Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Thức trắng đêm, châu Âu vẫn chưa bầu được lãnh đạo

Sau một đêm thức trắng và 14 tiếng đồng hồ đàm phán gay go, đến sáng nay 01/07/2019 các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) vẫn chưa thỏa thuận được với nhau về các chức vụ chủ chốt. Cuộc họp được dời lại ngày mai.

Lãnh đạo Châu Âu họp bàn về lãnh đạo sắp tới của Liên Hiệp, ngày 30/06/2019, tại Bruxelles.
Lãnh đạo Châu Âu họp bàn về lãnh đạo sắp tới của Liên Hiệp, ngày 30/06/2019, tại Bruxelles. Geoffroy van der Hasselt/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Cuộc họp thâu đêm này là kỳ thảo luận chính thức lần thứ hai, nhưng thật ra đã là lần thứ ba, vì các nhà lãnh đạo 28 nước châu Âu đã có bữa ăn tối làm việc trước đó. Thông tín viên Anissa El Jabri tại Bruxelles cho biết, nhiều đại biểu không chấp nhận để cho chính khách dân chủ xã hội Hà Lan Frans Timmermans làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, theo như thỏa thuận sơ bộ tại thượng đỉnh G20 ở Osaka.

« Đó là cả một trận oanh kích nhắm vào ứng viên Timmermans. Cánh hữu châu Âu không chấp nhận ông : Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Ireland và cả Đức cũng thế. Theo tổng thư ký CDU, một giải pháp nào khác ngoài ông Manfred Weber đều « không thể hiểu được ».

Một nguồn tin châu Âu cho biết, thỏa thuận khung đã không được thảo luận ở cánh hữu châu Âu (PPE). Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, ông Donald Tusk đã phải cố tháo gỡ bế tắc suốt đêm qua tại Bruxelles, thử đề nghị một số tên tuổi khác như ông Michel Barnier của Pháp. Có điều người Pháp lại muốn chiếc ghế giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, sẽ bỏ trống vào mùa thu này, vào tay ông Barnier.

Như vậy, một « sushi deal », như cách gọi của nhóm cánh hữu đối với giải pháp được đưa ra ở thượng đỉnh G20 tại Osaka, vẫn đang được đặt trên bàn hội nghị, với chức chủ tịch Nghị Viện Châu Âu dành cho người đứng đầu nhóm cánh hữu, ông Manfred Weber.

Nghị Viện sẽ phải bầu ra chủ tịch vào thứ Tư tới. Nếu việc bầu cử này diễn ra trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được đồng thuận, thì sẽ là một mảnh puzzle được đặt trước những mảnh khác. Theo một nguồn tin châu Âu, đây là một sự bất tiện mà 28 nước thành viên không mong muốn, vì nó « không logic cả về chính trị lẫn định chế ». Hơn nữa, Paris và Berlin cũng muốn làm mọi cách để tìm ra được thỏa thuận trong cuộc họp thượng đỉnh này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.