Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

LHCÂ: Thêm một thượng đỉnh bất thường để chọn dàn lãnh đạo mới

Hơn 10 ngày sau thất bại trong việc thống nhất danh sách các vị trí lãnh đạo châu Âu, hôm nay, Chủ Nhật 30/06/2019, nguyên thủ và thủ tướng các quốc gia thành viên Liên Hiệp họp bất thường tại Bruxelles để tìm cách đạt đồng thuận.

Ảnh minh họa: Tên gọi Ủy Ban Châu Âu bằng tiếng Anh.
Ảnh minh họa: Tên gọi Ủy Ban Châu Âu bằng tiếng Anh. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Theo báo Đức Die Welt, một trong các bất đồng chính đã được giải tỏa, với việc phe bảo thủ của thủ tướng Đức Angela Merkel chấp thuận không tiếp tục đề cử chính trị gia Đức Manfred Weber vào cương vị chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chức vụ được coi là quan trọng nhất trong các định chế của Liên Hiệp.

Thủ tướng Đức đã chấp nhận điều này trong các thương lượng với các đối tác châu Âu bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, hôm thứ Sáu 28/06. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối việc ông Weber ra ứng cử, khi cho rằng chính trị gia này không có đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm một cương vị đòi hỏi nhiều trách nhiệm như vậy.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, chính trị gia Hà Lan Frans Zimmermans, một trong hai phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, được coi là người có nhiều cơ hội nhất để trở thành chủ tịch của Ủy Ban Châu Âu, kế nhiệm ông Jean-Claude Juncker. Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ ông Timmermans.

Hai liên đảng bảo thủ và xã hội dân chủ, tức hai liên minh chính trị lớn nhất trong tân Nghị Viện Châu Âu, đang tìm cách dàn xếp để chính trị gia Đức Manfred Weber chuyển sang ứng cử vào chức chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, đổi lại phe bảo thủ mở đường cho ông Zimmermans trở thành chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc chính trị gia xã hội dân chủ Zimmermans ứng cử vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khó được một số lãnh đạo miền đông châu Âu, như Hungary hay Ba Lan, chấp nhận. Vácxava và Budapest đã nhiều lần lên án nhà lãnh đạo người Hà Lan, đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra các thủ tục trừng phạt Hungary và Ba Lan, do những xâm phạm các định chế của Nhà nước pháp quyền.

Trước phiên họp hôm nay, tổng thống Pháp cảnh báo nếu lãnh đạo các nước thành viên Liên Âu không thông qua được danh sách đề cử các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Liên Hiệp, thì đây là một dấu hiệu cho thấy Liên Âu đang đi lâm vào tình trạng « phân rã về thể chế ».

Bất luận tình hình ra sao, Nghị Viện Châu Âu trong phiên khai mạc ngày thứ Tư 03/07 tới cũng sẽ phải bầu chủ tịch của định chế này. Theo AFP, lãnh đạo các nước châu Âu hy vọng bữa ăn tối làm việc hôm nay sẽ cho phép họ tìm được thỏa hiệp. Trong trường hợp đàm phán bất thành, lãnh đạo các nước châu Âu sẽ tiếp tục gặp nhau trong bữa ăn sáng ngày mai, thứ Hai 01/07.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.