Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Woodstock 1969 : ''Ba ngày hội vì âm nhạc và hòa bình'' náo loạn !

Đăng ngày:

Năm 1969, trong ba ngày 15 -17/08, gần 500.000 người hippi trên khắp mọi miền nước Mỹ lũ lượt đổ về Bethel (New York) tham dự lễ hội « kỳ lạ, khó hiểu » : Festival Woodstock. Ba ngày hội vì âm nhạc và hòa bình, nhưng cũng là ba ngày náo loạn !

Áp phích cho lễ hội âm nhạc Woodstock năm 1969.
Áp phích cho lễ hội âm nhạc Woodstock năm 1969. Wikimedia Commons
Quảng cáo

Một dấu ấn khó phai trong nền văn hóa đại chúng của Mỹ và thế giới. Những ai sống qua giai đoạn này, hẳn sẽ không thể nào quên được hình ảnh những dòng người hippi, tóc tai bờm xờm lũ lượt đổ về dự lễ hội âm nhạc Woodstock do Michael Lang, một nhà sản xuất đĩa nhạc trẻ đồng tổ chức.

Không ai có thể hình dung cảnh tượng, trên mảnh đất trang trại của ông Max Yasgur, rộng có 243 ha với sức chứa tối đa là 50 ngàn người, bất chấp mưa gió, sình lầy, sự vắng bóng của nhiều ban nhạc nổi tiếng như The Beatles, Rolling Stones hay Bob Dylan, nửa triệu người vẫn đứng ngồi chen chúc, theo dõi các chương trình biểu diễn của 32 ban nhạc tại Woodstock.

Giao thông tắc nghẽn, thiếu nước, thiếu lương thực rồi sử dụng chất gây nghiện là những hình ảnh ấn tượng, « hãi hùng » khiến xóm giềng phản đối. Rồi quân đội phải nhập cuộc để tiếp tế thực phẩm, thuốc men và chở nghệ sĩ đến nơi diễn. Thống đốc bang New York thời ấy, ông Nelson Rockefeller phải ban bố sắc lệnh vùng thảm họa.

« FUCK », « Freedom »… những giai thoại

Barry Milton, khi ấy là cây đàn ghi ta điện cho nhóm nhạc Country Joe and the Fish, trong một lần trả lời phỏng vấn chương trình La Marche du Monde – Bước tiến Nhân loại của RFI cách nay 10 năm hồi tưởng lại cảnh tượng khó quên này.

Ông nói : « Tôi ngồi trực thăng cùng với Joe Cocker. Từ trực thăng, chúng tôi ngắm cảnh tượng khoảng 100 ngàn người có mặt tại chỗ và còn có khoảng 100 ngàn người khác tập trung xung quanh điểm lễ hội. Trong phim Woodstock, người xem không thấy cảnh tượng đám đông đang đi, cũng như là không thấy những đoàn người khác trong các khu rừng xung quanh, vì không thể đến gần mà chỉ thấy cảnh khán giả tại địa điểm lễ hội. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy cảnh tụ tập đông người đến như vậy. Quả thật, từ trực thăng người ta thấy rõ có khoảng nửa triệu người. »

Rồi người ta tự hỏi tiếp : Điều gì đã thôi thúc những người trẻ tuổi này đến tham dự Woodstock ? « Chống chiến tranh, Tôn vinh tự do, âm nhạc và quyền công dân cho mọi người dân ». Đó là một thông điệp giới trẻ Mỹ thời ấy muốn đưa ra trong một nước Mỹ cực kỳ bạo lực, đang tham chiến từ 5 năm qua ở Việt Nam và bên bờ bùng nổ xung đột chủng tộc, một năm sau ngày vụ ám sát mục sư Luther King.

Thế nên mới có giai thoại « Give me a F, Give me a U, Give me a C, Give me a K » của ban nhạc Country Joe and the Fish. Barry Milton cho biết tiếp:

« Những năm 1960, chính là thời điểm người ta muốn phá vỡ nhiều rào cản, nhất là những gì cản trở chúng tôi tự do phát biểu. Tự do ngôn luận tuy được ghi trong Hiến Pháp, nhưng trên thực tế không phải vậy. Tôi phải nói rõ là chúng tôi bị truy tố tại bang Massachusett, đơn giản chỉ vì đã phát âm từ này trên sân khấu. Đương nhiên, trong bối cảnh lễ hội Woodstock, từ này chẳng nêu lên ý nghĩa gì cả, chẳng qua chỉ là một đòi hỏi. Nhưng khi chúng tôi phát ra từ này chỉ nhằm đánh sập hàng rào kiểm duyệt tự do ngôn luận ».

Cây đàn ghi ta điện Barry Milton còn thích thú giải thích làm thế nào ông lách được sự kiểm duyệt của chính quyền tại Woodstock.

« Gimme a F, Gimme a U, Gimme a C, Gimme a K. Tự khán giả đã phát âm toàn bộ chữ này chứ không phải là chúng tôi. Ý tưởng đưa ra là, để không bị bắt, chúng tôi đánh vần từ này với công chúng. Ít ra điều này cho phép có một lập luận trước tòa án, rằng không ai trong chúng tôi nói điều gì xấu xa cả. Chính công chúng là người đã nói lên chữ đó. Nếu họ cần thủ phạm thì cứ việc bắt hết khán giả. Đó chính là điều tôi muốn nói với họ ».

Cảnh tượng người chen chúc theo dõi các chương trình biểu diễn tại lễ hội Woodstock năm 1969.
Cảnh tượng người chen chúc theo dõi các chương trình biểu diễn tại lễ hội Woodstock năm 1969. Wikimedia Commons.

Giới trẻ Mỹ chia rẽ

Trên đài RFI, nhân 50 năm sự kiện Woodstock, nhà báo và nhà văn Michka Assayas nhấn mạnh có một sự chia rẽ sâu sắc trong giới trẻ Mỹ thời kỳ này.

« Đầu tiên hết, không chỉ có một thế hệ trẻ duy nhất, mà nhiều thế hệ trẻ khác nhau. Tôi nghĩ là ở đây có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh đó là chỉ có vài thế hệ trẻ là có mặt ở Woodstock. Và thế hệ trẻ này đối lập với một thế hệ trẻ khác, vốn dĩ chưa bao giờ tỏ ra nghi ngờ về lòng yêu nước, việc Mỹ tham chiến của Mỹ tại Việt Nam và trong một số chủ đề gai góc, họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Khi người ta nói rằng thế hệ trẻ Mỹ này tôn vinh hòa bình, phản đối chiến tranh, bảo vệ quyền công dân, vì sự bình đẳng cho người da Trắng và người da Đen, quý vị hiểu ngay là có điều gì đó mang tính xung đột.

Mặc dù lễ hội Woodstock tự định ra ba ngày vì hòa bình, âm nhạc và tình yêu, nhưng công tác chuẩn bị lễ hội này bên bờ đông nước Mỹ năm 1969 không hẳn mang tính hòa bình và đáng yêu chút nào. Bởi vì, có một sự phản đối mạnh mẽ từ những người dân sống xung quanh khu vực.

Một lễ hội âm nhạc ngoài trời như vậy đúng là chưa bao giờ diễn ra với ngần ấy người tham dự. Ngoài những người tóc tai bờm xờm, còn có những người nghiện ngập, thậm chí có nhiều người đến từ California để thử chất gây nghiện mới thời ấy là LSD. Và điều đó quả thật đã làm cho người dân xung quanh khiếp hãi. »

Woodstock: Bệ phóng sự nghiệp

Nên vậy mới có một Freedom của Richie Havens, tiếng B-52 gầm thét cùng với tiếng rú bom đạn qua tiếng đàn ghi ta điện của Jimi Hendrix khi chơi lại bản quốc ca Mỹ « The Star Spangled Banner » (Tạm dịch : Lá cờ lấp lánh ánh sao). Nhưng Woodstock không chỉ là một diễn đàn « phản chiến », một diễn đàn chính trị đòi hỏi công bằng cho những nghệ sĩ và giới trẻ Mỹ dấn thân, mà còn là bệ phóng sự nghiệp cho nhiều tên tuổi khác sau này như Joe Cocker, Santana, Joan Baez và nhiều người khác nữa.

Năm nay, tròn 50 năm, nhiều tham vọng tái hiện sự kiện nhưng bất thành. Với tạp chí Rolling Stone, Woodstock vẫn là một trong số 50 sự kiện âm nhạc lớn nhất thế kỷ XX. Như nhà báo Michka Assayas khẳng định, « những ai tham gia lễ hội này đã thật sự có một trải nghiệm đúng nghĩa : Mang tính tập thể, có gì đó tổng thể, nhưng cũng rất hiện sinh, bí ẩn, thậm chí hơi tôn giáo ». Nhưng có một điều chắn chắc đó là ba ngày hội âm nhạc vì hòa bình … náo loạn nhất !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.