Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - NGA - TÊN LỬA

Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô tên lửa S-400 đầu tiên, xác nhận thắng lợi của Nga

Mỹ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận tên lửa phòng không S-400 của Nga. Đối với Matxcơva việc Ankara duy trì hợp đồng mua vũ khí của Nga bất chấp áp lực của Hoa Kỳ và NATO là một thắng lợi lớn về ngoại giao.

Tên lửa S-400 của Nga đến căn cứ không quân Akinci, gần Ankara, ngày 12/07/2019.
Tên lửa S-400 của Nga đến căn cứ không quân Akinci, gần Ankara, ngày 12/07/2019. ©Turkish Defence Ministry/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sáng nay 13/07/2019, chiếc máy bay thứ tư của Nga chở tên lửa phòng không S400 đã đáp xuống phi trường quân sự gần Ankara. Từ một ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng của NATO, bắt đầu nhận tên lửa của Nga.

Tại Washington, cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đòi ban hành lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. NATO lo ngại tên lửa của Nga được một thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sử dụng.

Riêng đối với Nga, thương vụ mua bán vũ khí nói trên thể hiện rõ quan hệ Matxcơva - Ankara chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay từ bốn năm qua. Hơn thế nữa đây là một thắng lợi rõ rệt của tổng thống Putin cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao.

Thông tín viên RFI tại Nga, Daniel Vallot phân tích :

"Đối với Matxcơva thương vụ này trước hết là một thành công về mặt công nghiệp, trị giá hợp đồng ước tính lên tới hơn hai tỷ đô la. S-400 được coi là tủ kính của nền công nghệ chế tạo vũ khí Nga, từng bán được cho Trung Quốc và Ấn Độ. Cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một thành công mới của loại trang thiết bị quân sự được xem là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất trên thế giới.

Bên cạnh thành công về mặt công nghiệp, thì đây còn là một thắng lợi về phương diện ngoại giao. Bán được S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga gây chia rẽ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO mà lại trang bị vũ khí của Nga.

Đây thực sự là cả một vấn đề. Điều này thể hiện qua phản ứng phẫn nộ của Mỹ. Với tên lửa S-400, Nga đã khiến cho quan hệ giữa Washington và Ankara thêm căng thẳng, đồng thời cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn làm lành lại với nhau sau khủng hoảng hồi năm 2015, khi đó một chiến đấu cơ của Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ không xa biên giới Syria.

Đây chính là một điều quan trọng đối với Matxcơva bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác then chốt trong chính sách của Nga tại Trung Đông, đặc biệt là trên hồ sơ Syria".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.