Vào nội dung chính
ANH QUỐC

Tân thủ tướng Anh, một con người mang nhiều tai tiếng

Tân thủ tướng Anh Boris Johnson vừa nhậm chức ngày 24/07/2019, bắt đầu gây lo ngại cả ở bên trong nước Anh lẫn ở bên ngoài nước do những phán đoán, quyết định rất vội vã của ông trước đây, cũng như do những phát biểu trên những vấn đề ông không nắm chắc và lại luôn thay đổi ý kiến. Báo giới đã liệt kê lại một loạt vụ việc liên quan đến ông và ngạc nhiên là tại sao con đường dẫn ông đến chiếc ghế cao nhất trong chính phủ đã không bị cản trở.

Tân thủ tướng Anh Boris Johnson đọc diễn văn tại phủ thủ tướng ngày 24/07/2019.
Tân thủ tướng Anh Boris Johnson đọc diễn văn tại phủ thủ tướng ngày 24/07/2019. REUTERS/Hannah McKay
Quảng cáo

Hãng tin AFP đã ghi nhận trước tiên sự cố ngoại giao quan trọng cuối năm 2017, lúc ông Johnson vừa lên làm ngoại trưởng Anh Quốc được hơn một năm. Ông đã phạm ‘sai lầm’ trong hồ sơ Nazanin Zaghari- Ratcliffe, một phụ nữ song tịch Anh – Iran, bị bắt giữ ở Iran với lý do tham gia biểu tình chống chế độ ở Teheran.

Trước một ủy ban của Nghị Viện Anh, ông Johnson giải thích là bà Nazanin Zaghari- Ratcliffe, lúc bị bắt vào tháng 4/2016, đang tham gia đào tạo các nhà báo, và như thế thêm củi lửa cho lời tố cáo của Iran, trong lúc gia đình của bà thì luôn khẳng định bà không hoạt động gì mà chỉ đi nghỉ ở Iran. Ông Johnson sau đó đã phải cải chính, nhưng nhiều người đã đòi ông từ chức.

Tiền thu được nhờ Brexit không cao như lời dọa

Trong cuộc vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ngày 23/06/2016, ông Johnson, người ủng hộ việc tách rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đã cho quảng cáo trên một chiếc xe buýt đi ngang dọc nước Anh, khẩu hiệu “Chúng ta mỗi tuần gởi 350 triệu đồng bảng Anh đến Liên Hiệp Châu Âu, hãy dùng tiền này chi cho y tế (Anh)”. Theo ông Johnson, ước tính của ông rất “hơp lý”, và nếu Anh ra khỏi Liên Âu, món tiền đó sẽ trở về túi của người Anh.

Có điều theo Ủy Ban Châu Âu, số tiền này trung bình chỉ lên đến 135 triệu bảng Anh mỗi tuần, từ 2010-2014, tức 2,5 lần ít hơn khoản mà “Bojo”, biệt hiệu của Boris Johnson, nêu lên.

Ngay cả Nigel Farage, một người cũng ủng hộ Brexit triệt để, cũng cho là số liệu ông Johnson nêu lên là “sai lầm lúc vận động”.

Sai lầm trong tính toán trên đã khiến Boris Johnson bị truy tố về tội nói láo. Nhưng Tòa Án Tối Cao Luân Đôn đã bác bỏ những lời tố cáo này và thiên về lập luận bào chữa của luật sư của ông Johnson, cho rằng đó chỉ là những lời tố cáo mang tính chính trị.

Chiếc cầu giá cắt cổ tại Luân Đôn

AFP đi ngược lên nữa, thời ông Johnson được bầu làm đô trưởng Luân Đôn. Năm 2014, ông đã nảy sinh sáng kiến xây dựng một chiếc cầu-vườn băng qua sông Thames. Chiếc cầu dài 366m, bên trên đầy cây và hoa, « một khu vườn yên tĩnh » ngay trung tâm Luân Đôn.

Có điều hồ sơ tài chính không tính toán kỹ đã làm công trình đổ vỡ. Lúc ban đầu chiếc cầu được trình bày như « một món quà » cho cư dân Luân Đôn, nhờ vào tiền đóng góp tư nhân, nhưng rốt cuộc đã tốn kém hàng triệu bảng Anh, tiền của người đóng thuế Anh và cũng không đi đến đâu.

Người kế nhiệm ông sau đó, Sadiq Khan, đã ra lệnh đóng hồ sơ trước những khoản tiền ngày lên cao vút.

Một quyết định bốc đồng khác xem như vứt tiền của người dân qua cửa sổ: Với tư cách ủy viên hội đồng thành phố, ông đã cho mua của Đức 3 khẩu súng vòi rồng cũ để trang bị cho cảnh sát Anh, ba thiết bị này, giá tổng cộng 300 000 bảng Anh, đã không bao giờ được xài tới và phải bán lại với giá thấp hơn gấp 30 lần.

Quan hệ tình ái lăng nhăng

Không chỉ có những vụ công khai như trên, ông Johnson cũng không thoát khỏi những vụ quan hệ tình cảm mờ ám.

“Nói nhảm”. Đây là câu trả lời của ông Johnson, khi ông bị chất vấn vào năm 2004, về quan hệ ngoại tình với cô Petronella Wyatt, một nữ nhà báo của tuần san Spectator mà ông là chủ biên. Có vợ và 4 con, ông Johnson lúc ấy là mối hy vọng lớn của giới bảo thủ.

Có điều là câu hỏi hoàn toàn không “nhảm nhí” : Mẹ cô Petronella, Lady Wyatt, cho biết con gái bà đã có thai và đã phải phá thai. Bị bắt quả tang nói dối, Boris Johnson bị loại khỏi ban lãnh đạo đảng bảo thủ.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của đảng này khi ấy đã thốt những lời mang tính chất tiên tri : “Sự nghiệp chính trị của ông chưa kết thúc đâu”.

Tài bịa đặt khi làm báo !

Cá tính và tài bịa đặt của ông Boris Johnson có lẽ được phơi bày rõ nhất ngay lúc ông còn là nhà báo trẻ.

Ông đã trích dẫn giáo sư đại học Colin Lucas, cho rằng vua Edouard II « đã sống trụy lạc với chàng trai Piers Gaveston » trong một cung điện xây năm 1325. Trích dẫn này đã được đăng năm 1988 trong một bài báo do Boris Johnson ký tên, lúc ông mới bắt đầu làm việc cho báo Times.

Có điều đoạn trích có hai điểm sai : Gaveston đã bị giết chết vào năm 1312, không thể nào còn ở cung điện 13 năm sau. Thứ hai nữa là giáo sư Colin Lucas đã không bao giờ nói câu này.

Báo Times đã « mời ông đi » vì đã bịa đặt mà lại còn chối cãi.

Thế nhưng « Bojo » lúc đó vừa mới tốt nghiệp đại học, đã khéo xoay sở và vào làm việc cho tờ Telegraph, được gởi đi làm thông tín viên ở Bruxelles. Tài bịa đặt, khoa trương của ông đã hiển hiện trong các bài về các định chế Châu Âu, kể lể chi tiết những hoạt động lạ kỳ nhất của giới điều hành Châu Âu : ông ngạc nhiên trước nào là các xúc xích, nào là cách ăn mặc….

Có điều, điều làm người ta ngạc nhiên hơn cả là con đường đi của « Bojo » có vẻ suôn sẻ và giờ đây ông được ngồi vào chiếc ghế thủ tướng Anh. Câu hỏi lớn trước mắt là con đường Brexit của Anh Quốc sẽ suôn sẻ như thế nào với ông Johnson ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.