Vào nội dung chính
IRAN

Hạt nhân: Iran dùng công dân song tịch để mặc cả với phương Tây ?

Các công dân Anh, Pháp hay Mỹ song tịch liệu có là công cụ để Iran mặc cả với phương Tây về hạt nhân ? Theo giám đốc viện nghiên cứu New Iran, trụ sở tại Washington, Alireza Nader, vụ bắt giữ nhà nghiên cứu người Pháp Fariba Adelkhah tại Teheran củng cố thêm cho giả thuyết này.

Richard Ratcliffe, chồng của bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe, đến đặt thiệp, ảnh vợ con và hoa nhân "Ngày các bà Mẹ" trước sứ quán Iran tại Luân Đôn, ngày 31/03 2019.
Richard Ratcliffe, chồng của bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe, đến đặt thiệp, ảnh vợ con và hoa nhân "Ngày các bà Mẹ" trước sứ quán Iran tại Luân Đôn, ngày 31/03 2019. REUTERS/Simon Dawson/File Photo
Quảng cáo

Vào lúc chính quyền Pháp nỗ lực đóng vai trò trung gian về hạt nhân Iran, nhà nhân chủng học Fariba Adelkhah, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc tế, trường Khoa Học Chính Trị Paris -Sciences Po, đã bị đưa về nhà tù Evin, phía bắc thủ đô Iran từ đầu tháng 6/2019. Đây cũng là nơi mà một công dân mang hai quốc tịch Anh và Iran, bà Nazanin Zaghari Ratcliffe bị giam từ tháng 4/2016 vì tội "nổi loạn" cho đến đầu tuần này.

Nhà nghiên cứu Pháp đã bị đưa về trại giam Evin từ tháng trước, nhưng mãi đến giữa tháng 7/2019 Paris mới lên tiếng về vụ việc và đòi Tehran giải thích. Chỉ sau đó chính quyền Iran mới xác nhận tin trên.

Gần như cùng lúc, công dân Anh, bà Nazanin Zaghari Ratcliffe, làm việc cho tổ chức nhân đạo Quỹ Thomson Reuters, trực thuộc hãng tin Anh Reuters, đầu tuần này đã được chuyển từ nhà tù Evin đến một bệnh viện tại Teheran điều trị vì lý do thần kinh suy nhược. Gia đình bà Nazanin không được phép vào thăm.

Báo chí Luân Đôn gắn liền việc cô lập công dân mang hai quốc tịch Anh và Iran này với việc căng thẳng giữa Luân Đôn và Teheran đột ngột gia tăng trong những ngày qua, sau vụ một tàu chở dầu của Iran bị Hải Quân Anh bắt giữ ngoài khơi Gibraltar, vì lý do Iran vi phạm lệnh cấm vận quốc tế, cung cấp dầu cho Syria. Nhưng không chỉ có thế, truyền thông Anh còn gắn trường hợp của bà Nazanin Zaghari Ratcliffe với việc Teheran đòi Luân Đôn thanh toán một món nợ 450 triệu euro để đối lấy tự do cho công dân mang hai quốc tịch Anh và Iran này. Tuy nhiên cả Luân Đôn lẫn Teheran cùng phủ nhận thông tin của báo chí Luân Đôn.

Tháng 11/2017, trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chồng của bà Nazanin Zaghari Ratcliffe đã khẳng định với hãng tin Pháp AFP là vợ ông bị chính quyền Iran "dùng để mặc cả" với Anh Quốc. Tới nay, Iran không công nhận quy chế của những người song tịch.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu New Iran tại Hoa Kỳ, Alireza Nader đi xa hơn khi cho rằng "mỗi lần cần gia tăng áp lực với phương Tây, chính quyền Teheran luôn chơi trò bắt bí để đàm phán". Các công dân song tịch là một công cụ trong tay Iran.

Chính quyền Iran đến nay một mặt phủ nhận sử dụng lá bài này với quốc tế, nhưng mặt khác lại nhìn nhận rằng "những tù nhân này có thể được dùng trong một số vụ trao đổi nhất thời". Về phần ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif đã công khai tuyên bố, tháng tư vừa qua Teheran từng đề nghị với Washington một chương trình "trao đổi tù nhân".

Jason Rezaian, nguyên là thông tín viên của báo Washington Post tại Teheran, đã bị giam 544 ngày tại nhà tù Evin, vì bị cáo buộc làm gián điệp. Tháng 2/2016, ông được trả tự do cùng với ba công dân Mỹ khác. Đổi lại tổng thống Barack Obama cũng đã ký sắc lệnh phóng thích bốn tù nhân Iran. Rezaian cho biết ông nhận thấy rõ mình là "con cờ" để cho các nước lớn mặc cả với Teheran trên hồ sơ nguyên tử. Trong cuốn sách mang tựa đề "Tù nhân", cựu thông tín viên báo Washington Post xem mỗi vụ bắt giữ tù nhân như một vụ bắt làm con tin. Kể từ sau sự kiện tòa đại sứ Mỹ tại Teheran bị tấn công năm 1979 tới nay, có tất cả 52 người trải qua hoàn cảnh này.

Trong bối cảnh đó, giám đốc trung tâm nghiên cứu New Iran lo ngại sẽ còn có thêm những vụ công dân phương Tây khác bị Iran bắt giữ. Đặc biệt là trong trường hợp của Pháp, bởi vì Teheran muốn đáp lại chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" của Paris với Iran.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.