Vào nội dung chính
IRAN - HOA KỲ

Hạt nhân : Trump nêu khả năng mở chiến tranh "chớp nhoáng" với Iran

Đúng ngày trữ lượng uranium được tinh lọc của Teheran sắp vượt ngưỡng cho phép 300 kg, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nêu khả năng thực hiện một cuộc chiến tranh "chớp nhoáng" chống Iran. Washington loại trừ khả năng triển khai lực lượng quân sự trên bộ.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump ngày 24/06/2019 ký sắc lệnh ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump ngày 24/06/2019 ký sắc lệnh ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Trên đường đến Nhật Bản dự thượng đỉnh G20, ngày 26/06/2019, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố "Mỹ trong thế mạnh, nếu có xảy ra, tôi bảo đảm là chiến tranh sẽ không quá dài". Nguyên thủ Mỹ nói thêm : Giới lãnh đạo Iran sẽ thực sự "ngu dốt" và "ích kỷ" nếu không đàm phán với Hoa Kỳ để thoát khỏi lưới trừng phạt của Mỹ. Donald Trump cho rằng, kinh tế Iran bị kiệt quệ và đã đến lúc Teheran phải "nghĩ đến người dân".

Về phía Iran, chính quyền nước này lúc cương, lúc nhu. Tổng thống Hassan Rohani trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron cách nay 2 ngày tuyên bố Iran "không muốn xảy ra chiến tranh với bất kỳ một quốc gia nào, kể cả với Mỹ". Ông vừa lên án Washington "đi lầm đường" khi trừng phạt Iran, vừa chỉ trích châu Âu "thụ động" trong nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng hiện nay.

Mặt khác, Iran thông báo "tăng tốc chương trình hạt nhân" như tường thuật của thông tín viên Siavosh Ghazi từ Teheran :

« Thách thức và khẩu chiến với những lời đe dọa quân sự liên tục gia tăng giữa Iran và Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Teheran thông báo tăng tốc chương trình làm giàu chất uranium kể từ hôm nay 27/06/2019. Đây là phản ứng đáp trả Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Iran.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân đã đạt được với các cường quốc trên thế giới, Iran chấp nhận giới hạn các chương trình làm giàu uranium trong vòng 10 năm (đổi lại, quốc tế ngừng cấm vận Iran). Từ một tuần qua, khả năng nổ ra một cuộc chiến bắt đầu nhen nhúm.

Đối với Alireza Parsa, một thanh niên 30 tuổi, chiến tranh sẽ là kịch bản tệ hại nhất. Anh nói : Chúng tôi không thích có chiến tranh, đây là một điều tai hại. Tất cả sẽ bị tàn phá để rồi phải xây dựng lại từ đầu. Công cuộc tái thiết sẽ rất tốn kém. Tình trạng sẽ như ở Syria".

Mohammad Ahmadian, 38 tuổi, làm nghề buôn bán, thì không tin là sẽ nổ ra một cuộc xung đột quân sự và ủng hộ chính quyền phát triển chương trình hạt nhân. Anh giải thích : Iran là một nước lớn trong khu vực. Chúng tôi cần phải bảo vệ quyền lợi của mình. Mỹ đang có trong tay hàng ngàn đầu đạn hạt nhân để áp đặt ý muốn của Washington với chúng tôi. Chúng tôi muốn sử dụng công nghệ hạt nhân dân sự để có điện, và một số những chuyện khác.

Dù sao đi chăng nữa, việc Teheran quyết định khởi động lại chương trình hạt nhân càng khiến căng thẳng với Mỹ gia tăng. Nhưng không chỉ riêng gì với Hoa Kỳ mà còn cả với nhiều nước châu Âu. Các nước này yêu cầu Iran ứng xử trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân 2015 ».

Pháp cố gắng thuyết phục các bên kiềm chế

Tiếp tục ngày thứ hai chuyến công du Nhật Bản trước khi dự thượng đỉnh G20 ở Osaka, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron cam kết nỗ lực "tối đa" tránh để Mỹ và Iran tiến gần thêm đến xung đột quân sự.

Trả lời báo chí ngày 27/06/2019, nguyên thủ Pháp cam kết làm hết sức mình để thuyết phục Washington tránh sử dụng vũ lực đồng thời thuyết phục Teheran tuân thủ thỏa thuận về hạt nhân mà Iran và 5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cùng với Đức đã ký kết vào tháng 07/2015 tại Vienna.

Paris theo đuổi cùng một mục đích với Washington đó là "ngăn cản Iran chế tạo vũ khí nguyên tửʺ. Giới quan sát ghi nhận : năm 2018, ông Macron đã thất bại trong việc thuyết phục Donald Trump không rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Vienna 2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.