Vào nội dung chính
IRAN - HOA KỲ - CHÂU ÂU

Hạt nhân : Châu Âu cố tạo ra « không gian đối thoại » Mỹ-Iran

Buộc phải có hành động trong hồ sơ hạt nhân Iran, các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, đang tìm cách kéo dài thời gian để thuyết phục Teheran tuân thủ đầy đủ các cam kết và để tránh vùng Vịnh đi đến xung đột quân sự.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi (P) và tổng thư ký Tổng cục đối ngoại LHCA Helga Schmit trong một cuộc họp tại Vienna, Áo, ngày 28/06/2019
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi (P) và tổng thư ký Tổng cục đối ngoại LHCA Helga Schmit trong một cuộc họp tại Vienna, Áo, ngày 28/06/2019 REUTERS/Leonhard Foeger
Quảng cáo

Do nền kinh tế bị bóp nghẹt kể từ khi tổng thống Donald Trump đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Vienna 2015 và tái lập các biện pháp trừng phạt, Iran cuối cùng đã phản pháo bằng cách thông báo không tuân thủ một số cam kết của họ trong văn bản này.

Cụ thể, từ đầu tháng này, Iran đã vượt quá mức giới hạn dự trữ 300 kg uranium, theo quy định của hiệp định Vienna và thứ Hai vừa qua, thông báo bắt đầu làm giàu chất uranium với tỷ lệ 4,5%, cao hơn mức mà hiệp định Vienna cho phép ( 3,67% ). Teheran đòi các quốc gia còn tham gia hiệp định phải thi hành các biện pháp để bảo đảm các lợi ích của Iran và dọa sẽ thi hành các biện pháp mới « trong vòng 60 ngày tới » nếu các yêu sách của họ không được thỏa mãn.

Với những hành động như trên, Iran rõ ràng làm muốn gây áp lực đối với các nước châu Âu tham gia hiệp định, với hy vọng nới lỏng gọng kềm trừng phạt của Mỹ và tranh thủ những mối lợi kinh tế mà hiệp định Vienna mang lại đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Nhưng một nhà ngoại giao Pháp, được hãng tin AFP trích dẫn, hôm qua nhấn mạnh « con đường mà họ chọn có thể sẽ buộc chúng tôi đi theo con đường mà chúng tôi không muốn ». Nếu Iran tiếp tục đà vi phạm hiệp định hạt nhân, hồ sơ này có nguy cơ sẽ bị đưa ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với hậu quả là Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tái lập các biện pháp trừng phạt, và điều này có nghĩa là hiệp định Vienna bị khai tử.

Theo nhận xét của chuyên gia Sanam Vakil, thuộc viện nghiên cứu Chatham House, Luân Đôn, các nước châu Âu hiện đang trong tình thế « rất khó chịu », bởi vì họ muốn kéo dài thời gian trước khi dẫn đến hậu quả nói trên, nhưng cũng « rất bực bội » khi thấy Iran đang từng bược phá vỡ hiệp định hạt nhân.

Trong tình hình hiện nay, các nước châu Âu và nhất là Pháp đang nỗ lực tạo ra một « không gian đối thoại » giữa Hoa Kỳ và Iran. Đứng trên tuyến đầu, tổng thống Emmanuel Macron hôm thứ Bảy (06/07/2019) đã điện đàm với đồng nhiệm Iran Hassan Rohani và hôm thứ Hai (08/07) đã nói chuyện với tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cử cố vấn ngoại giao Emmnuel Bonne đến Teheran hôm qua (09/07).

Để có thể tạo ra được không gian đối thoại đó, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi Hoa Kỳ nên có « những cử chỉ hòa dịu cần thiết ». Theo một nguồn tin ngoại giao, những cử chỉ đó có thể là chấp nhận miễn trừ cấm vận đối với dầu hỏa của Iran xuất sang Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những nạn buôn bán dầu trái phép, lách lệnh cấm vận. Nhưng cũng theo nguồn tin này, rất có thể phía Teheran sẽ đòi thêm nữa.

Tuy vậy, Iran cũng cố để mở ngỏ cánh cửa đối thoại, như lời một nhà ngoại giao của nước này : « Nếu chúng tôi không muốn thương lượng, chúng tôi đã ra khỏi hiệp định rồi ». Hiện giờ, Iran chỉ mới làm giàu chất uranium với tỷ lệ ít nhất là 4,5% . Theo lời cựu ngoại trưởng Dominique de Villepin, phải vượt quá tỷ lệ 20% thì mới thật sự là bước vào vùng nguy hiểm, còn trước mắt thì « chúng ta vẫn còn trong một vùng kiểm soát được ».

AFP trích lời một quan chức phủ tổng thống Pháp nhận xét : « Phía Iran lạm dụng, nhưng không quá mức, còn Trump gây áp lực tối đa, nhưng ông thi hành chính sách này cho đến khi có thể thương lượng được. »

Tóm lại, châu Âu hiện vẫn tin là Iran và Hoa Kỳ đều chưa hoàn toàn triệt tiêu khả năng đối thoại. Mọi người đang chờ xem kết quả chuyến đi của cố vấn ngoại giao của tổng thống Macron ở Teheran. Bản thân ông Macron cũng đã tuyên bố với đồng nhiệm Iran là từ đến ngày 15/07 sẽ « thăm dò mọi điều kiện để tái lập đối thoại giữa các bên ». Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu sau ngày 15/07 mà cánh cửa đối thoại vẫn chưa hé mở ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.