Vào nội dung chính
MỸ - NGA - VŨ KHÍ

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước hỏa tiễn tầm trung

Hôm nay, 02/08/2019, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (tằn bắn từ 500 đến 5.500 km), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (tên gọi tắt là INF), ký kết với Liên Xô hồi 1987. Cho dù các nước châu Âu lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang mới, khối NATO đã chính thức ủng hộ quyết định của Mỹ, với lý do tên lửa 9M729 của Nga vi phạm hiệp ước.

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Reagan (P) và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, lúc ký hiệp ước INF tại Nhà Trắng, ngày 8/12/1987.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Reagan (P) và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, lúc ký hiệp ước INF tại Nhà Trắng, ngày 8/12/1987. REUTERS//File Photo
Quảng cáo

Việc Mỹ và Nga từ bỏ Hiệp ước INF, trên thực tế, đã được hai bên sẵn sàng từ nhiều tháng nay. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :

« Nga bị Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm Hiệp ước về tên lửa tầm trung, đây là điều mà Matxcơva thường xuyên phủ nhận. Matxcơva khẳng định loại tên lửa bị cáo buộc không có tầm bắn đến 1.500 km, như khối NATO khẳng định, mà chỉ hơn 480 km (tức không nằm trong quy định cấm của INF).

Bất kể cáo buộc của các nước phương Tây có cơ sở hay không, kể từ giờ Hiệp ước tên lửa tầm trung đã thuộc về quá khứ, và nước Nga cũng đã chuẩn bị điều này. Hồi tháng 2 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Nga đã thông báo có dự án chế tạo một tên lửa tầm trung mới, cụ thể là phát triển một phiên bản trên bộ của hỏa tiễn tầm trung Kakibr, vốn đã được sử dụng trong Hải quân Nga.

Với sự chấm dứt của Hiệp ước INF, giờ chỉ còn lại một thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân song phương duy nhất giữa Mỹ và Nga. Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START, ký kết năm 1991, sẽ hết hạn với năm 2021. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax, cựu tổng thống Liên Xô Mikhaïl Gorbatchev, người ký hai thỏa thuận hỏa tiễn này với tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tỏ ra bi quan. Theo ông, sự chấm dứt Hiệp ước INF là một ‘‘đe dọa đối với an ninh không chỉ của châu Âu, mà cả với phần còn lại của thế giới’’ ».

Trước nguy cơ thế giới bước vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc nhở Mỹ và Nga đừng quên các bài học của quá khứ. Ông nhấn mạnh : « INF là một thỏa thuận căn bản giúp cho châu Âu được ổn định, chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, thế giới mất đi một công cụ quý báu để chống lại chiến tranh hạt nhân. Hai bên cần tránh leo thang và đi đến một thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí ».

Chuyên gia Quentin Lopinot, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ở Washington, nhận định việc INF tan vỡ không nhất thiết dẫn đến chạy đua vũ trang toàn cầu, nhưng một cơ chế hiệu quả giúp cho việc ngăn chặn nguy cơ này đã mất đi. Chuyên gia CSIS dự báo là chạy đua phát triển các vũ khí vốn bị INF cấm sẽ diễn ra tại châu Á hơn là ở châu Âu. Hoa Kỳ hứa hẹn không triển khai thêm tên lửa hạt nhân mới tại châu Âu, dù không đưa ra hứa hẹn nào về các vũ khí quy ước.

Quyết định rút khỏi INF của Hoa Kỳ giúp cho quân đội Mỹ rảnh tay trong việc phát triển và triển khai tên lửa tầm trung tại vùng Đông Á nhằm đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang giữ ưu thế áp đảo trong lĩnh vực tên lửa tầm trung tại Đông Á, do không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận nào. Nhiều quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ, và kể cả một số căn cứ của Hoa Kỳ, nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.