.000 loài cây, 2,5 triệu loài côn trùng, 3.000 loài cá nước ngọt, 1.500 loài chim, 500 loài động vật có vú, 550 loài bò sát ... LecomteB/Wikimedia Commons
Quảng cáo

Đề tài về Amazon được đưa vào thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 - 2019. Hai nước Na Uy và Đức trước đó quyết định dừng tài trợ cho các dự án bảo vệ rừng của Brazil. Pháp và Ireland thì dọa sẽ chặn thỏa thuận thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu và khối Mercosur nếu tổng thống Brazil Bolsonaro không cam kết bảo vệ rừng Amazon.

Nhưng tại sao rừng Amazon lại thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến như vậy, không chỉ giới bảo vệ môi trường sinh thái mà cả chính phủ nhiều nước ?

Rừng Amazon lớn tới mức nhiều người gọi đó là một « lục địa xanh ». Trải rộng trên diện tích 5,5 triệu km2, nếu tính cả lưu vực sông Amazon thì vùng Amazon rộng tới 7,4 triệu km2. Riêng rừng Amazon chiếm 1/3 tổng diện tích rừng nguyên sinh trên toàn thế giới và cũng là khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh. Khoảng hơn 60% diện tích rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Brazil.

Với chiều dài 7.000km, chảy qua 9 nước (Brazil, Bolivia, Peru, Equateur, Colombia, Venezuela, Guyana, Surinam và Guyane của Pháp), sông Amazon là sông dài nhất thế giới, chứa 20% lượng nước ngọt không bị đóng băng trên Trái đất. Sông Amazon chiếm 40% diện tích Nam Mỹ.

Khu vực Amazon cũng là nơi sinh sống của 34 triệu người. Nếu ví Amazon như một quốc gia thì đó sẽ là 1 trong số 40 nước đông dân nhất thế giới. Theo Tổ chức hiệp ước hợp tác vùng Amazon (OTCA), có gần 3 triệu thổ dân da đỏ thuộc 420 bộ lạc, trong đó có khoảng 60 bộ lạc sống hoàn toàn tách biệt với thế giới.

Rừng Amazon có giá trị thế nào về môi trường, sinh thái ?

Rừng Amazon là nơi có hệ đa dạng sinh thái « độc nhất vô nhị » : 1/4 giống loài trên Trái đất tập trung tại khu vực này, với gần 40.000 loài cây, 2,5 triệu loài côn trùng, 3.000 loài cá nước ngọt, 1.500 loài chim, 500 loài động vật có vú, 550 loài bò sát … Hãng tin Pháp AFP trích dẫn Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) theo đó trong vòng 20 năm qua, từ năm 1999, giới nghiên cứu đã xác định và mô tả được thêm 2.200 giống loài động-thực vật mới.

Trên tuần báo L’Express, chuyên gia Plinio Sist, phụ trách Cơ quan nghiên cứu rừng và xã hội thuộc CIRAD, Tổ chức nghiên cứu quốc tế về Nông học, đánh giá rừng Amazon « là một nguồn đa dạng sinh thái vô giá, là bể hút khí các-bon trong bối cảnh Trái đất nóng dần lên, và có tác dụng điều hòa khí hậu của toàn khu vực Nam Mỹ ». Trên thực tế, khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh duy trì độ ẩm, tạo hơi nước, giảm tình trạng hạn hán tại khu vực.

Nhiều cá nhân, tổ chức bảo vệ môi trường gọi rừng Amazon là « lá phổi (xanh) của hành tinh » ? Nói như vậy có đúng hay không ?

Trên các mạng xã hội trong những ngày qua tràn ngập các câu nói kiểu « Lá phổi của hành tinh đang bốc cháy ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng viết trên Twitter : « Rừng Amazon, lá phổi của hành tinh, sản sinh 20% lượng oxy cho chúng ta ». Nhưng đài France Télévisons ngày 24/08/2019 khẳng định nhiều nhà khoa học không ủng hộ cách nói trên.

Ban ngày, cây cối hấp thụ khí các-bon và nhả ra oxy nhờ quá trình quang hợp, nên đúng ra mà nói thì « cơ chế hô hấp » của rừng cây là trái ngược so với hoạt động của lá phổi con người là hít oxy và thải khí CO2. Và như đã nói ở trên, Amazon có giá trị vô cùng lớn về môi trường sinh thái, nên nếu chỉ coi Amazon là « lá phổi » của Trái đất thì tức là đã làm giảm giá trị đích thực của khu rừng. Thêm vào đó, trên thực tế, theo các chuyên gia, đại dương mới là « lá phổi xanh của hành tinh ». Với nhiều loài sinh vật biển, nhất là tảo, các đại dương mênh mông mới là « mỏ khí oxy » « giếng hút các-bon » lớn nhất hành tinh.

Vậy có đúng là rừng Amazon sản sinh ra 20% lượng oxy trên Trái đất như nhiều tổ chức bảo vệ môi trường vẫn nói ?

Ngày 23/08/2019, trả lời báo Le Parisien, ông Philippe Ciais, chuyên gia thuộc Phòng nghiên cứu về Khoa học khí hậu và môi trường nhận định : « Đó là một phát biểu rất hay, nhưng không đúng về mặt khoa học ». Đa phần các nhà nghiên cứu đánh giá Amazon chỉ cung cấp 5-10% lượng oxy cho hành tinh. Không hơn ! Trên Twitter, Johnathan Foley, giám đốc của Viện môi trường thuộc Đại học Minesota, Hoa Kỳ, giải thích là theo cách tính của ông thì tỉ lệ này « tối đa chỉ đạt 6%, rất có thể là ít hơn ».

Chuyên gia này ước tính 50% lượng khí oxy được sản sinh từ các đại dương, 50% còn lại là từ toàn bộ các khu rừng trên toàn thế giới. Tất cả các khu rừng nhiệt đới, trong đó có Amazon, chỉ tạo ra 24% lượng khí oxy trên đất liền và 12% tổng lượng khí oxy, tính cả trên đất liền và trong các đại dương.

Theo đài France Télévisions, nhiều nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng song song với việc sản sinh ra khí oxy, rừng Amazon cũng thải ra rất nhiều khí các-bon. Giáo sư danh dự của Đại học Sư phạm Lyon, Pháp, ông Pierre Thomas, thậm chí cho rằng tỉ lệ này là ngang bằng nhau, và rừng Amazon « tạo ra bao nhiêu oxy thì dùng hết bấy nhiêu ». Nếu không thì lượng oxy trên Trái đất đã tăng nhiều, nhưng trên thực tế, tỉ lệ oxy trên Trái đất vẫn giữ nguyên ở mức 21% từ hơn 20 triệu năm nay.

Cần lưu ý là Amazon không phải là rừng đang tăng trưởng mà là rừng già. Cây cối đang tăng trưởng thì nhả nhiều oxy hơn, còn các cây đang già đi và chết dần thì lại gián tiếp góp phần tạo ra nhiều khí CO2. Nhưng một nghiên cứu gần đây trên Nature Geoscience chứng minh là việc đất rừng Amazon nghèo lân (phosphore) đã hạn chế tốc độ tăng trưởng của cây cối. Theo một nghiên cứu năm 2010 do NASA đài thọ, thì một cơn bão hồi năm 2005 đã làm chết 500 triệu cây của rừng Amazon, và những cây này bị phân hủy, mục nát, quá trình này lại tiêu hao nhiều oxy và sản sinh ra nhiều khí CO2.

Hồi năm 2017, kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Sciences đã gióng hồi chuông báo động là nạn phá rừng, đốt rừng đã khiến các khu rừng nhiệt đới thải ra nhiều CO2 hơn là hấp thụ khí này. Thông qua dữ liệu từ các vệ tinh, chuyên gia Jean-Pierre Wigneron thuộc Viện nghiên cứu Nông học của Pháp, trong một bài báo đăng hồi cuối tháng 07/2019 trên tạp chí Nature Plants, cho biết là năng lượng sinh khối của rừng Amazon không còn tăng, mà chỉ giữ ở mức ổn định từ năm 2010.

Một nghiên cứu đăng giữa tháng 08/2019 trên tạp chí Nature Communication thậm chí còn đi xa hơn nữa và đánh giá là các khu rừng nhiệt đới đã trở thành nguồn xả thải khí các-bon. Còn ông Alain Pavé, cựu giám đốc chương trình Amazon của viện Nghiên cứu quốc gia của Pháp CNRS, phát biểu trên HuffPost là nhiều khi lượng CO2 mà một khu rừng thải ra còn nhiều hơn là lượng các-bon là rừng hấp thu, nhất là đối với các khu rừng nhiệt đới, nơi sinh sống của hàng tỉ sinh vật cần đến oxy, chẳng hạn nấm, vi khuẩn, động vật, và tất nhiên là hàng triệu cư dân.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta mất rừng Amazon ?

Trên báo Le Parisien, chuyên gia khí hậu và môi trường Philippe Ciais trấn an độc giả là nếu chẳng may một ngày nào đó rừng Amazon mất đi, thì bầu khí quyển cũng không mất 20% lượng oxy. Johnathan Foley, giám đốc điều hành dự án Drawdown về biến đổi khí hậu, trước nạn phá rừng Amazon đạt mức kỷ lục trong thời gian qua, cũng thốt lên « Ơn Trời, oxy không phải là vấn đề chúng ta phải lo ngại ! » nhưng hậu quả đáng báo động sẽ là về đa dạng sinh thái, nguồn nước và dân cư, nhất là về việc Trái đất nóng dần lên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.