Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nhà soạn nhạc R. Wagner : « Giáo chủ tinh thần » của Hitler và chế độ Đức Quốc Xã ?

Đăng ngày:

Lãnh đạo đảng Quốc Xã từng tuyên bố rằng « ai ham muốn tìm hiểu tư tưởng xã hội dân tộc thì trước hết phải biết đến Wagner ». Cha đẻ tác phẩm « Les Maitres chanteurs de Nuremberg » đã được phe Quốc Xã dễ dàng chấp nhận đến mức nhà văn người Đức Thomas Mann, giải thưởng Nobel văn học năm 1929 cũng phải thốt lên rằng « có quá nhiều Hitler trong Wagner ».

Chân dung nhà soạn nhạc người Đức, Richard Wagner (1813 – 1883) do Pierre Petit thực hiện năm 1861.
Chân dung nhà soạn nhạc người Đức, Richard Wagner (1813 – 1883) do Pierre Petit thực hiện năm 1861. Wikimedia Commons
Quảng cáo

Nếu gõ trên công cụ truy tìm Google, người ta sẽ thấy có ba từ chính thường xuyên gắn liền với tên tuổi của Richard Wagner (1813 – 1883), nhà soạn nhạc người Đức : « opera », « Bayreuth » và nhất là « Hitler ». Âm nhạc của Wagner « lên ngôi » dưới nền cộng hòa Weimar (Đức Quốc Xã) chính là vì chính sách trở về với cội nguồn của chế độ Hitler trước làn sóng du nhập các dòng văn hóa ngoại lai.

Về nguồn

Năm 1918, Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất kết thúc. Nước Đức bại trận, đế chế Phổ sụp đổ. Hòa ước Versailles (1919) và các biện pháp trừng phạt, đối với nước Đức là một đòn sỉ nhục. Thế nhưng, theo nhà lý luận âm nhạc Pascal Huynh, tác giả tập sách « Âm nhạc dưới nền cộng hòa Weimar », trên đài RFI, trong bầu không khí ảm đạm, bi quan đó, xã hội Đức có một sự biến chuyển sâu sắc trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc.

« Trước hết đó là một sự biến chuyển xã hội. Bởi vì đế chế đã sụp đổ, một nền dân chủ mới, một chế độ theo nghị viện hình thành. Đảng Xã Hội-Dân Chủ lên cầm quyền đã thúc đẩy các chính sách văn hóa và âm nhạc. Cũng nên nhớ là từ năm 1918 – 1920, nhiều nhà sư phạm có tiếng, các nhà soạn nhạc, tôi lưu ý là trong lĩnh vực âm nhạc, đã đổ dồn về Berlin, biến thành phố này thành thủ đô lớn của châu Âu. Không phải là Paris, cũng không phải là Vienna, mà là Berlin. »

Berlin trở thành điểm tiên phong, dù rằng trào lưu cách tân đã bắt đầu từ những năm 1910, 1915 tại Vienna, trường phái Vienna… Và dưới sự lãnh đạo của phe Xã Hội – Dân Chủ, đời sống nghệ thuật đã bị chính trị hóa, tạo thành một nét đặc trưng cho xã hội Đức thời bấy giờ.

Nhưng cũng vì sự mở rộng cửa này mà xung khắc xã hội nảy sinh. Với phe bảo thủ Đức, âm nhạc hiện đại ngoại lai nở rộ cùng với sự du nhập nhiều nghệ sĩ nước ngoài chẳng khác gì là một sự suy đồi cả trên bình diện chính trị, đạo đức, lẫn nghệ thuật và thẩm mỹ… Trong các cuộc tranh luận về « suy thoái nghệ thuật », những người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc chủ trương « trở về với cội nguồn », với trường phái cổ điển, mà âm nhạc của Wagner được chế độ Đức Quốc Xã áp đặt như là một hình mẫu.

« Đó đơn giản chỉ là những gì không phù hợp với tinh thần người Đức. Nghĩa là những thứ âm nhạc không khai thác nguồn gốc dân tộc Đức nhất là trong trường phái lãng mạn, như khúc Mở đầu Rienzi chẳng hạn, bởi vì, điều quan trọng đối với Hitler là âm nhạc Đức không cần đến sự sáng tạo, ông ấy hoàn toàn vô cảm với những sáng tạo đương đại. Với Hitler, không có gì cao cả hơn, mạnh mẽ hơn là các di sản.

Mà di sản, trước hết đó là trường phái lãng mạn. Âm nhạc của Đức chính là chủ nghĩa lãng mạn, là quá khứ và đương nhiên là nhạc điệu. Họ phản đối mạnh mẽ những người theo trào lưu tân thời thành Vienna, loại nhạc vô điệu tính, rồi sau đó là loại thập nhị âm. Và đương nhiên, họ chống lại cả xu hướng Mác-xít, nhất là cặp bài trùng Bertond Brecht và Kurt Wein, bị coi là những người tệ hại nhất đối với phe Quốc Xã, đã hoạt động trong lâu đài thiêng liêng của văn hóa Đức. Và cuối cùng là vấn đề người Do Thái bởi vì đây cũng là lập luận trọng tâm trong hệ tư tưởng phe Đức Quốc Xã. »

Âm nhạc và bài Do Thái: Chiếc cầu nối Hitler và Wagner

Có thể nói, dưới thời Đức Quốc Xã, âm nhạc, nhất là những tác phẩm của Wagner đã chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng hơn so với các bộ môn nghệ thuật khác. Chế độ Quốc Xã đã sử dụng toàn bộ các nhạc phẩm Wagner như một công cụ chính trị, trong các buổi trình diễn, các chương trình thời sự trên các kênh truyền thông.

« Đơn giản bởi vì chính bản thân Hitler cũng là người của âm nhạc, một người quan tâm đến âm nhạc, có suy nghĩ về âm nhạc. Ông ta từng thất bại trong hội họa khi còn theo học ở thành Vienna trong những năm 1908-1910. Thế nhưng, rất sớm ông đã đến các nhà hát opera ở Vienna. Ông rất nhạy cảm với cách dàn dựng các vở nhạc kịch của Wagner, từ đó ông quan tâm nhiều đến lễ hội âm nhạc ở Bayreuth sau năm 1933. Hitler biết rất nhiều về âm nhạc. Ông ấy cũng rất thích Anton Bruckner, một nhà soạn nhạc khác rất được chế độ ưa chuộng. »

Trong số các tác phẩm được chế độ Đức Quốc Xã đánh giá cao, cũng phải đến bản nhạc nổi tiếng Carmina Burana của nhà soạn nhà Carl Orff. Lời hát và điệu nhảy dân gian, giai điệu đơn giản hợp với chính sách « về nguồn » của Hitler. Đây được xem như là một trong các hình mẫu cần được phát huy trong lĩnh vực âm nhạc thời bấy giờ.

Dù vậy Wagner vẫn là một trường hợp đặc biệt. Trong nhật ký Mein Kampf, Hitler viết : « Ngay tức thì tôi đã bị chinh phục. Sự hâm mộ của tôi dành cho vị chủ nhân Bayreuth là vô tận ». Lòng ngưỡng mộ này đã được thể hiện ngay từ khi Hitler mới 12 tuổi.

« Cũng giống như trong khúc mở đầu Rienzi. Hitler thật sự bị ấn tượng bởi một trong những chuỗi trường thoại trong nhạc kịch, Salut a toi, tribun du peuple. Để rồi sau này, trong suốt sự nghiệp chính trị, ông ấy vẫn luôn dựa vào vở nhạc kịch và chuỗi trường thoại nổi tiếng đó. Bởi vì, mục tiêu của Hitler không chỉ mang tính chính trị mà cả về mỹ thuật. Ông tự đặt mình trong sự tiếp nối với các nhân vật lịch sử nước Đức như Bismarck (thủ tướng Phổ giai đoạn 1862 – 1890), Frederic II (Vua nước Phổ 1712 – 1786) và Wagner. Và nhất là Wagner luôn nằm trong số những nhân vật nổi tiếng đó »

Wagner ra đi năm 1883, còn Hitler ra đời năm 1889, tuy chưa một lần gặp mặt nhưng Hitler biết đến Wagner thông qua âm nhạc, để rồi từ đó hình thành một mối quan hệ chặt chẽ với gia đình Wagner sau này. Tuy nhiên, giữa hai nhân vật còn có một điểm chung không kém phần quan trọng : Tư tưởng bài Do Thái.

Trong một tiểu luận đăng vào năm 1869, R. Wagner viết rằng các nhà soạn nhạc gốc Do Thái chỉ có thể bắt chước văn hóa của những nước mà họ sinh sống và họ là một mối nguy cho văn hóa quốc gia.

Nhìn từ điểm này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Wagner dường như đã góp phần hình thành hệ tư tưởng cho chính bản thân Hitler. Tuy nhiên, nhà lý luận âm nhạc Pascal Huynh lưu ý rằng nên đặt những dòng chữ này trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Wagner với Meyerbeer, một nhà soạn nhạc gốc Do Thái.

Chính vì điểm này mà toàn bộ các tác phẩm của Wagner bị tẩy chay tại Israel. Dẫu sao thì âm nhạc cũng giống như một liều thuốc « tiên », xóa tan những tranh cãi đôi khi phù phiếm. Bản nhạc La chevauchée des Walkyries nổi tiếng, thường được chế độ Hitler sử dụng trong các chương trình tường thuật chiến sự, không vì thế mà bị giới nghệ sĩ tẩy chay, và vẫn được chọn làm nhạc phim chính cho bộ phim « Apocalypse Now ! » do đạo diễn người Mỹ Francis Ford Coppola dàn dựng và phát hành năm 1979.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.