Vào nội dung chính
NGA - HẠT NHÂN

Nhà máy hạt nhân nổi đầu tiên đi qua Bắc Băng Dương

Nhà máy hạt nhân đầu tiên trên thế giới có thể nổi trên mặt nước, do Nga sản xuất, bắt đầu cuộc hành trình dài 5.000 km đi từ Mourmansk đến Viễn Đông, băng qua Bắc Băng Dương, từ ngày 23/08/2019 nhằm thúc đẩy sản xuất điện tại các vùng bị cô lập.

Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga Akademik Lomonosov rời cảng Rosatomflot, ngày 23/08/2019.
Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga Akademik Lomonosov rời cảng Rosatomflot, ngày 23/08/2019. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Hành trình này vấp phải sự phản đối của các nhà môi trường vì nhà máy hạt nhân nổi có thể gây nhiều tác hại đến vùng biển nhạy cảm này.

Akademik Lomonosov, được xây dựng vào năm 2006 tại Saint Petersburg trước khi được đưa đến Mourmansk vào năm 2018, sẽ thay thế một nhà máy điện hạt nhân và một nhà máy than lỗi thời.

Chuyến đi của nhà máy hạt nhân này dự kiến kéo dài từ 4 - 6 tuần, với điều kiện thời tiết thuận lợi và tùy theo lượng băng ở trên đường.

Để thực hiện chuyến đi này, người ta phải dùng rất nhiều tàu để kéo nhà máy nặng đến 21.000 tấn. Nhà máy gồm 2 lò phản ứng có công suất lên tới 35 megawatt, gần bằng công suất của tàu phá băng hạt nhân, so với công suất 1.000 megawatt của một lò phản ứng hạt nhân bình thường thế hệ mới.

Tàu Titanic hạt nhân

Hành trình của Akademik Lomonosov không nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạt động môi trường, từ nhiều năm qua đã phản đối dự án này, coi đây là một hiểm họa giống như một « tàu Titanic hạt nhân ».

« Tất cả các nhà máy hạt nhân đều sản xuất ra chất thải phóng xạ và và có thể gây tai nạn, nhưng tàu Akademik Lomonosov còn dễ bị tổn hại hơn vì bão », Rachid Alimov, thuộc tổ chức Greenpeace (Nga) đánh giá.

Trong khi đó, thời tiết ở Bắc Băng Dương rất khắc nghiệt và khó dự báo.

« Sà lan của nhà máy này được nối với các con tàu khác. Vì vậy, trong trường hợp bão lớn, rất có thể sẽ xảy ra các vụ va chạm. Rosatom (cơ quan năng lượng của Nga) dự định lưu trữ nguyên liệu trên tàu. Bất kỳ một tai nạn nào cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường vốn đã mỏng manh ở Bắc Cực, chưa kể ở đây không có hệ thống làm sạch hạt nhân nữa », ông Rachid cho biết thêm.

Ý tưởng về một nhà máy hạt nhân nổi trên mặt nước, dù có vẻ nguy hiểm nhưng cũng có lý do của nó. Nền công nghiệp hạt nhân đang phải tái tạo, phát triển các lò phản ứng cỡ nhỏ và rẻ tiền, để thu hút khách hàng mới. Nhà máy hạt nhân nổi được chế tạo cho các khu vực biệt lập và không có đủ cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà máy hạt nhân thông thường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.