Vào nội dung chính
BỒ ĐÀO NHA - VĂN HÓA

150 năm ngày sinh của nhà sưu tầm Gulbenkian

Năm 2019 đánh dấu cùng lúc hai sự kiện văn hóa : 150 năm ngày sinh của nhà triệu phú Calouste Gulbenkian (1869-1955) và đồng thời 50 năm ngày thành lập Viện bảo tàng nghệ thuật Gulbenkian. Đúng theo di chúc, bảo tàng này được xây vào năm 1969 tại Lisbon, nơi ông từng sống những năm tháng cuối đời.

Năm 2019 ghi dấu 50 năm ngày thành lập Bảo tàng Gulbenkian
Năm 2019 ghi dấu 50 năm ngày thành lập Bảo tàng Gulbenkian Tuấn Thảo / RFI
Quảng cáo

Đến thăm thủ đô Bồ Đào Nha vào mùa hè này, bạn sẽ thấy ngay từ phi trường cho tới trung tâm thành phố rất nhiều tấm bích chương vẽ chân dung nhà triệu phú Calouste Gulbenkian, hầu giới thiệu cuộc thi sáng tác cũng như các học bổng của Quỹ giáo dục và nghệ thuật do gia đình ông sáng lập.

Sinh trưởng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trong một gia đình doanh nhân gốc Armenia, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư chuyên ngành dầu khí tại Đại học Hoàng Gia Luân Đôn. Trong vòng nhiều năm liền, ông tham gia tổ chức các vòng thương lượng giữa các công ty dầu khí. Nhờ tài năng thương thuyết, Calouste Gulbenkian ông trở thành triệu phú năm ông mới ngoài 30 tuổi, thời điểm ông nhập tịch Anh.

Các tác phẩm quý hiếm thời Ai Cập và Hy La cổ đại cùng với các báu vật phương Đông thuộc nền văn hóa Lưỡng Hà
Các tác phẩm quý hiếm thời Ai Cập và Hy La cổ đại cùng với các báu vật phương Đông thuộc nền văn hóa Lưỡng Hà Tuấn Thảo / RFI

Ngoài đầu óc kinh doanh, ông Gulbenkian còn có máu phiêu lưu. Qua những chuyến đi xa, ông có thêm cơ hội mở mang kiến thức và đồng thời thỏa mãn sở thích sưu tầm đồ cổ cũng như các tác phẩm nghệ thuật của mình. Sau một thời gian dài chu du khắp thế giới, ông Calouste Gulbenkian đã chọn thành phố Lisbon làm nơi an hưởng tuổi già. Ông cư ngụ trong vòng 13 năm tại thủ đô Bồ Đào Nha, rồi qua đời vào năm 1955, hưởng thọ 86 tuổi. Ông để lại một gia tài đồ sộ, trị giá tài sản cá nhân (kể cả các tác phẩm nghệ thuật dành riêng cho Quỹ Calouste Gulbenkian) được ước tính tới gần 840 triệu đô la Mỹ.

Đúng theo bản di chúc, Viện bảo tàng Gulbenkian được khai trương vào năm 1969 tức hơn một thập niên sau ngày nhà triệu phú qua đời, nhân dịp đúng 100 năm ngày sinh của ông. Lúc sinh tiền, ông là một trong những nhân vật giàu có nhất trên thế giới. Đến khi qua đời vào năm 1955, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm nghệ thuật thu thập trong gần nửa thế kỷ, được xem là một trong những bộ sưu tập cá nhân cực kỳ phong phú đồ sộ, chưa từng thấy trong làng nghệ thuật quốc tế.

Ông Gulbenkian từng mua nhiều tác phẩm nghệ thuật Châu Âu từ Viện bảo tàng nổi tiếng Hermitage ở Saint Petersbourg
Ông Gulbenkian từng mua nhiều tác phẩm nghệ thuật Châu Âu từ Viện bảo tàng nổi tiếng Hermitage ở Saint Petersbourg Tuấn Thảo / RFI

Tọa lạc gần hai công viên Edward VII và Amália Rodrigues, Viện bảo tàng Gulbenkian được xây cất trong một không gian rộng mở thoáng mát, có hồ cá bên vườn trúc, có đồi thông bên khe suối nước. Bảo tàng được phân chia thành hai khu vực, một bên là bảo tàng mới với các tác phẩm đương đại và một bên là bộ sưu tập của nhà sáng lập Gulbenkian với khoảng 6.000 hiện vật cũng như các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa.

Do kiến trúc sư Paul Vandebotermet thiết kế, Viện bảo tàng Calouste Gulbenkian được phân chia thành nhiều khu vực, các cổ vật được trưng bày theo châu lục, và theo trình tự thời gian. Hành trình bắt đầu với nền văn minh Ai Cập cổ đại, trong số các tác phẩm quý hiếm của bộ sưu tập, có Thuyền mặt trời, mặt nạ Xác ướp Ai Cập, bộ Mèo đồng và những Bát thạch cao xưa tới 2.700 năm tuối.

Gian trỉển lãm Ai Cập tại Gulbenkian có bộ mèo đồng và các báu vật 2.700 năm tuối
Gian trỉển lãm Ai Cập tại Gulbenkian có bộ mèo đồng và các báu vật 2.700 năm tuối Tuấn Thảo / RFI

Văn hóa cổ xưa thời Hy Lạp-La Mã gồm một bộ sưu tập lớn các đồng tiền bằng vàng, bình đá và pho tượng cổ bên cạnh các báu vật đến từ các xứ Hồi giáo phương Đông thuộc nền văn hóa Lưỡng Hà, cũng như các bức tranh khắc gỗ qúy hiếm thời Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ, các tấm khăn lụa hay thảm nhung lộng lẫy của Ba Tư.

Đồ đạc trang trí nội thất bên cạnh các tủ sách bằng gỗ cũng như các bản thảo chép tay, những quyển sách cổ với trang bìa, mạ vàng có từ thế kỷ 13, thuộc nhiều ngôn ngữ Châu Âu khác nhau (tiếng Pháp, Đức, Ý, Anh, Hà Lan - Bỉ, tiếng Hà Lan ….) Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật Châu Âu, từng được ông Gulbenkian mua từ Viện bảo tàng danh tiếng Hermitage ở thành phố Saint Petersbourg, kể cả pho tượng nữ thần Diane bằng đá cẩm thạch trắng từng được Jean-Antoine Houdon chạm trổ cho nữ hoàng Catherine Đại Đế.

Các tủ kính trưng bày gốm sứ của nhiều triều đại Trung Hoa
Các tủ kính trưng bày gốm sứ của nhiều triều đại Trung Hoa Tuấn Thảo / RFI

Nền văn hóa châu Á nổi bật nhờ các tủ kính trưng bày chén sứ hay bình cổ Trung Hoa qua các thời nhà Tống, Đường, Minh, Thanh. Các món đồ sưu tầm Viễn Đông nhỏ nhắn tinh tế như lư hương bằng đồng, tách trà bằng ngọc bên cạnh những cổ vật đồ sộ như bích họa Tây Tạng hay tranh lụa thêu tay của Nhật Bản thế kỷ XIX với đôi phượng loan tung cánh. Khách tham quan sau đó tiếp tục khám phá đủ loại những hình thức nghệ thuật Châu Âu kể từ thời Trung Cổ cho tới thời Phục Hưng bao gồm tranh vẽ, tranh thạch bản hay khắc đồng, tác phẩm điêu khắc, đồ gốm sứ.

Các gian phòng triển lãm tác phẩm nghệ thuật châu Âu thế kỷ XVIII hay nghệ thuật cận đại cũng hoành tráng không kém : các bức tranh của các danh họa như Rembrandt, Van Dyck hay bức chân dung của Rubens. Trường phái ấn tượng cũng được đại diện với hàng loạt tên tuổi như Renoir, Degas, Monet, Turner ….. Tất cả các nhân vật trong tranh đều hướng nhìn về pho tượng đứng sừng sững ngay ở giữa phòng trưng bày của Auguste Rodin.

Pho tượng của Rodin đứng giữa phòng trưng bày trường phái ấn tượng
Pho tượng của Rodin đứng giữa phòng trưng bày trường phái ấn tượng Tuấn Thảo / RFI

Đây là chi tiết của "Les Bourgeois de Calais" một trong những tác phẩm đồ sộ của Rodin, được xem như là bậc thầy của ngành nghệ thuật điêu khắc Châu Âu. Không gian trưng bày kết thúc với phòng triển lãm bao gồm toàn là các món trang sức đắt giá của René Lalique. Lúc sinh tiền, ông Gulbenkian sở hữu bộ sưu tập lớn nhất của nhà kim hoàn người Pháp Lalique, từng thành lập công ty ở Thụy Sĩ.

Lúc sinh tiền, nhà sưu tầm Gulbenkian đã từng kết bạn với ông Lalique vì ông quý mến thiên khiếu nghệ thuật của nhà kim hoàn người Pháp, nghệ nhân này đã sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc biệt trong các lãnh vực trang trí nội thất, thiết kế mỹ phẩm, sáng chế nữ trang, vật dụng pha lê, tiêu biểu cho phong trào Art Nouveau (Nghệ thuật mới).   

Một trong những kiệt tác là bức thảm dệt của Nhật Bản với đôi phượng loan tung cánh
Một trong những kiệt tác là bức thảm dệt của Nhật Bản với đôi phượng loan tung cánh Tuấn Thảo / RFI

Ngoài bộ sưu tập cá nhân của nhà triệu phú, Bảo tàng Calouste Gulbenkian trong vòng 50 năm qua đã tiếp tục sự nghiệp của ông qua việc sưu tầm thêm các tác phẩm nghệ thuật cận đại và đương đại. Các tác phẩm đầy giá trị nghệ thuật này giúp tạo thêm uy tín cho các cuộc triển lãm, nâng tầm vóc của bảo tàng này lên hàng quốc tế, chứ không còn đơn thuần ở cấp quốc gia. Bước chân vào viện bảo tàng Gulbenkian, bạn có cảm tưởng đi lạc vào vương quốc hoàng kim, nơi cất giấu muôn ngàn kho báu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.