Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nga : Phủ nhận sự thật để phục vụ mưu đồ địa chính trị

Đăng ngày:

Ở phần I của tạp chí Tiêu điểm ngày 01/08/2019, « Chính sách khai thác quá khứ phục vụ chính trị », sử gia Galia Ackerman giải thích chính quyền Putin viết lại lịch sử với mục đích đối nội.

Ảnh minh họa: Tổng thống Vladimir Putin (G) ký văn kiện tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 21/03/2019
Ảnh minh họa: Tổng thống Vladimir Putin (G) ký văn kiện tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 21/03/2019 REUTERS/Sergei Chirikov
Quảng cáo

Nhưng viết lại lịch sử cũng để đánh bóng chế độ Stalin, sử dụng xương máu nạn nhân trong chế độ Liên Xô trong Thế Chiến Hai để giành công lao. Sự hy sinh của các nước phương Tây, các nước Đông Âu là không có ý nghĩa gì, theo lập luận có dụng ý của Matxcơva.

Trong phần ll này, bà Galia Ackerman (1) trình bày phương châm « phủ nhận sự thật » của chính sách đối ngoại của Putin, trong chương trình Géopolitique (Địa Chính Trị) của RFI tiếng Pháp.

Tiếp nối các bạo chúa và thừa kế Liên Xô

Tự xưng là kế thừa của Liên Xô, nước Nga tìm cách hợp pháp hóa những đòi hỏi địa chính trị. Thâm ý của Putin được tác giả « Trung đoàn bất tử. Cuộc thánh chiến của Putin » phân tích :

« Người Nga ngày nay khai thác, thủ lợi một phần chiến công của tất cả các dân tộc sống tại Liên Xô đánh thắng chế độ Quốc Xã với luận điểm Liên bang Nga là thừa kế của Liên bang Xô viết. Nga thừa kế tất cả từ nợ vay quốc tế cho đến vũ khí hạt nhân và bây giờ là « tư hữu hóa » chiến thắng Thế Chiến Hai.

Thế nhưng, nước Nga lại phủ nhận một cách có hệ thống hoặc giảm nhẹ công lao của các nước khác trong liên minh chống Đức Quốc Xã. Chiến thuật của Nga là đếm xác người : chúng tôi chết 27 triệu, Pháp, Anh Mỹ mỗi nước chết có vài trăm ngàn.

Kết luận : Liên Xô trả giá nặng nhất và điều này cho phép chúng tôi có nhiều quyền hơn. Đó là luận điểm của Matxcơva. »

« Ai kiểm soát được quá khứ, kiểm soát được tương lai » : George Orwell

Nhưng vì sao chính quyền Nga muốn vinh danh quá khứ lại phải che giấu những sự thật tiêu cực ? Những sự thật đó như thế nào, « Nước Nga sống trong lừa dối » đã từng bị Alexandre Soljenitsyne, Nobel văn học 1970, nhiều lần tố cáo trong các tác phẩm của ông ? Sử gia Galia Ackerman :

« Phải nói là ʺnước Nga sống trong lừa dốiʺ. Chúng ta nhớ đến thông điệp nổi tiếng của Alexandre Soljenitsyne kêu gọi đừng bao giờ sống trong sự dối trá. Thật vậy, trong thời cải cách Perestroika và trong những năm đầu của Yelsin, kho hồ sơ lưu trữ được công khai hóa. Nhiều tội ác của chế độ Xô Viết đã được phát hiện.

Vào thời đó, theo thăm dò ý kiến, chỉ có 10% dân Nga có ý kiến tốt về Stalin. Sau đó, tất cả tài liệu này bị đóng lại. Đến thời Putin, chính quyền Nga tự phụ phục hưng thời hoàng kim của chế độ Xô Viết như là một giai đoạn chính đáng trên con đường lịch sử hào hùng của nước Nga vĩnh cửu từ thời các vị đại đế cho đến nước Nga ngày nay.

Nhưng để ghép trang sử thời Xô Viết vào lịch sử hào hùng thì phải… quét rác. Do vậy, không chỉ chối bỏ những tội ác của Stalin, bưng bít hay phủ nhận hai năm hợp tác Stalin – Hitler, mà còn phải xóa luôn những tội ác gây ra tại Đông Âu sau khi chiến tranh kết thúc, hay là hành vi hãm hiếp hàng triệu phụ nữ Đức… Người ta không thể vinh danh cuộc chiến nếu phải nói đến các mảng tối. Do vậy phải dọn cho sạch chung quanh. »

Lịch sử bị sửa đổi, hiện tại bị lừa dối, tương lai sẽ ra sao ?

Liệu có một ngày nào đó những sự dối trá này sẽ quay ngược lại hại nước Nga và hại như thế nào ? Sử gia Galia Ackerman :

« Ngụy tạo lịch sử và làm cho người Nga hiểu sai về quá khứ dân tộc và do vậy tưởng lầm họ nắm chính nghĩa trong tay. Cũng chính vì thế mà chính quyền Nga không bao giờ nhìn nhận các tội ác từng bị cộng đồng quốc tế cáo buộc, từ vụ ám sát nữ ký giả Anna Politkovskaia (07/10/2006), vụ hạ sát cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov (27/02/2015) cho đến vụ đầu độc cựu trung tá KGB Alexander Litvinenko (01/11/2006), vụ đầu độc hai bố con cựu trung tá an ninh quân đội Serguei Skripal (15/03/2018).

Dù bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 hay sáp nhập bán đảo Crimée, chính quyền Nga luôn luôn khẳng định chỉ có họ là đúng, người khác là sai. Khi bị quốc tế trừng phạt khởi đầu từ vụ Crimée, Vladimir Putin luôn luôn cho rằng mục tiêu duy nhất của các biện pháp trừng phạt này là ngăn cản nước Nga phát triển kinh tế. Khi dân Nga sống trong bầu không khí hoang tưởng thì hệ quả không thể tốt đẹp được. »

Putin không thể chiếm bán đảo Crimée nếu không có sự đồng tình của công luận trong nước tin có chính nghĩa. Nhưng tại Nga, lẽ nào không có những tiếng nói có lương tâm, những chứng nhân dũng cảm phủ nhận luận điểm chính thức ?

« Tại Nga cũng còn những nhân chứng và sử gia lương thiện, trung thực, nhất là Hiệp Hội Ký Ức Memorial do sử gia Nikita Petrov điều hành. Nhưng các tác phẩm của ông, kết quả của nhiều năm nghiên cứu tội ác Stalin, ghi chép tường thuật chi tiết và có bằng chứng đầy đủ, chỉ được in rất ít, chừng 1500 quyển.

Trong khi đó, sách của những tác giả ca tụng chế độ Xô Viết được in ấn, phát hành rộng rãi. Sách giáo khoa được soạn theo xu hướng này. Cả một bộ máy nhà nước tập trung ca tụng chế độ Xô Viết. Tôi dành nhiều thời giờ để đọc và theo dõi báo chí, truyền thông Nga và thấy họ biện minh cho quyết định xâm chiếm Tiệp Khắc, Hungari, đem quân sang Afghanistan là cần thiết.

Cuộc chiến Afghanistan được lý giải là để chống Hồi giáo cực đoan. Trong khi sự thật đó là chế độ Cộng sản do Liên Xô dựng lên tại Kaboul sau một cuộc đảo chính. Chính quyền này bị dân Afghanistan chống đối. Cuộc kháng chiến chống Nga chiếm đóng kéo dài 10 năm làm một triệu người Afghanistan thiệt mạng và đưa đến cuộc đấu tranh võ trang của Taliban.

Rõ ràng là người Nga sống trong một vương quốc bằng lăng kính bóp méo sự thật nên không phân biệt đâu là nhân đâu là quả, không thấy mối liên hệ tương tác giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. »

Như thế, cuộc diễn hành « Trung đoàn bất tử », lúc đầu là sáng kiến của người dân tưởng niệm những chiến sĩ trong Thế Chiến, đã nhanh chóng biến thành công cụ biểu dương tinh thần yêu nước cuồng tín, kích động tâm lý tự tôn thượng đẳng bách chiến bách thắng.

Trong bối cảnh nước Nga tăng tốc quân sự hóa giới trẻ thì đây là một phương tiện động viên tuyên truyền nhân dân Nga theo hướng trên thế giới chỉ có hai phe : phe ta và phe địch. Ta là những người có chính nghĩa. Địch là bọn « phát xít » trong lịch sử và trong hiện tại : đó là người Ukraina, người Baltic và đôi khi là toàn thể châu Âu, sử gia gốc Nga cảnh báo công luận.

Chuẩn bị địa chiến lược trong tinh thần bảo thủ

Theo tác giả « Trung đoàn bất tử, cuộc thánh chiến của Putin », để tìm hiểu mục tiêu địa chiến lược của chính quyền Nga hiện nay, phải nhìn vào chính sách giáo dục lịch sử.

« Được tiến hành từ thời Yelsin, chính sách phục hồi các đế chế Nga hoàng được đẩy mạnh từ khi Putin, một nhân vật bảo thủ, không chấp nhận tiến hóa, cầm quyền. Do vậy, những Nga hoàng hung bạo nhất như Alexander Đại Đế, Pyotr Đại Đế, Ivan bạo chúa, Nicolas I, đều được vinh danh.

Mẫu số chung của những bạo chúa này là có công ʺmở mang bờ cõi và duy trì ổn định bằng các biện pháp thô bạoʺ. Công lao của những hoàng đế Nga trong lịch sử được đánh giá qua diện tích lãnh thổ tăng hay giảm.

Nhìn theo chiều dài lịch sử, nước Nga chỉ mở rộng cương thổ chứ không thu hẹp lại. Với tín điều này, Putin đưa quân đàn áp phong trào ly khai võ trang tại Tchetchnia, chiếm lại bán đảo Crimée của Ukraina và không bao giờ trả lại quần đảo Kuril cho Nhật Bản.

Do vậy, Ivan bạo chúa và Pyotr Đại Đế được xem là những hoàng đế oai hùng nhất, tạo điều kiện cho các dân tộc khác nhau ʺhội nhậpʺ vào nền văn minh Nga. Sách sử Nga không gọi đây là chính sách ʺđô hộʺ.

Luận điểm tuyên truyền này cũng được mang ra sử dụng trong thời Xô Viết để biện minh cho việc chiếm đóng Đông Âu nhân danh ʺcùng tổ quốc xã hội chủ nghĩaʺ : Chủ nghĩa xã hội là chính nghĩa tất thắng của thời đại và sớm muộn gì cũng lan khắp địa cầu. Trong tinh thần này, chế độ Xô Viết chỉ ʺgóp phầnʺ thúc đẩy xu hướng thời đại lan rộng tại Đông Âu (?).

Thế rồi, chế độ Cộng sản sụp đổ với một loạt hệ quả : Liên Xô tan rã, lãnh thổ Nga thu hẹp lại, dân chúng mất hết phương hướng, 25 triệu công dân, cán bộ lãnh đạo, chuyên gia ʺXô Viếtʺ một sớm một chiều trở thành thường dân các nước láng giềng. Do vậy, năm 2014, người Nga rất hài lòng, hãnh diện khi chiếm lại được Crimée, 60 năm sau khi bị Stalin cắt đất nhượng cho Kiev.

Từ nay, mọi đòi hỏi chủ quyền ở Crimée bị xem là tuyên truyền cho xu hướng ly khai và bị khép tội hình sự. Matxcơva ủng hộ các phong trào ly khai ở các nước khác, như can thiệp vào trưng cầu dân ý ở Catalunya,Tây Ban Nha nhưng ở nước Nga thì tuyệt đối là không ».

Châu Âu « đáng ghét » từ thế kỷ 19 cho đến nay

Trong tác phẩm « Trung đoàn bất tử… », sử gia Galia Ackerman có trích nguyên văn một bức thư của văn hào Nga Fiodor Mikhaïlovitch Dostoïevski từ Thụy Sĩ gửi bạn ở Nga, phê phán Châu Âu với lời lẽ khinh miệt xem : « Dân tộc Nga là dân tộc thượng đẳng, quý phái, lương thiện, ngây thơ, có năng khiếu, nhiều sáng kiến Thiên Chúa giáo ưu việt » còn « dân Châu Âu với đạo Công giáo đang hấp hối và đạo Tin lành ngu xuẩn với giáo lý mâu thuẫn ». Văn hào Dostoïevski khẳng định ông « ghét người Âu vô bờ bến ». Quan điểm của thế kỷ thứ 19 dường như vẫn tồn tại, vì sao ? Sử gia Galia Ackerman phân tích :

« Đó là cái nhìn vừa thèm thuồng vừa ghen tức vì người dân nước Nga biết người dân Châu Âu sống hài hòa hơn ở Nga và thụ đắc xã hội cao. Đó cũng là những ước mơ của người Nga. Vấn đề là bộ máy tuyên truyền của Nga bôi nhọ châu Âu mạnh đến mức làm dân Nga đâm ra nghi kỵ người Âu. Người Nga tuy có quyền tự do du lịch nhưng suy nghĩ vẫn bị hạn chế trong một lồng kính : xem châu Âu là nguồn cội của lệnh trừng phạt kinh tế là vùng đất của đồi trụy, của dân đồng tính luyến ái.

Trong một chế độ cực bảo thủ thì làm sao có chỗ đứng cho tinh thần khai phóng ? Vì thế mà Putin ủng hộ các tổ chức cực hữu tại Châu Âu. Phương trình địa chính trị của tổng thống Nga rất đơn giản : Châu Âu là một thực thể chính trị hùng mạnh. Còn Nga yếu về kinh tế, tổng sản lượng GDP thấp, an sinh xã hội kém.

Do vậy Matxcơva không thể đối thoại trong thế thượng phong với châu Âu. Cách hay nhất là làm cho châu Âu chia rẽ, rạn nứt để dễ làm áp lực hơn. Bị tách rời ra, không một nước châu Âu nào đủ trọng lượng quân sự để đối đầu với Nga. Nếu Putin thành công phối hợp với Donald Trump làm tan rã Châu Âu, thì chính sách trừng phạt cũng tan biến theo.

Nói cho cùng, không phải là để ủng hộ quan điểm của nhà văn Dostoïevski, phải nhìn nhận một điều là chưa bao giờ người Nga xem Châu Âu là nhà. Họ chỉ cảm thấy yên ổn, thoải mái trong nhà của họ mà thôi. »

Putin sẽ « hòa dịu » khi Donbass hết giá trị ?

Với một láng giềng như vậy, Châu Âu phải hành xử ra sao ? Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay từ lúc nhậm chức tìm mọi cách giúp Nga thoát tình trạng cô lập với điều kiện phải bớt hung hăng. Theo sử gia Galia Ackerman, sớm muộn gì Putin cũng sẽ đem vùng Đông Ukraina ra làm món hàng trao đổi với châu Âu, sau khi tháo gỡ hết những nhà máy, cơ xưởng đem về Nga.

Từ khi chiến tranh xảy ra, hơn một triệu dân Donbass nói tiếng Nga di cư sang Nga, một triệu người nói tiếng Ukraina rút về vùng kiểm soát của chính phủ Kiev. Hệ quả là hai nước « cộng hoà tự phong » của phe thân Nga ở miền đông Ukraina sẽ không còn giá trị chiến lược. Dù sao đi nữa, Nga là một đối tác quan trọng trên chính trường quốc tế, châu Âu không thể tẩy chay Matxcơva mãi mãi.

Vấn đề là chủ nhân điện Kremlin, cho dù kiểm sóat được quá khứ nhưng liệu kiểm sóat được tương lai đến bao giờ ?

Những biện pháp trấn áp thô bạo như kiểm duyệt thông tin, ngụy tạo bản án hãm hại người bất đồng chính kiến, không cho ứng cử viên đối lập tranh cử, bắt giam hàng ngàn người phản kháng trong những ngày qua phải chăng là những viên gạch tốt xây dựng tương lai cho nước Nga ?

(1) Galia Ackerman, Le Régiment immortel, la guerre sacrée de Poutine, Édition Premier Parallèle, 286 p.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.