Vào nội dung chính
SCOTLAND - ANH

Scotland lại chuẩn bị trưng cầu dân ý về độc lập với Anh Quốc

Liệu Scotland có chia tay với Anh Quốc vì Brexit hay không ? Ngày 29/05/2019, Edinburgh ban hành một đạo luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý trước năm 2021 về khả năng tách rời khỏi nước Anh.

Thủ hiến xứ Scotland Nicola Sturgeon phát biểu trước Nghị Viện về Brexit và cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về độc lập với Anh Quốc, ngày 24/04/2019.
Thủ hiến xứ Scotland Nicola Sturgeon phát biểu trước Nghị Viện về Brexit và cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về độc lập với Anh Quốc, ngày 24/04/2019. ANDY BUCHANAN / AFP
Quảng cáo

Nếu cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra, đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 5 năm, người dân xứ Scotland được tham khảo ý kiến về hồ sơ nhậy cảm này. Lần đầu tiên là vào năm 2014, khi đó 55% những người đi bỏ phiếu chống lại việc tách rời khỏi Anh Quốc. Nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, đã có hơn 60% cử tri Scotland đòi ở lại trong đại gia đình châu Âu, trái với nguyện vọng của đa số cử tri Anh đòi Brexit. Thủ hiến xứ Scotland, Nicola Sturgeon chủ trương ở lại Liên Âu.

Đối với bà Nicola Sturgeon, không thể bắt người dân Scotland hứng chịu một tương lai mà năm 2016 họ đã mạnh mẽ bác bỏ. Khi đó hơn 60% cử tri Scotland đòi ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Các diễn biến từ nhiều tháng qua đều cho thấy nữ thủ hiến Scotland có cơ sở để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc nên hay không tách rời xứ này ra khỏi Anh Quốc.

Thứ nhất là vì thất bại trên hồ sơ Brexit mà thủ tướng Anh Quốc Theresa May đã phải tuyên bố sẽ sớm từ chức. Thứ nhì là kết quả cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua đã củng cố thêm cho lập trường của Edinburgh. Đảng của nữ thủ hiến Sturgeon có chủ trương tách rời khỏi Anh Quốc đã về đầu với 38% số phiếu. Nhờ vậy, đảng này sẽ có ba nghị viên châu Âu.

Đối với bà Nicola Sturgeon, thông điệp đã quá rõ ràng. Với đa số cử tri ủng hộ phe đòi độc lập, người dân Scotland chứng minh rằng họ rất gắn bó với châu Âu và muốn tách rời khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh.

Sau khi đã thông qua đạo luật mới cho phép tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý, bà Sturgeon còn phải vượt qua được một trở ngại quan trọng. Đó là văn bản này phải được chính quyền Luân Đôn chấp thuận. Đến nay, thủ tướng Theresa May luôn từ chối thỏa mãn đòi hỏi của Edinburgh, nhưng giờ đây, quyết định ấy được đặt trong tay người sẽ lên thay thế bà May.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.