Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nga khai thác quá khứ vì mục đích chính trị và địa chính trị - Phần I

Đăng ngày:

Từ 2015, mỗi năm một lần, hàng triệu người Nga tuần hành tay cầm chân dung bố mẹ tử trận hay bị thương trong Thế Chiến Thứ Hai. Ngày 09/05 năm nay, theo Ria Novosti, 10 triệu người Nga tham gia chiến dịch được tổng thống Putin nâng lên hàng « chính nghĩa thiêng liêng » tại quảng trường Đỏ và trên khắp nước. Chủ nhân điện Kremlin dẫn đầu với chân dung người cha quá cố. Sáng kiến này và những dụng ý chính trị của Putin được sử gia Galia Ackerman trình bày cặn kẻ trong quyển sách « Le régiment immortel. La guerre sacrée de Putin » (Trung đoàn bất tử. Cuộc thánh chiến của Putin) (1).

Tổng thống Nga Vladimir Putin và bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu tại lễ duyệt binh mừng ngày chiến thắng Phát xít Đức tại quảng trường Đỏ, Matxcơva, ngày 09/05/2019.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu tại lễ duyệt binh mừng ngày chiến thắng Phát xít Đức tại quảng trường Đỏ, Matxcơva, ngày 09/05/2019. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

2014 : Crimée

Tháng 04/2019, công tố viên đặc biệt Hoa Kỳ Robert Muller chứng minh Matxcơva tìm cách can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016. Tháng 05, phó thủ tướng Áo kim chủ tịch đảng cực hữu SPO phải từ chức sau khi mối quan hệ với Nga bị bại lộ. Tháng 07, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ Ý Matteo Savini, lãnh đạo đảng bài ngoại « Ligua » thề bán sống bán chết không nhận một đồng của tổng thống Putin, sau khi nội dung một cuộc đàm phán mờ ám bên lề chuyến viếng thăm chính thức tại Nga bị tiết lộ.

Trong khi đó tại Nga, từ năm 2015, hàng năm, lễ mừng chiến thắng Thế Chiến Thứ Hai 1945 ngày càng chiếm vị trí quan trọng, huy động đến 10 triệu người khắp nước để vinh danh 27 triệu người « Xô Viết » hy sinh chống Đức Quốc Xã mà chế độ Putin gọi là cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Ngoài lãnh thổ, lễ hội được các sứ quán Nga tại nước sở tại khuyến khích.

Từ phục hồi Stalin cho đến « chiến tranh yêu nước », việc nước Nga của Putin viết lại lịch sử song song với một chiến dịch quân sự hóa từ xã hội đến học đường một cách có hệ thống không khỏi gây lo ngại. Trẻ nhỏ từ 8 tuổi được đoàn thể hóa, sinh hoạt theo sự chỉ đạo của một đơn vị quân đội.

Những hành động này nhằm mục đích gì và tác động ra sao đến chính sách địa chính trị của Nga trên trường quốc tế? RFI đặt câu hỏi với sử gia Nga Galia Ackerman, đến Pháp vào năm 1984, hiện giảng dạy tại đại học Caen.

Tác giả quyển nghiên cứu « Le régiment immortel. La guerre sacrée de Putin » (Trung đoàn bất tử. Cuộc thánh chiến của Putin), phát hành hồi tháng 05/2019 được báo chí Pháp đón tiếp nồng nhiệt, cho biết không phải là chuyện ngẫu nhiên mà kể từ năm 2015, điện Kremlin và sứ quán Nga tại nhiều nước châu Âu « chiếm hữu » cuộc tuần hành của xã hội công dân ngày 09/05 :

Chắc chắn không phải do một sự tình cờ mà một năm sau khi sáp nhập Crimée của Ukraina mà nước Nga tổ chức rầm rộ cuộc tuần hành phối hợp diễu binh với diễn hành dân sự. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là công thức « trung đoàn bất tử » là một cuộc tuần hành rất lớn được tổ chức vào ngày 9 tháng 5 hàng năm tại Nga mới gần đây thôi. Người tham gia cầm theo di ảnh của cha, ông bị thương hay hy sinh trong Thế Chiến Thứ Hai.

Sáng kiến này là do ba nhà báo ở Siberia đề ra vào năm 2012. Lúc đầu, cuộc tuần hành chỉ nhằm mục đích vinh danh những người hy sinh trong cuộc chiến, một hình thức chia sẻ ký ức vui buồn trong chiến thắng. Đó là một phong trào dân sự, phi chính trị, không phe đảng và gồm những người tình nguyện, nảy sinh ở Tomsk, một thành phố vùng Siberia. Thấy hay, một số địa phương bắt chước làm theo. Đến 2015, lần đầu tiên phong trào được cho phép tuần hành ở Matxcơva. Đặc biệt là có sự tham gia của tổng thống Putin, tay cầm di ảnh thân phụ, một người lính bị thương trong Thế Chiến Thứ Hai.

Do vậy, có thể nói, năm 2015 là năm nhà nước Nga giành lấy sáng kiến này để khai thác theo hướng có lợi cho chế độ. Theo tôi, rõ ràng là hành động này có quan hệ nhân quả với vụ sáp nhập bán đảo Crimée, bởi vì sự kiện Nga lấy Crimée năm 2014 đã được đa số công luận Nga ủng hộ nhiệt tình. Do vậy, Putin phải tiếp tục duy trì sự ủng hộ, này bởi lẽ người dân Nga đang trải qua những năm tháng chật vật, cuộc sống khó khăn và rất bất mãn chế độ.

Tổ chức tuần hành rầm rộ, trong đó người sống hợp nhất với người chết, chính là nhằm tạo ra hình ảnh một dân tộc Nga bất tử.

Làm dân chúng quên thực tế

Thế Chiến Thứ Hai đã kết thúc từ 75 năm nay. Nhưng vì những lý do sâu xa nào mà, ngoài chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên truyền thanh, truyền hình, người dân Nga còn bị huy động diễn hành tay cầm chân dung chiến sĩ tử trận mà chính quyền Nga đặt tên là « Trung đoàn bất tử »? Sử giaGalia Ackerman giải thích:

Lý do khá đơn giản. Một phần vì ở nước Nga không có một lễ hội nào đủ sức thu hút người dân tham gia một cách hào hứng. Những ngày lễ lớn thời Liên Xô cũ như ngày 07 tháng 11, kỷ niệm Cách mạng tháng 10 hay lễ Lao động 01 tháng 05.

Từ khi chế độ Cộng sản sụp đổ, Liên Xô tan rã, lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười cũng bị dẹp luôn. Còn ngày 01 tháng 05 cũng không được tổ chức rầm rộ, vì nước Nga của Putin là chế độ đi ngược lại phúc lợi xã hội thì cỗ vũ ngày lễ lao động để làm gì ?

Do vậy, Yeltsin rồi đến Putin, chính quyền Nga tìm cách đặt ra ngày lễ mới ví dụ như ngày lễ Liên bang 12 tháng 06 hay là ngày 04 tháng 11, ngày giải phóng Matxcơva khỏi bàn tay xâm lược của Ba Lan năm 1612, cách nay 400 năm. Vấn đề là những ngày lễ này không hấp dẫn được công luận cho lắm. Trong khi đó, huy động dân chúng kỷ niệm Thế Chiến Thứ Hai dễ dàng hơn, vì tính từ lúc Hitler xâm lăng Liên Xô vào tháng 06/1941 đến khi chiến tranh kết thúc, hầu như mọi gia đình ở Liên Xô đều bị thiệt hại, bị ảnh hưởng.

Thế Chiến Thứ Hai là một cuộc thử thách cho tất cả các dân tộc trong Liên bang Xô viết. Cá nhân tôi không tin là có sự hiện hữu của cái mà tuyên truyền ra rả gọi là « các dân tộc Xô Viết ».

Nhưng vì tác hại của cuộc chiến không chừa ai cho nên kêu gọi dân chúng tham gia kỷ niệm thì sẽ dễ dàng hơn. Putin khai thác cuộc diễn hành hàng năm của « trung đoàn bất tử » như là một cái trục của bản sắc dân tộc.

Vấn đề là nước Nga không thể hồi tưởng ký ức hào hùng nếu không viết lại một phần lịch sử.

Hợp tác với Hitler là đúng

Trong sách giáo khoa cho giáo chức, xuất bản năm 2007, chính sách thanh lọc của Stalin được trình bày như là một phương thức quản lý chính trị hợp lý nhất để « ổn định xã hội » và công nghiệp hóa đất nước. Nạn nhân của Stalin và đao phủ thủ Stalin được « tôn vinh » như nhau, là những người có công xây dựng nước Nga vĩ đại. Còn giai đoạn Stalin hợp tác với Hitler từ 1939 đến 1941 cũng như sự kiện 1,2 triệu người « Xô Viết » chiến đấu bên cạnh Đức Quốc Xã do đâu cũng bị Matxcơva tìm cách xóa sạch. Tác giả « Trung đoàn bất tử. Cuộc thánh chiến của Putin » phân tích :

Chiến thắng Đức Quốc Xã cũng như sự hy sinh và khổ nhọc của người dân ở mặt trận hay ở các nhà máy ở hậu phương là chuyện rõ ràng. Nhưng trong cuộc chiến này, đối với Liên Xô, có khá nhiều mặt tối. Mặt tối tăm nhất là trước khi bị Đức Quốc Xã tấn công vào ngày 22/06/1941 thì Stalin và Hitler là đồng minh.

Trong diễn văn đọc tại quảng trường Đỏ hôm 09/05/2019, trước khi khai mạc cuộc diễn hành của « trung đoàn bất tử », Putin gọi ngày 22/06/1941 là « ngày bội hứa ».

Trong vòng hai năm từ 1939 đến 1941, Liên Xô và Đức Quốc Xã là đồng minh ký kết với nhau nhiều mật ước. Những tài liệu này mới được công bố gần đây thôi. Từ nay, người Nga không còn có thể phủ nhận sự thật bị che dấu từ gần 80 năm qua là Stalin và Hitler là đồng minh. Thời Liên Xô che dấu đã đành mà thời Putin cũng có nhiều nhà nghiên cứu Nga, nhất là trong quân đội cũng phủ nhận, cũng cho là tài liệu giả.

Ngoài mật ước Molotov- Rubbentrop (ngoại trưởng Liên Xô và ngoại trưởng Đức Quốc xã) còn có nhiều nghị định thư nay được tiết lộ, theo đó, Liên Xô và Đức Quốc Xã chia nhau các nước Đông Âu. Dựa trên những cam kết này, lực lượng Đức Quốc Xã kiểm soát một phần Ba Lan, phần còn lại do Hồng quân Liên xô chiếm đóng.

Quan hệ mật thiết đến mức độ, vào ngày 22/09/1939, Liên Xô và Đức Quốc Xã tổ chức diễn binh chung tại thành phố Ba Lan Brest Litovsk. Mật vụ Đức Gestapo và cảnh sát chính trị Liên Xô NKVD cũng hợp tác chặt chẽ với nhau. Nhiều người Đức theo phe tả chống Hitler chạy sang Liên Xô lánh nạn đã bị NKVD bắt giao cho Gestapo.

Đó là những sự kiện mà Liên Xô ngày trước và Nga ngày nay khó có thể lý giải chạy tội. Luận điểm biện minh của Nga hiện nay là các mật ước ký với Hitler là nhằm bảo vệ cho Liên Xô không bị tấn công tức khắc. Chia chát Đông Âu với Hitler còn có cái lợi là cơ hội thống nhất Ukraina và Bielarus bị chia cắt từ hàng trăm năm.

Viết lại lịch sử để đánh bóng chế độ Stalin, sử dụng xương máu nạn nhân hy sinh chống Đức Quốc xã để giành công lao, tự xưng là kế thừa duy nhất trong cuộc chiến chống phát-xít để hợp pháp hóa những đòi hỏi địa chính trị.

Với lập luận này, không nên ngạc nhiên khi Matxcơva can thiệp vào Ukraina, vẽ lại biên giới và phủ nhận sự thật, sau khi đã « động viên » được một phần công luận trong nước.

Mời quý thính giả theo dõi tiếp sử gia Galia Ackerman phân tích thâm ý của Putin trong phần ll.

(1) Galia Ackerman, Le Régiment immortel, la guerre sacrée de Poutine, Édition Premier Parallèle, 286 p.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.