Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN

Căng thẳng Mỹ-Iran : Thử giải mã ý đồ của hai bên

Khẩu chiến giữa Mỹ và Iran gia tăng trong những ngày qua. Trả lời phỏng vấn RFI ngày hôm nay, 26/06/2019, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cho rằng tại Iran cũng như ở Hoa Kỳ, đều có phe cứng rắn muốn xẩy ra xung đột quân sự để phục vụ lợi ích của mình.

Ảnh ghép minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và tổng thống Iran Hassan Rouhani
Ảnh ghép minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và tổng thống Iran Hassan Rouhani HO, Nicholas Kamm / AFP / IRANIAN PRESIDENCY
Quảng cáo

Có nên lo sợ những gì đang diễn ra trong quan hệ Mỹ-Iran hiện nay hay không hay đây chỉ là trò diễn, dàn dựng, dọa nạt nhau ? Phải chăng mỗi bên đều cố gắng thể hiện vai trò của mình để gây ấn tượng với bên kia ?

« Cần tránh sợ hãi vì điều này chẳng có ích gì cả. Cần phải hiểu những gì đang xẩy ra và đó không phải là trò diễn, dàn dựng. Mối quan tâm thực sự của Donald Trump là xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Barack Obama đã để lại. Bởi vì Donald Trump bị ám ảnh là tất cả những gì Obama làm đều là không tốt và tồi tệ. Donald Trump muốn bóp nghẹt Iran. Ông ta không hề có tư tưởng co cụm mà chủ trương đơn phương hành động. Nhà tỉ phú địa ốc New York hành động một cách phũ phàng và theo những cách thức mà ai cũng biết. Ông ta muốn bóp nghẹt không chỉ các đối thủ mà cả các đối tác và đồng minh, như trong quan hệ với Đức, với Canada, Mêhicô…

Vậy Donald Trump có thể làm việc này đến mức độ nào ? Không ai biết chắc chắn cả. Xung quanh ông ta có cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ngoại trưởng Mike Pompeo. Hai nhân vật này có cùng quan điểm với Ả Rập Xê Út. Có nghĩa là phải làm cho chế độ Teheran sụp đổ, gây ra nội chiến, bóp nghẹt kinh tế Iran đến mức mà phe ôn hòa, những người đã chơi lá bài thỏa thuận hạt nhân với Obama, bị mất uy tín. Đó là không phải là một biến thái sai lệch mà là mục đích trong chiến lược của phe cứng rắn tại Washington, qua đó, thúc đẩy phe cực đoan tại Iran nổi trội lên. Và lúc đó, Hoa Kỳ sẽ nói rằng phe cực đoan đang lãnh đạo Iran, rằng Obama đã sai lầm khi tin tưởng vào kịch bản này. Ngay cả Israel cũng hơi chần chừ với chiến lược này. Vậy phải chăng Hoa Kỳ đang tìm mọi cách để đạt được mục tiêu là lật đổ chế độ tại Teheran ? Dường như Donald Trump không muốn như vậy. »

Phải chăng Mỹ muốn có những thay đổi tại Teheran nhằm làm xuất hiện một chế độ cực đoan hơn chứ không phải là một chế độ dân chủ ?

« Trước tiên, Hoa Kỳ muốn làm cho phe ôn hòa mất uy tín. Bởi vì tất cả những ai chống Iran đều cảm thấy khó xử khi phe ôn hòa được cho là đại diện cho chế độ ở Teheran. Trong quá khứ, phe cực đoan tại Israel cảm thấy khó chịu, khó xử với kế hoạch hòa bình cho Trung Đông 2000-2002, khi họ phải đối mặt với phe ôn hòa bên phía Palestine. Như vậy, Hoa Kỳ muốn thấy xuất hiện các phần tử cực đoan tại Iran, để rồi tình trạng này dẫn đến các cuộc nổi dậy, phản kháng, nội chiến và lật đổ chế độ. Thế nhưng, người ta có cảm giác là vào giờ chót, Donald Trump lại chần chừ, muốn hãm kế hoạch này lại một chút và không muốn đi xa như vậy. Dường như Donald Trump đã nói với lãnh đạo một số nước là người dân Iran chưa nghèo khổ lắm vì đây là một trong những phương cách phũ phàng để có được một thỏa thuận hạt nhân theo các điều kiện của ông ta. Thế nhưng, Donald Trump và trong một chừng mực nào đó, cả hai nhân vật « diều hâu », đều hơi chần chừ.

Còn tại Iran, tôi nghĩ là cũng có những lưỡng lự, chần chừ, nhưng người ta không thể ngăn chặn phe cứng rắn có những khiêu khích, qua đó, tái khẳng định vai trò của mình và làm chủ tình hình. Phe cứng rắn tại Iran rất thù ghét chiến lược của Obama. Cho dù phe cứng rắn không muốn đi tới một cuộc chiến tranh cục bộ, nhưng nguy cơ này vẫn có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. »

Tuần trước, tổng thống Trump thừa nhận là đã hủy bỏ lệnh oanh kích Iran chỉ vài phút trước khi chiến dịch này bắt đầu. Điều này có nghĩa ra sao ? Hay đây chỉ là một sự dàn cảnh ?

« Không. Tôi không nghĩ như vậy. Điều quan trọng - nếu tôi không nhầm – thì đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nói : Tôi đã hủy lệnh oanh kích – vào giờ phút chót hay không mọi người không quan tâm – bởi vì người ta nói với tôi là vụ oanh kích có thể làm cho 150 người Iran thiệt mạng. Tôi nghĩ đó là phản ứng quá mức, nếu chỉ để trả đũa vụ một drone bị bắn hạ. Chưa có một tổng thống Mỹ nào đã nói như vậy. Tại châu Âu và một số nơi trên thế giới, người ta ghét Donald Trump đến mức không thể nghĩ rằng ông ta cũng có tình người. Tôi nói nửa đùa nửa thật, nhưng dù sao đây là vấn đề rất quan trọng bởi vì điều này cho thấy việc tấn công Iran không nhất thiết là mục đích của Donald Trump. Mục đích của Donald Trump là làm cho Iran kiệt quệ và chế độ ở Teheran phải quỳ gối, qua đó, có thể áp đặt một thỏa thuận theo điều kiện của ông ta. Như vậy, các phát biểu của Donald Trump không phải chỉ là diễn kịch, dàn dựng. »

Hôm nay (26/06/2019), Hội Đồng Bảo An họp phiên thường lệ bàn về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân 2015. Đầu tuần, Pháp, Anh, Đức đã tái khẳng định thực hiện toàn bộ các cam kết trong văn bản này. Theo ông, liệu thỏa thuận này còn đứng vững không khi mà Hoa Kỳ muốn xé bỏ, còn Iran trong những ngày tới, sẽ vượt qua ngưỡng mới trong việc từ bỏ các cam kết ?

« Các nước khác đã tham gia ký kết thỏa thuận, trong đó có Pháp, đã có lý khi tuyên bố duy trì thỏa thuận này, bởi vì cho đến nay, Iran hoàn toàn tuân thủ các cam kết. Điều này được Cơ quan Năng lượng Nguyên từ Quốc tế - AIEA – khẳng định. Trong khi đó, tại Washington, phe cứng rắn hy vọng là Iran rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân ngay lập tức. Họ cần điều này để biện minh cho chính sách của họ. Tuy vậy, người ta không thể nào thực hiện một cách đầy đủ thỏa thuận này bởi vì nền kinh tế giới hiện nay được tài chính hóa, đô la hóa và số hóa. Hoa Kỳ có thể dùng nguyên tắc « ngoài lãnh thổ » trong luật pháp của họ để trừng phạt các doanh nghiệp muốn làm ăn với Iran. Cho đến nay, châu Âu và cả thế giới đều không làm gì để phản bác sự áp đặt này. Châu Âu lẽ phải làm. Thế nhưng cả thế giới đều sững sờ, tê dại trước nguy cơ Donald Trump có thể hành động như thế. Do vậy, nói rằng cần duy trì thỏa thuận hạt nhân, về nguyên tắc, là tốt. Nhưng trên thực tế, người ta không thể thực hiện văn bản này.

Người ta có thể hy vọng vào thượng đỉnh G20 trong vài ngày tới tại Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe vừa công du Teheran. Donald Trump có thể không ủy nhiệm, nhưng cũng không ngăn cản ông Abe làm trung gian. Tình hình vùng Vịnh rất quan trọng đối với Nhật Bản vì một phần lớn lượng dầu lửa cung ứng cho Nhật Bản được vận chuyển qua khu vực và eo biển Ormuz. Không loại trừ khả năng là trong cơ chế hoạt động của G20, các trao đổi có thể làm xuất hiện một công thức nào đó cho phép giữ thể diện cho cả Hoa Kỳ và Iran, cho Donald Trump và giới lãnh đạo Iran. Nhưng đó chỉ là vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, cuộc đọ sức giữa hai bên sẽ tiếp tục. Bởi vì trong thâm tâm, nước Mỹ không tha thứ cho chế độ Teheran về vụ bắt người Mỹ làm con tin năm 1979. Nhưng tôi không nghĩ rằng đó là mục đích của Donald Trump. Có thể tôi nhầm vì không có đầy đủ thông tin khả tín. Thế nhưng, ngay cả những người có thông tin này cũng chưa chắc nắm bắt được mọi việc. Do vậy, đây chỉ là một giả thuyết. »

Liệu có lý hay không khi nói rằng cả Mỹ và Iran đều không muốn xẩy ra xung đột quân sự ?

« Tôi nghĩ là ở mỗi bên đều có những kẻ muốn dùng lá bài xung đột quân sự, bởi vì điều này phù hợp với ý đồ phục vụ lợi ích của họ. Tôi xin nhắc lại là ngay từ đầu, phe cứng rắn tại Iran muốn đối đầu với Mỹ. Họ sống được nhờ vào điều này, qua đó, kiểm soát và ngăn cản một xã hội hiện đại tại Iran. Họ cần có một tình hình căng thẳng và nêu ra mối đe dọa, tố cáo Mỹ là đế quốc. Còn tại Washington, cũng có những người tán đồng quan điểm của John Bolton và Mike Pompeo. Như vậy, không phải là cả nước Mỹ, cả nước Iran muốn xẩy ra xung đột. Trong bối cảnh đó, châu Âu và nhất là Pháp cần phải luôn luôn chú tâm theo dõi tình hình để một ngày nào đó, có thể giúp tạo dựng một sự chung sống hòa bình giữa Iran và Ả Rập Xê Út, giữa hai hệ phái Hồi giáo, Shia và Suni. Châu Âu cần gia tăng vai trò của mình và trong thời gian gần đây, Pháp cố gắng làm việc theo hướng này. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.