Vào nội dung chính
NGA - NATO

Nga từ chối phá hủy những tên lửa mới theo yêu cầu của NATO

Tổng thư ký khối quân sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, Jens Stoltenberg, ngày 05/07/2019 cho biết một lần nữa Nga từ chối phá hủy những tên lửa mới được triển khai tại châu Âu và điều này vi phạm Hiệp ước về Tên lửa hạt nhân tầm trung INF được ký kết năm 1987.

Tổng thư ký khối NATO trong một cuộc họp với Bộ Ngoại Giao Mỹ, tại Washington ngày 4/4/2019.
Tổng thư ký khối NATO trong một cuộc họp với Bộ Ngoại Giao Mỹ, tại Washington ngày 4/4/2019. REUTERS/Joshua Roberts
Quảng cáo

Tại buổi họp báo, ông Jens Stoltenberg lấy làm tiếc rằng Matxcơva đã không cho thấy có chút thiện chí tuân thủ Hiệp ước vũ khí hạt nhân. Khối NATO yêu cầu Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới SSC-8 của nước này trước ngày 02/08 ngày Hiệp ước INF hết hiệu lực do việc Hoa Kỳ tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước vì nghi ngờ Nga đã vi phạm. Những loại tên lửa mới này được cho là có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân, có thể bắn tới các thành phố châu Âu chỉ trong vòng có « vài phút » và rất khó phát hiện.

Theo tổng thư ký NATO, việc Nga từ chối phá hủy hệ thống tên lửa đó có nguy cơ gây ra những « hậu quả nghiêm trọng cho việc kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân ». Ông cảnh báo, trong bối cảnh này, NATO không còn chọn lựa nào khác là phải « hành động », đồng thời khẳng định lập trường « Châu Âu không có ý định triển khai hệ thống tên lửa mới có gắn đầu đạn hạt nhân tại châu Âu ».

Ngay sau đó, phái đoàn đại diện Nga đã có phản ứng trong một thông cáo cho rằng buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của hiệp ước vũ khí hạt nhân là « không chính đáng ».

Thông cáo khẳng định : Vì Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp ước, mà Nga « không có ý định triển khai hệ thống tên lửa tương tự tại châu Âu và nhiều vùng khác trừ phi các tên lửa tầm trung và ngắn của Mỹ được triển khai. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các nước trong khối NATO cũng phải có một tuyên bố tương tự ! »

AFP nhắc lại bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên khối NATO ngày 26/06/2019 đã thông qua một loạt biện pháp quân sự và chính trị, trong số này, biện pháp đáng chú ý nhất là tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.