Vào nội dung chính
MÔNG CỔ - BIỂU TÌNH

Hàng ngàn người Mông Cổ biểu tình đòi chính phủ từ chức

Tại Mông Cổ, hàng ngàn người đã xuống đường hôm nay 30/05/2019 ở thủ đô Ulan Bator để phản đối chính phủ, đòi hỏi ban lãnh đạo phải từ chức do tham nhũng và bất lực trong việc vực dậy nền kinh tế.

Hình nhân tượng trưng cho cựu chủ tịch Quốc hội Enkhbold Miyegombo trong cuộc biểu tình đòi giới lãnh đạo từ chức, tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 30/05/2019.
Hình nhân tượng trưng cho cựu chủ tịch Quốc hội Enkhbold Miyegombo trong cuộc biểu tình đòi giới lãnh đạo từ chức, tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 30/05/2019. REUTERS/B. Rentsendorj
Quảng cáo

Người biểu tình hô vang « Từ chức ! Từ chức ». Một số người mang theo các biểu ngữ tố cáo chính phủ đã thất bại trong việc chống tham nhũng và nạn ô nhiễm, để cho nền kinh tế bị trì trệ và y tế công cộng rơi vào khủng hoảng. Những người khác giơ cao những chân dung biếm họa các chính khách quan trọng, và thủ tướng trong trang phục hải tặc.

Một nhà hoạt động hô lớn trong loa phóng thanh : « Dân chúng nghèo khổ và đã mệt mỏi, yêu cầu chính quyền hãy ra đi ». Người này nói với Reuters : « Vật giá tăng như điên, còn lương thì cứ đứng yên một chỗ ».

Quốc gia hẻo lánh nhưng giàu tài nguyên này trước đây từng khoe rằng kinh tế đang lớn mạnh, thu hút hàng tỉ đô la đầu tư. Tuy nhiên những mâu thuẫn với các nhà đầu tư ngoại quốc như Rio Tinto, chi xài quá trớn của chính phủ, nạn trượt giá… đã khiến Mông Cổ rơi vào khủng hoảng năm 2016, và cho đến nay vẫn chưa gượng dậy được.

Ông Tsevegdorj Tuvaan, tổng thư ký đảng Dân Chủ đối lập, một trong các nhà tổ chức cuộc biểu tình cho rằng : « Chính phủ không giữ đúng lời hứa, còn Quốc Hội thì không buộc được chính quyền phải hành động, và như vậy phải chịu trách nhiệm trước dân ».

Chính quyền Mông Cổ hứa sẽ đầu tư lớn vào hạ tầng, phúc lợi và nhà ở qua việc thu hút hàng tỉ đô la đầu tư nước ngoài, nhưng điều này không trở thành hiện thực. Chính phủ hiện do đảng Nhân Dân Mông Cổ nắm, trong khi tổng thống Battulga Khalmaa thuộc đảng Dân Chủ đối lập.

Những chỉ trích có phần lắng xuống sau khi cựu chủ tịch Quốc Hội dính líu vào một xì-căng-đan đã buộc phải từ chức, và hai đảng đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2020.

Mông Cổ sau nhiều năm dài là nước đàn em của Liên Xô cũ, đã chuyển đổi thành chế độ dân chủ nghị viện từ năm 1990.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.