Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn tại Libya

Khoảng 1.000 người thiệt mạng từ ba tháng nay tại Libya trong các đợt giao tranh giữa các phe đối lập gần thủ đô Tripoli. Trước tình trạng này, ngày 05/07/2019, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên khẩn cấp ngừng bắn và giảm leo thang căng thẳng.

Trại tạm giữ người nhập cư Tajoura gần thủ đô Tripoli sau vụ không kích ngày 03/07/2019.
Trại tạm giữ người nhập cư Tajoura gần thủ đô Tripoli sau vụ không kích ngày 03/07/2019. REUTERS/Ismail Zitouny
Quảng cáo

Ngoài ra, trong thông cáo được thảo luận hôm 03/07, các nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng « lên án » vụ tấn không kích ngày 02/07 vào một trại tạm giữ người nhập cư ở Tajoura, ngoại ô thủ đô Tripoli, khiến 53 người nhập cư bị thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em.

Từ ngày 04/04, các đội quân của thống chế Haftar, đối lập với chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Tripoli, đã tiến hành nhiều đợt tấn công để chiếm quyền kiểm soát thủ đô. Theo thẩm định của Tổ Chức Y tế Thế Giới, các vụ tấn công trên không và trên bộ đã khiến 100.000 người phải tha hương, khoảng 1.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương trong các vụ giao tranh ở cửa ngõ dẫn vào Tripoli.

Ngoài bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền đang xuống cấp ở Libya, khác với những bản tuyên bố trước, Hội Đồng Bảo An yêu cầu các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc « không được can thiệp vào cuộc xung đột và không đưa ra những biện pháp làm tình hình nghiêm trọng hơn ». Lời kêu gọi này nhằm nhắc đến tình trạng vi phạm « lệnh cấm vận » có từ năm 2011 đối với Libya. Kể từ khi quân đội của thống chế Haftar phản công, vũ khí từ nước ngoài được ồ ạt giao cho cả hai phe.

AFP nhắc lại, tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất yểm trợ và nhận được sự ủng hộ ít nhất về mặt chính trị của Nga và Mỹ. Pháp được cho là thiên về thống chế Haftar nhưng luôn bác bỏ lập luận này.

Thủ tướng Fayez al-Sarraj của chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tại Tripoli nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Ý dường như cũng thiên về chính phủ GNA.

Cả hai phe đối lập Libya đều tin rằng có thể giành được chiến thắng nhờ vào sự ủng hộ từ các nước trên thế giới, hiện bị chia rẽ về hồ sơ Libya.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.