Vào nội dung chính
IRAN- NGA-MỸ

Lò lửa Iran : Nga thêm củi phá Tây phương

Để giúp Iran lách lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga cho biết sẵn sàng tham gia vào cơ chế mậu dịch Instex do Pháp, Anh, Đức đề ra, nhưng với điều kiện cơ chế phải bao gồm dầu hỏa. Matxcơva lấy tiếng là để cứu hiệp định hạt nhân 2015 nhưng kỳ thực là để phân hóa các nước tây phương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và đồng nhiệm Pháp  Emmanuel Macron tại diễn đàn kinh tế Saint Petersburg 25/05/2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại diễn đàn kinh tế Saint Petersburg 25/05/2018. Photo: Dmitry Lovetsky/Pool/AFP
Quảng cáo

Trong cuộc điện đàm hôm 18/07/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhấn mạnh lập trường chung là « củng cố các nỗ lực » cứu vãn hiệp định hạt nhân 2015. Theo lãnh đạo Nga, Pháp, hiệp định mà Iran ký với 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An cộng với Đức, là « yếu tố quan trọng bảo vệ an ninh Trung Đông ».

Cùng lúc đó, bộ ngoại giao Nga tuyên bố với nhật báo Anh Financial Times là Matxcơva muốn hợp tác chặt chẽ với Instex. Cơ chế trao đổi mậu dịch do Paris, Luân Đôn và Berlin lập ra hồi đầu năm nay với mục đích giúp Iran tiếp tục xuất khẩu và các công ty buôn bán với Iran lách được một số biện pháp trừng phạt của Mỹ từ khi Washington đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân.

Cụ thể, các công ty châu Âu, qua cơ chế Instex, được khuyến khích giao thương trở lại với Iran, quốc gia Hồi giáo Shia đang ở trong tình trạng gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Theo luật Mỹ, những công ty quốc tế nhập dầu hỏa của Iran hay sử dụng đô la trong thương vụ xuất khẩu hàng hóa, kể cả nhu yếu phẩm, sang Iran sẽ bị cấm cửa thị trường Hoa Kỳ.

De dọa của Mỹ rất hiệu quả vì từ đầu năm đến nay, hầu hết các tập đoàn quốc tế đều bỏ Iran. Chế độ Hồi giáo bị cô lập hơn bao giờ hết, xuất khẩu dầu khí bị sút giảm đến 70% so với năm 2018.

Để thoát vòng vây, Iran gây áp lực với Châu Âu, chính xác là với Anh, Pháp, Đức. Teheran cho biết đã bất chấp một số trói buộc của hiệp định về tinh lọc uranium và sẽ bỏ hiệp định nếu các nước Châu Âu không nhanh chóng nhập khẩu dầu hỏa của Iran.

Ba bên cùng có lợi ?

Do vậy, đề nghị của Nga sử dụng cơ chế trao đổi mậu dịch Instex để mua bán dầu hỏa Iran rất có ý nghĩa. Thứ nhất, cho đến nay cơ chế này chỉ có tiếng trên lý thuyết, chưa thực hiện một thương vụ nào. Thứ nhất là vốn ít, chỉ có độ vài triệu euro và thứ hai là chỉ có mục đích duy nhất là trao đổi thực phẩm và nhu yếu phẩm, những loại mặt hàng được Washington cho phép vì lý do nhân đạo.

Khác với châu Âu, nước Nga có sẵn cơ chế trao đổi mậu dịch với Iran từ nhiều năm qua, nhưng cơ chế này cũng không hoạt động. Một là do dân Iran không thích nông phẩm của Nga và hai là Matxcơva không cần dầu hỏa Iran.

Nếu Châu Âu và Nga giờ đây cùng hợp tác thì rất « ba bên cùng có lợi ». Trên lý thuyết, một khi gia nhập Instex, Nga có thể mua dầu của Iran, lấy tiền hoa hồng, xong bán lại cho một công ty châu Âu theo dạng dầu  « Made in Russia ». Cũng trên lý thuyết, công ty châu Âu nhập dầu Iran có thể tránh biện pháp trả đũa của Washington với bình phong là mua dầu của Nga.

Trên thực tế, doanh nghiệp nào cũng sợ Mỹ trả đũa bằng biện pháp gián tiếp. Do vậy, theo giới phân tích, lấy quyết định cho phép Nga gia nhập cơ chế Instex là một hành động chính trị khó có thể đạt được đồng thuận trong số 10 nước thành viên Instex.

Thâm ý của Matxcơva

Biết đề nghị khó thành nhưng vì sao Nga vẫn đánh tiếng ?Chuyên gia Clément Therme, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế tại Luân Đôn, chiến thuật của Nga là làm rạn nứt khối NATO, một cách để gây thêm tranh cãi giữa Paris, Berlin và với Roma về nhu cầu có một chính sách độc lập với Washington.

Nếu so sánh thiệt hơn, mất còn trong quan hệ thương mại Mỹ- Châu Âu, Bruxelles phải chọn lá bài tốt nhất. Instex không đóng cửa với một thành viên mới nào muốn xin gia nhập, nhưng rất thận trọng với sáng kiến buôn bán dầu hỏa.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.