Vào nội dung chính
HOA KỲ - DONALD TRUMP

Bầu tổng thống Mỹ 2020 : Bốn lợi thế của Trump

Ngày 18/06/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Các cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đều đưa ra kết quả bất lợi cho ông, một vị tổng thống gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ, theo bình luận của giới quan sát.

Ngày 18/06/2019, tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ, Donald Trump chính thức thông báo khởi động chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai
Ngày 18/06/2019, tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ, Donald Trump chính thức thông báo khởi động chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Tuy nhiên, từ nay đến lúc bỏ phiếu, gió có thể đổi chiều và giúp cho ông Trump tránh đi vào lịch sử Hoa Kỳ với tư cách là tổng thống chỉ một nhiệm kỳ.

Theo hãng tin Pháp AFP, chủ nhân Nhà Trắng có bốn lợi thế trong tay để đánh cược vào việc tái đắc cử.

1/ Cơ chế bầu đại cử tri

Hệ thống bầu cử của Mỹ cho phép một ứng viên có thể đắc cử tổng thống với số phiếu tính theo đầu cử tri ít hơn đối thủ bởi vì người dân bầu đại cử tri và các đại cử tri này bầu tổng thống. Số đại cử tri tùy thuộc vào từng tiểu bang. Kết quả bầu đại cử tri thông thường trùng hợp với bầu tổng thống. Nhưng cũng có những ngoại lệ và đó là trường hợp bầu tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong cuộc bầu cử 2016, Hillary Clinton đã thua cho dù tính trên toàn quốc bà có nhiều hơn đối thủ Donald Trump gần 2,9 triệu phiếu. Ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng vì đã thắng tại các tiểu bang quan trọng và đã có được 304 đại cử tri ủng hộ, trong khi bà Clinton chỉ có 227. Nhà tỉ phú địa ốc đã « thuyết phục » được tiểu bang Winsconsin, Florida, Iowa, Michigan, Ohio và Pennsylvania ngả theo phe Cộng Hòa.

Liệu lịch sử có lặp lại vào năm 2020 không ? Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều khẳng định là không và cho thấy Donald Trump đang bị thua điểm tại một số tiểu bang quan trọng. Thế nhưng, chưa có gì chắc chắn cả. Xin nhắc lại là đa số các cuộc điều tra dư luận ngay trước cuộc bỏ phiếu năm 2016 đều đưa ra kết quả sai lệch.

2/ Liệu cử tri trung thành sẽ ý thức được lâm nguy và ồ ạt bỏ phiếu cho Trump ?

Theo các số liệu do website FiveThirtyEight tập hợp, Donald Trump có tỉ lệ được lòng dân hiện ở mức thấp nhất so với những người tiền nhiệm, kể từ 40 năm qua – ngoại trừ trường hợp tổng thống đảng Dân Chủ Jimmy Carter.

Vẫn theo các cuộc thăm dò, hai năm sau khi Donald Trump vào Nhà Trắng, khoảng 53% số người được hỏi không ủng hộ ông ; tỉ lệ ủng hộ là 42%. Vào cùng thời điểm này, tức là khoảng một năm rưỡi trước khi có bầu cử tổng thống, tỉ lệ được lòng dân của Barack Obama là 47,5%.

Tuy nhiên, Donald Trump lại được tới 87% cử tri đảng Cộng Hòa ủng hộ, theo điều tra của viện Gallup và con số này thường xuyên dao động xung quanh 90%.

Sự trung thành này có thể giúp Donald Trump vượt lên trên đối thủ nếu tất cả các cử tri vốn trung thành với ông nhất loạt bỏ phiếu cho ông và nếu đương kim tổng thống Mỹ thuyết thục được một bộ phận cử tri còn lưỡng lực.

3/ Bộ máy vận động tranh cử hùng hậu và hiệu quả

Trong quá khứ, Donald Trump đã vài lần « ngẫu hứng » tuyên bố muốn ra tranh cử tổng thống mà không có chuẩn bị và ông đã thất bại, phải rút lui.

Để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu năm 2016, Donald Trump đã lập « bộ máy tranh cử » hùng hậu, quy tụ các chuyên gia lão luyện, với ngân sách 40 triệu đô la và áp dụng chiến lược vận động sắc bén, hiệu quả trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng ủng hộ viên sẵn sàng gõ cửa nhà từng cử tri để tuyên truyền thuyết phục bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa. Giờ đây, « bộ máy tranh cử » của Trump được củng cố thêm lực lượng bởi vì trong ba năm qua, hàng trăm ngàn người đã tham dự các cuộc mít tinh trên toàn nước Mỹ, với khẩu hiệu « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại ». Điều này đã giúp cho nhóm cộng sự của Trump thu thập thêm hàng trăm ngàn dữ liệu, thông tin cá nhân những « cảm tình viên » này và họ sẵn sàng lao vào « cuộc chiến ».

4/ Đối thủ bên đảng Dân Chủ

Khi chính thức tuyên bố ra tranh cử nhiệm kỳ 2, tổng thống Donald Trump chưa biết cụ thể ai là đối thủ bởi vì hiện có tới 23 ứng viên trong vòng bầu sơ bộ bên trong đảng Dân Chủ. Trong khi chờ đợi, Donald Trump « bắn tứ phía ».

Theo các thăm dò, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden có thể là ứng viên của đảng Dân Chủ. Trong trường hợp này, Donald Trump sẽ « báo động » là nước Mỹ có nguy cơ thụt lùi, quay về quá khứ, rằng ông vẫn là người « ngoài hệ thống », như trước năm 2016.

Nếu đối thủ của Trump là bà thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, hiện tỉ lệ được lòng dân đang lên cao, theo các thăm dò, thì đương kim tổng thống Mỹ sẽ phải thay đổi chiến lược và cáo buộc phe Dân Chủ là những người theo « chủ nghĩa xã hội ». Mục đích là làm cho các cử tri ôn hòa hoảng sợ và qua đó, bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa của Trump.

Sự chờ đợi này mang lại lợi thế cho Trump : Trong lúc phe Dân Chủ « cắn xé » nhau trong cuộc bầu cử sơ bộ, Trump có thể tiếp tục vận động tranh cử, « kích động » tinh thần đội ngũ ủng hộ viên và gia tăng quyên góp tài chính.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.