Vào nội dung chính
ANH - EU - BREXIT

Anh Quốc : Ai sẽ thay thế thủ tướng Theresa May?

Ngay sau khi bà Theresa May thông báo từ chức thủ tướng hôm 24/05/2019, đã có khoảng 20 dân biểu lao vào tranh chức chủ tịch đảng Bảo Thủ và trở thành thủ tướng tại vương quốc Anh.

Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người chủ trường "Brexit cứng", có nhiều triển vọng thay thế thủ tướng Theresa May. Ảnh chụp ngày 18/01/2019.
Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người chủ trường "Brexit cứng", có nhiều triển vọng thay thế thủ tướng Theresa May. Ảnh chụp ngày 18/01/2019. REUTERS/Andrew Yates
Quảng cáo

Sáng 25/05, bộ trưởng Y Tế Matt Hancock cho biết sẵn sàng thay thế bà Theresa May. Ông là ứng viên thứ năm trong cuộc chạy đua vào số 10 Downing Street. Trong cuộc chạy đua này, cựu ngoại trưởng Boris Johnson, người có lập trường cứng rắn về Brexit, đang dẫn đầu.

Thông tín viên Muriel Delcroix từ Luân Đôn giải thích :

« Những giọt nước mắt của Theresa May không khiến các thành viên trong đảng mủi lòng. Có gần 20 dân biểu thuộc đảng Bảo Thủ không che giấu ý định ra thay thế bà. Đứng đầu trong số đó là nhiều bộ trưởng trong nội các Theresa May, kể cả những người trung thành với bà nhất .

Danh sách các ứng viên tương đối cân bằng về tỷ lệ nam-nữ, nhưng phần lớn là những người chủ trương Brexit. Khác biệt ở đây chỉ là họ cứng rắn nhiều hay ít trên vấn đề này mà thôi.

Các ứng viên ra tranh chức chủ tịch đảng có một mẫu số chung : Ít được công chúng biết đến và cũng không có nhiều kinh nghiệm, cá tính không quá mạnh, ngoại trừ ba trường hợp.

Trước hết là đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt, người mà trước đây chủ trương nước Anh phải ở lại trong Liên Âu. Ngay từ tối qua (24/05), ông tuyên bố cực lực bảo vệ kế hoạch Brexit và thậm chí còn so sánh Liên Hiệp Châu Âu với Liên Xô xưa kia.

Người thứ nhì muốn ngồi vào chiếc ghế thủ tướng của Theresa May là bộ trưởng Môi Trường Michael Gove, một chính khách đầy thủ đoạn, từ lâu đã kiên nhẫn đứng trong bóng tối chờ cơ hội. Ngay từ đầu, Gove đứng về phe Brexit và là một trong những nhân vật then chốt, cùng với Boris Johnson, đem lại chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016. Nhưng cũng chính ông Gove đã phản bội Johnson khi đảng tìm người thay thế thủ tướng David Cameron.

Trường hợp thứ ba là Boris Johnson. Hiện tại, ông này được coi là có nhiều triển vọng hơn cả. Vốn chủ trương nước Anh không cần đạt được thỏa thuận với Bruxelles về Brexit, từ hôm qua, ông đã thông báo ra tranh chức chủ tịch đảng. Tuy nhiên, con đường vào phủ thủ tướng Anh của Johnson đầy chông gai, bởi vì tuy là gần gũi với tầng lớp đảng viên nòng cốt, Boris Johnson lại có khá nhiều địch thủ nặng ký, nhiều người trong số này sẽ chơi trò thọc gậy bánh xe ».

Liên Hiệp Châu Âu sẽ không nhân nhượng với tân nội các Anh

Các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhanh chóng phản ứng sau khi thủ tướng Anh Theresa May thông báo chính thức rời khỏi chính phủ ngày 07/06/2019. Tuy nhiên, Bruxelles khẳng định giữ nguyên lập trường về thỏa thuận Brexit, dù có thể xảy ra đối đầu căng thẳng với tân nội các Anh.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet giải thích :

« Các nước Liên Hiệp Châu Âu không tỏ ra xúc động mà cũng chẳng hào hứng. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tôn trọng quyết định của thủ tướng Anh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh tinh thần dũng cảm của bà Theresa May. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng phát biểu tương tự.

Nhưng Ủy Ban Châu Âu cũng nói ngay là quyết định của bà May không làm thay đổi được điều gì. Đối với Ủy Ban, cũng như đối với thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, thỏa thuận Brexit đạt được với Anh Quốc vẫn nằm trên bàn. Và ngoại trưởng Ailen Simon Coveney báo trước với người kế nhiệm bà Theresa May rằng đừng hy vọng vào một cuộc đàm phán mới.

Chính phủ Tây Ban Nha tỏ ra bi quan hơn và không thấy giải pháp nào khác, ngoài khả năng Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận (No deal). Đây cũng là kịch bản mà 27 thành viên còn lại lo ngại nhất. Đối với Madrid, cũng như nhiều chính phủ khác, kịch bản xấu nhất này hoàn toàn do lỗi của chính phủ và Nghị Viện Anh.

Dù với khả năng « Brexit cứng », nhiều nước vẫn tin rằng thỏa thuận với Anh Quốc chưa chết, mà chỉ được tạm gác lại, vì ngày nào mà Luân Đôn muốn bắt đầu các cuộc đàm phán thiết lập quan hệ thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, chính phủ Anh sẽ phải tuân theo những điều khoản được ấn định trong thỏa thuận Brexit ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.