Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Duyên nợ của Hằng Nga với làng nhạc Pop

Đăng ngày:

2019 đánh dấu đúng nửa thế kỷ, Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng. Liên Xô và Mỹ xưa kia, Trung Quốc ngày nay chinh phục Chị Hằng để phô trương sức mạnh. Trong mắt cả một thế hệ các nhà soạn nhạc thập niên 1960-1970, Hằng Nga là tiếng gọi của viễn du, là hy vọng, là trăng vàng, nhưng đôi khi cũng là những vầng trăng lạnh, là mảnh trăng cô đơn.

Ảnh minh họa : Mặt trắng trên bầu trời Luân Đôn, Anh Quốc. Ảnh 26/07/2018.
Ảnh minh họa : Mặt trắng trên bầu trời Luân Đôn, Anh Quốc. Ảnh 26/07/2018. REUTERS/P
Quảng cáo

Nhà soạn nhạc người Mỹ Bart Howard thì thầm rủ người tình "Ta hãy cùng nhau đến Cung Trăng/ thả bước trên dải ngân hà/ hãy ngắm nhìn mùa xuân trên sao Hỏa và sao Mộc / Tim ta tràn ngập thi ca".

Trăng hạnh phúc

Bản ballade lãng mạn Fly me to the Moon, được sáng tác năm 1954 nhưng một chục năm sau, vào lúc công luận Hoa Kỳ hào hứng theo dõi chương trình Apollo của trung tâm không gian quốc gia NASA ca khúc này mới thực sự tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc.

Thành công đó có được nhờ tiếng hát mượt mà của nam danh ca Frank Sinatra và cách hòa âm của nhạc sĩ Quincy Jones. Điều thú vị là ca khúc này và tiếng hát của Frank Sinatra là nhạc phẩm đầu tiên đến tai Hằng Nga : trong chương trình Apollo 11, ngày 20/07/1969 khi Neil Armstrong cùng Michael Collins và Buzz Aldrin đáp phi thuyền xuống Mặt Trăng, món quà người từ hành tinh mang đến để tặng cho chị Hằng là Fly me to the Moon được phát trên băng cassette nhựa.

Lãng mạng không kém là ca khúc Trăng ngày mùa, Harvest Moon được thể hiện qua tiếng hát của danh ca người Canada, Neil Young : "Ánh trăng vàng tỏa trên lối đi/ má em thêm hồng, môi thắm đỏ/ Hằng Nga tắm mình trong mắt em".

Nếu nhạc sĩ Việt Nam, Phạm Duy mời "Ông Trăng xuống chơi cây cau", thì bên trời Anh, ban nhạc Tornados chinh phục thính giả với Telsar, một bản nhạc không lời nhưng đấy là những âm thanh mới lạ, là hơi thở, là mạch sống của những thiên thể chung quanh Chị Hằng.

Còn danh ca David Bowie khi mới chập chững bước vào làng nhạc đã có tham vọng "đổ bộ" lên không gian với Space Oddity gần một tháng trước khi Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng. Trong ca khúc này Major Tom là một phi hành gia, người của Trái Đất chu du trong không trung. Phép màu của vũ vụ khiến nhà thám hiểm lạc lối, quên đường về.

Trăng cô đơn

Nếu như Major Tom say đắm với Hằng Nga, ánh sáng diệu kỳ của muôn vàn những vì tinh tú là chiếc chìa khóa vô hình đưa Tom vào một thế giới vô tận, giải phóng cho Tom khỏi những ưu phiền của nhân loại, thì với Rocket Man qua phần trình bày của Elton John, không gian, vũ trụ hay Mặt Trăng là một chuỗi dài cô đơn.

Năm 1972, Elton John và Bernie Taupin sáng tác ca khúc này đúng vào lúc Apollo trở lại Mặt Trăng lần thứ 5. Tuy nhiên ca Rocket Man không gây được tiếng vang ngoại trừ lần Elton John trình diễn tại Matxcơva năm 1979. Phải đợi đến năm 2017 Rocket Man mới chắp cánh bay xa nhờ họa sĩ người Iran Majid Adin. Adin là người đầu tiên kết hợp nghệ thuật vẽ truyện tranh với âm nhạc, dựng một đoạn phim hoạt họa ngắn với thời lượng vừa khít với ca khúc này. Tới nay clip trên Youtube đã được hơn 7 triệu lượt người truy cập vào xem.

Dưới bút pháp của Majid Adin, hành trình của người đáp phi thuyền chinh phục mặt Trăng năm nào cũng là câu chuyện của một kẻ tha hương, bỏ lại vợ và con thơ ở quê nhà với hy vọng châu Âu, Anh Quốc sẽ là những vùng đất hứa. Đó cũng là nỗi niềm, là hoàn cảnh của chính Adin, một người tị nạn vượt qua nhiều thách thức mới đến được Luân Đôn. Elton John rúng động với chiếc áo mới mà Adin đã khoác lên tác phẩm Rocket Man.

Không gian, vũ trụ và cả Mặt Trăng của họa sĩ người Iran này hoang vu, khô cằn là nỗi ngậm ngùi của kẻ sống xa nhà, là hy vọng được gặp lại vợ hiền trong mơ.

Trăng hoang vu, Trăng lạnh

Trước Elton John, nhạc sĩ người Mỹ John Fogerty cũng đã viết về vầng trăng bất hạnh, là vầng trăng báo trước điềm gở ngày tận thế. Năm 1969 ông sáng tác Bad Moon Rising cho ban nhạc rock Creedence Clearwater Revival. Nhạc phẩm này ra đời trong bối cảnh, nước Mỹ đang trải qua một thời kỳ đen tối : Sau tổng thống John F. Kennedy đến lượt người em trai của ông là thượng nghị sĩ Robert Kennedy bị ám sát ; lãnh đạo phong trào dân sự chủ trương đấu tranh bất bạo động, mục sư Martin Luther King bị bắn chết tại Memphis ; nước Mỹ sa lầy trong Chiến tranh Việt Nam : "Vầng trăng trong phong ba/ bão tố đang ập về/ Trong tiếng gào của gió/ hận thù trĩu hạt mưa"

Gần 50 năm sau ngày soạn Trăng gở, tác giả tâm sự : ông lấy nguồn cảm hứng từ một bộ phim mang tên The Devil And Daniel Webster mà trong đó nhân vật chính vào một đêm giông bão, dưới ánh trăng bệnh hoạn, đã vượt băng đồi, bán linh hồn cho Quỷ.

Nhưng ở cuối thập niên 60 Bad Moon Rising không đơn thuần nói về một đêm giông tố mà đấy là một ẩn dụ về thời kỳ đen tối đang bao phủ lên Hoa Kỳ. Lập tức ca khúc này chinh phục người hâm mộ. Mùa hè năm 1969 Bad Moon Rising đứng hạng nhất trên thị trường âm nhạc của Anh, đứng thứ nhì ở Mỹ và đã góp phần làm nên tên tuổi của ban nhạc, là bệ phóng cho ban nhạc Creedence Clearwater Revival.

Nhiều chục năm sau nhìn lại Fogerty hãnh diện về tác phẩm nay, bởi thời gian có đi qua, nhưng ca khúc của ông vẫn không già. Dù vậy người người sĩ lão luyện này đau xót không kém khi thấy "những hạt mưa rơi vẫn nặng trĩu hận thù".

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.