Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN

Xung khắc Mỹ-Iran dừng lại ở chiến tranh cân não ?

Vụ sáu chiếc tàu dầu trong vòng một tháng bị tấn công ở vùng Vịnh đã làm cho căng thẳng Mỹ-Iran lên tột độ. Trong bối cảnh này, sự kiện máy bay dọ thám tự hành của Mỹ bị Iran bắn rơi càng làm cho nguy cơ chiến tranh đến gần hơn. Theo New York Times, tổng thống Donald Trump đã ký lệnh phản công trước khi đình hoãn vào phút chót. Thay vào đó, chủ nhân Nhà Trắng gửi thông điệp cho giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran kêu gọi đối thoại để tránh chiến tranh. Đây là chiến lược mới hay chiến tranh cân não ?

Lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei trước dàn tên lửa «3 Khordad», dường như đã được dùng để bắn rơi chiếc drone của Mỹ. Ảnh không đề ngày tháng.
Lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei trước dàn tên lửa «3 Khordad», dường như đã được dùng để bắn rơi chiếc drone của Mỹ. Ảnh không đề ngày tháng. Fars news/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của chế độ Cộng hoà Hồi giáo Iran và tổng thống Mỹ Donald Trump đang đánh một nước bài tháu cáy tại vịnh Ba Tư, mà chuyện được thua sẽ ảnh hưởng đến trước tiên là vận mệnh Iran và tiếp đến là kinh tế toàn cầu.

Nếu chiến tranh xảy ra ngay tại Trung Đông thì đó sẽ là điều trớ trêu, vì nhà tỷ phú Donald Trump lúc tranh cử tổng thống đã thề là ông sẽ không bao giờ phiêu lưu vào lò than hồng này.

Nhưng, trong tuần qua, sau vụ tàu dầu bị tấn công, lần thứ hai trong một tháng, Washington cáo buộc Iran là thủ phạm âm mưu tấn công vào quyền lợi nước Mỹ. Cho dù Iran dứt khoát phủ nhận, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường lực lượng, gởi thêm 1000 quân sau khi đưa B52 và hàng không mẫu hạm vào vùng.

Nhìn từ Washington, sách lược gây áp lực để buộc chế độ Hồi giáo Iran từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự là hợp lý, bởi vì hiệp định 2015 chỉ có giá trị đến năm 2025. Trong khi đó Iran tiếp tục phát triển, cải tiến tên lửa tầm trung, tầm xa, các cơ xưởng tinh lọc uranium vẫn hoạt động, tuy không tự do như trường hợp Bắc Triều Tiên.

Vấn đề thứ nhất là cho đến nay, các biện pháp trừng phạt, bao vây kinh tế khiến các tập đoàn nước ngoài bỏ Iran, làm kinh tế khó khăn, nhưng chế độ Iran vẫn không sụp đổ như phe diều hâu tiên liệu.

Vấn đề thứ hai, là chiến thuật của tổng thống Donald Trump không còn là một bí mật. Đối với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Venezuela, nhà tỷ phú Mỹ chỉ có một bài bản : hăm he, dọa nạt, rồi đưa ra những yêu sách tối đa kèm theo đòn chiến tranh cân não, cuối cùng là tuyên bố « sẽ đánh », nếu đối phương không đáp ứng.

Thông tin của New York Times về « lệnh hành quân » ngưng lại vào giờ chót cũng như tin riêng của Reuters về « thông điệp » gởi Ayatollah Iran trong đêm thứ năm 20/06 cũng theo chiều hướng này : diễu võ dương oai nhưng không có hành động tương xứng đi kèm.

Trong tình thế nóng bỏng hiện nay, chỉ có Israrel, qua tuyên bố của thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhiệt tình ủng hộ một giải pháp triệt để nhằm tiêu diệt tiềm năng hạt nhân của Iran.

Nhìn từ châu Âu, tuy cũng lo ngại vũ khí Iran và chiến tranh, giới chính trị và phân tích thời sự có một quan điểm trung dung hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong một phản ứng « nóng » vào đêm hôm qua tại Bruxelles, kêu gọi Iran và Mỹ bình tĩnh.

Trên đài phát thanh RTL, nhà bình luận Philippe Corbé cũng cho rằng tổng thống Mỹ sử dụng ngôn ngữ nước đôi chứ không muốn đánh.

Muốn đàm phán trong thế mạnh

Trên thực tế, Donald Trump muốn Iran ngồi vào bàn thương thuyết trong thế yếu, và ông muốn trực tiếp đàm phán với Ayatollah một hiệp ước hoà bình trong thế mạnh.

Nhưng đây mới là phương trình nát óc cho chủ nhân Nhà Trắng : nếu giáo chủ Iran từ chối thì sao ? Ali Khamenei đã nói là Donald Trump không phải là người đáng tin cậy. Còn nếu giáo chủ chấp nhận « lời mời » như lãnh đạo Bắc Triều Tiên rồi đặt điều kiện cứng rắn, tổng thống Donald Trump sẽ đối phó ra sao ?

Tổng thống thứ 45 của Mỹ không phải là một người thích can thiệp quân sự. Khác với bốn vị tổng thống tiền nhiệm, dù Cộng hoà hay Dân chủ, tất cả đều dám động binh, khi Donald Trump đã ứng cử với lời hứa đem quân về nước.

Đó là lý do mà chỉ vài giờ sau khi dọa đánh, ông đấu dịu. Vấn đề là chiến tranh cân não, nếu không khéo, có thể làm đối phương hiểu lầm, đưa đến hệ quả bất ngờ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.