Vào nội dung chính
IRAN - HOA KỲ

Iran phá cam kết 2015, Trump dọa chớ ‘‘đùa với lửa’’: Hệ quả ra sao?

Chính quyền Iran hôm qua, 01/07/2019, đã thực hiện đe dọa vượt mức dự trữ uranium làm giàu ở tỉ lệ thấp, phá bỏ một trong các cam kết của Thỏa thuận hạt nhân 2015. Ngay lập tức tổng thống Mỹ khẳng định Teheran đang « đùa với lửa ». Căng thẳng Mỹ-Iran có nguy cơ tiếp tục dâng lên, sau hàng loạt biến cố gay cấn tại vùng Vịnh, như tàu chở dầu bị tấn công, drone bị bắn hạ. Hệ quả ra sao ?

Tổng thống Iran nghe báo cáo của lãnh đạo cơ quan nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi, ngày 9/4/2019.
Tổng thống Iran nghe báo cáo của lãnh đạo cơ quan nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi, ngày 9/4/2019. AFP PHOTO / HO / IRANIAN PRESIDENCY
Quảng cáo

1 - Ngọn nguồn câu chuyện :

Cách nay gần bốn năm, vào ngày 14/07/2015, sau hơn một thập niên căng thẳng vì chương trình hạt nhân quân sự Iran, với rất nhiều nỗ lực ngoại giao, 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (gồm Mỹ, Nga, Trung, Pháp và Anh) cùng với Đức đã đạt được với Teheran một thỏa thuận. Với thỏa thuận mang tên gọi chính thức Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện Chung (Plan d’action global conjoint / Joint Comprehensive Plan of Action), ký kết tại Vienna, chính quyền Iran cam kết không tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử, và chấp nhận các giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân quốc gia, để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt quốc tế, chấp nhận chế độ thanh tra chặt chẽ của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA).

Quyết định đơn phương của Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận Vienna, vào ngày 8/5/2018, tái lập các trừng phạt đối với Iran (nhằm chống lại các can thiệp của Teheran tại khu vực Trung Cận Đông, và chương trình hỏa tiễn đạn đạo của nước này) khiến nền kinh tế Iran rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Chính quyền Iran thoạt tiên tỏ thái độ « kiên nhẫn chiến lược » (từ ngữ chính thức), khẳng định tiếp tục tôn trọng thỏa thuận 2015, nhưng đồng thời kêu gọi các bên tham gia còn lại thực thi các cam kết, cho phép Iran được hưởng những lợi ích nhờ thỏa thuận Vienna, cho dù Hoa Kỳ rút.

Đúng một năm sau thời điểm Mỹ rút khỏi thỏa thuận, chính quyền Iran tuyên bố, do thất vọng trước việc các nước châu Âu không thực hiện các hứa hẹn, họ sẽ không còn chấp nhận tuân thủ hai trong số các cam kết của thỏa thuận 2015. Teheran ra tối hậu thư « 60 ngày » cho các nước tham gia thỏa thuận thực thi giúp Iran hứa hẹn lách các trừng phạt Mỹ, nếu không Iran sẽ từ bỏ thêm hai cam kết khác.

2 - Iran đã từ bỏ các cam kết nào ?

Hôm qua, Iran đã rút khỏi một trong hai cam kết đã báo trước. Cụ thể là lượng dự trữ uranium làm giàu ở tỉ lệ thấp (dưới 3,67%) vượt ngưỡng 300 kg cho phép. Tuy nhiên, Teheran chưa thực thi đe dọa rút khỏi cam kết thứ hai là ngưỡng dự trữ « nước nặng » (với mức trần là 130 tấn). Về nguyên tắc, Iran từng tuyên bố không bị ràng buộc bởi cam kết này kể từ ngày 8/5.

3 - Iran dọa sẽ từ bỏ thêm các cam kết nào kể từ ngày 7/7 ?

Kể từ ngày 7/7, Iran đe dọa sẽ nối lại các hoạt động làm giàu nhiên liệu uranium ở mức trên 3,67%, cũng như tiếp tục dự án xây dựng một lò phản ứng nước nặng tại Arak, có thể được sử dụng để chế nhiên liệu plutonium, phục vụ mục tiêu quân sự.

4 - Việc từ bỏ một số cam kết nói trên có nguy cơ Iran nhanh chóng sở hữu vũ khí hạt nhân?

Trả lời AFP, cựu đại sứ Pháp ở Iran, ông François Nicollaud, giải thích : « Chừng nào Iran chưa có được mức dữ trữ uranium làm giàu ở tỉ lệ thấp với khối lượng một tấn, thì chừng đó chưa cần phải lo ngại », ngược lại, nếu Iran có được một lượng dự trữ uranium từ 200 kg đến 300 kg, làm giàu ở tỉ lệ 20%, thì rất đáng lo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Teheran sẽ có ngay được một trái bom nguyên tử trong vòng vài tháng.

Về vấn đề « nước nặng », cựu đại sứ Pháp khẳng định là việc tăng khối lượng dự trữ chất này « không hề có nguy cơ nào » đối với khả năng Teheran phát triển vũ khí hạt nhân, ít nhất là trong vòng vài năm tới. Cựu đại sứ Pháp tại Teheran cũng lưu ý thêm một điểm rất quan trọng nữa, là Iran « chưa bao giờ đe dọa cấm cửa các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế… Như vậy, các diễn biến của chương trình hạt nhân Iran vẫn có thể được tiếp tục theo dõi ».

Còn theo nhà nghiên cứu Clément Therme, chuyên gia về Iran tại Viện Quốc Tế Nghiên Cứu Chiến Lược (IISS), việc từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận Vienna trước hết « đặc biệt nguy hiểm cho người dân Iran, bởi việc này sẽ dẫn đến việc quốc gia này cô lập hoàn toàn và người dân sẽ ngày càng trở nên bần cùng ».

5 - Chính quyền Iran hướng đến mục tiêu nào ?

Vẫn theo cựu đại sứ Pháp François Nicollaud, cần nhìn nhận việc Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận Vienna như một tiếng kêu cứu gửi đến các đối tác, với hy vọng quốc gia này sẽ được trợ giúp để có thể đối mặt với các áp lực về kinh tế ngày càng gia tăng do các trừng phạt của Mỹ. Còn chuyên gia Clément Therme thì nhấn mạnh là Iran vẫn đang tìm mọi cách để bảo tồn thỏa thuận Vienna, như « một thành tựu quan trọng ». Vấn đề chủ yếu với Iran là « làm sao để tránh được nền kinh tế sụp đổ, mà không phải gây chiến tranh ».

6 - Chuyện gì sẽ xảy ra ngày 7/7 tới, ngày mà « tối hậu thư » của Iran đến hạn ?

Cựu đại sứ Pháp dự báo là « nếu các đối tác của Iran không tìm được phương tiện để giúp Iran dễ thở hơn trước các áp lực trừng phạt Mỹ, chắc chắn là Teheran sẽ thực thi các tuyên bố ».

Theo chuyên gia Clément Therme, hệ quả của chuyện này là quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ trở nên căng thẳng hơn, thậm chí có nguy cơ Washington can thiệp quân sự chống Teheran. Viễn cảnh này có thể buộc các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga phải có những biện pháp hỗ trợ Iran. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực có lập trường ủng hộ xuống thang căng thẳng tại vùng Vịnh, như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar và Oman, sẽ có thể ủng hộ chính sách của Bruxelles, Matxcơva và Bắc Kinh hỗ trợ Iran đối phó với Mỹ, nhân danh các lợi ích kinh tế và an ninh chung của vùng Vịnh.

Ẩn số chủ yếu hiện nay liên quan đến các hệ quả của cơ chế Instex (tên viết tắt của Instrument in Support of Trade Exchanges), theo sáng kiến của Pháp, Anh và Đức, đề xuất hồi tháng 1/2019, vừa chính thức vận hành kể từ ngày 28/06, cho phép trao đổi thương mại với Iran không thông qua đồng đô la Mỹ. Thông báo được đưa ra sau buổi họp khẩn giữa các nước tham gia thỏa thuận Vienna và Iran, cuộc họp mà Teheran cho rằng là « cơ hội cuối cùng » để cứu thỏa thuận hạt nhân 2015.

Trong hiện tại, Teheran chỉ trích Instex là có quy mô quá nhỏ, không liên quan đến mặt hàng dầu mỏ (nguồn xuất khẩu chính của Iran), không mang lại đủ nguồn tài chính. Hội Đồng Châu Âu về các Quan Hệ Quốc Tế (Conseil Européen des Relations Internationales / ECFR), một trong các viện tư vấn hàng đầu của Liên Âu, khuyến khích mở rộng cơ chế này cho nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Ấn Độ…. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc, hai thành viên của thỏa thuận Vienna 2015, cũng tỏ ý muốn tham gia Instex.

Theo tạp chí kinh tế Forbes, có trụ sở tại Hoa Kỳ, hiện tại Washington chưa có phản ứng gì trước việc ba nước châu Âu (Pháp, Anh, Đức) thông báo triển khai cơ chế Instex, nhưng cách hành xử đơn phương và cực đoan của chính quyền Trump trong hồ sơ Iran có thể sẽ khiến Mỹ thêm bị cô lập, các nước châu Âu có thể thúc đẩy cơ chế nói trên để thu hút sự tham gia của một số nền kinh tế lớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.