Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - BẦU CỬ

Bầu cử châu Âu : Sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn

Chủ đề bao trùm các báo Pháp ngày 24/05/2019 là bầu cử. Châu Âu bầu lại Nghị Viện. Còn tại châu Á, cuộc bầu cử ở Ấn Độ vừa khép lại với chiến thắng của đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP. Trong khi ở châu Âu, người ta đang lo ngại tỷ lệ đi bầu thấp, làn sóng dân túy cực hữu lên cao. Ở ngoài châu Âu, cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang được nhiều nước để ý, đặc biệt là các nước lớn.

Lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu trước trụ sở Ủy Ban Châu Âu.
Lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu trước trụ sở Ủy Ban Châu Âu. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Với hàng tựa lớn trang nhất : « Cuộc bỏ phiếu châu Âu, thách thức tầm thế giới », nhật báo Công giáo La Croix tập trung phản ánh mối quan tâm của các nước lớn, Mỹ, Nga, Trung Quốc vào cuộc bầu cử lần này, trong bối cảnh làn sóng dân túy dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang dâng cao.

Trước hết nhìn từ Mỹ. Thường thì dư luận Mỹ không mấy khi quan tâm đến bầu cử ở châu Âu, thế nhưng kỳ bầu cử này lại được người Mỹ rất chú ý, ít ra là trong phạm vi của chính quyền Washington. Theo chuyên gia Charles Kupchan, chuyên gia về châu Âu tại trung tâm tư vấn Council on Foreign Relation, trụ sở tại Wasington: « Chưa bao giờ lại có nhiều quan tâm đến thế. Ngày nào các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ cũng nói về bầu cử châu Âu ».

La Croix ghi nhận kỳ bầu cử châu Âu lần này đánh dấu bằng việc các đảng dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang lên mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận. Vì thế mà cuộc bầu cử châu Âu được người đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương nhìn nhận như là chiếc hàn thử biểu đo ý tưởng bảo thủ hiện đang được chủ nhân Nhà Trắng bảo vệ.

Sự kiện nhân vật Steve Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Trump, mới đây đích thân đến châu Âu vận động cho các đảng cực hữu cũng là vì lợi ích Mỹ, tờ báo nhấn mạnh.

Chuyên gia Kupchan giải thích : « Donald Trump và những người hoài nghi châu Âu cùng chung quan điểm về nước Nga, hôn nhân đồng giới, Hồi giáo và nhập cư. Ông ta nghĩ rằng châu Âu bị thống trị bởi những người chủ trương tự do và những thành phần quan liêu không hiểu về bản sắc dân tộc. Donald Trump thiên về các dân tộc da trắng và Thiên Chúa giáo ».

La Croix ghi nhận, từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ, tổng thống Donald Trump đã gây xáo động cả thế giới, trong đó có quan hệ với châu Âu. Nicholas Dungan, nhà nghiên cứu thuộc Atlantic Council nhận định : « Châu Âu càng suy yếu, lộn xộn và mất đoàn kết bao nhiêu thì càng khó thực thi quyền lực. Dưới quan điểm của người luôn kêu gào « Nước Mỹ trước tiên » thì như thế tốt hơn. Ông ta không muốn thấy một sức mạnh có tổ chức trước mặt ông ».

Còn chuyên gia Charles Kupchan kết cho rằng nếu các trào lưu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và mị dân thắng thế ở châu Âu thì điều đó càng có lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Trung Quốc : Phe nào cũng chơi, dân túy càng hay

Còn Trung Quốc, sự quan tâm đến châu Âu lúc này cũng không hề kém Mỹ dù có phần kín đáo hơn. Theo ghi nhận của La Croix : « Trước một châu Âu chia rẽ xung quanh dự án con đường tơ lụa mới, Trung Quốc không giấu chiến lược ủng hộ các lãnh tụ dân túy. Tuy nhiên, Trung Quốc thích nghi với mọi kịch bản miễn sao tìm được lợi ích của mình trong đó ».

Quan điểm ngoại giao chính thức thì luôn tỏ ra ủng hộ một châu Âu thống nhất, nhưng thực tế, Bắc Kinh không ngừng tạo mâu thuẫn trong nội bộ châu Âu để dễ dàng cắm chân vào lục địa này, La Croix nhận định.

Câu hỏi được đặt ra : Đâu là lợi ích của Trung Quốc ở châu Âu ? Chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung tâm châu Á của Pháp, được tờ báo trích dẫn nhận định : « Với Trung Quốc, châu Âu không được quá mạnh để có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của họ, vì thế Bắc Kinh từ nhiều năm qua tìm cách để chia rẽ châu Âu » và họ ít nhiều đã thành công. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ hiện nay, thì mối quan tâm đến châu Âu của Bắc Kinh càng lớn.

Matxcơva hy vọng Nghị Viện mới của châu Âu bớt ghét Nga

Nhìn sang nước Nga, dù truyền thông tỏ ra hờ hững nhưng ở thượng tầng chính quyền, Kremlin lại theo dõi rất sát cuộc bầu cử châu Âu.

Lý do : « Sau cuộc bầu cử Nghị Viện là đến bầu lại Ủy Ban Châu Âu. Chính quyền Nga hy vọng các ủy viên châu Âu mới sẽ cởi mở, các nghị sĩ châu Âu đỡ chống Nga hơn những người cũ ».

Mặc dù căng thẳng ngoại giao với Nga, nhưng Liên Âu vẫn là đối tác thương mại chính của Nga, nhập 40% hàng xuất khẩu của châu Âu. Ngược lại, Nga là nguồn cung cấp khí đốt chính của Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời là đối tác kinh tế đứng hàng thứ 4 của châu Âu, sau Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ.

Tuy nhiên các phong trào, đảng phái dân túy, cực hữu ở khắp châu Âu, từ Hungary qua Áo, Ý đến Pháp đều được cho là thân Matxcơva.

Châu Âu đã làm được gì trong nhiệm kỳ qua ?

Vẫn liên quan đến châu Âu, Le Figaro nhìn lại một số công việc mà Liên Hiệp Châu Âu đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua với câu hỏi : Châu Âu có bảo vệ được cư dân mạng trước sự thao túng của Gafa ?

Le Figaro ghi nhận trong 5 năm, châu Âu đã không ngừng nghỉ tìm cách tự khẳng định mình trong lĩnh vực công nghệ số. Ủy Ban Châu Âu dưới thời ông Juncker đã đề xuất 30 văn kiện trong đó có 28 đã được thông qua. Đó là các biện pháp liên quan từ quyền của người tiêu dùng đến quyền tác giả, hay thương mại điện tử, xóa cước phí chuyển vùng viễn thông trong các nước thành viên…. Tất cả các văn bản đó nằm trong quyết sách biến 28 nước thành viên thành một thị trường số hóa đồng bộ và để chống lại sự thống trị của Mỹ với đại diện là nhóm Gafa, 4 ông lớn internet : Google, Amazon, Facebook và Apple. Đối phó với 4 tác nhân lĩnh vực công nghệ số có tiềm lực mạnh không kém nhiều quốc gia, nắm trong tay hơn 3000 tỷ đô la, Bruxelles đã có nhiều quyết định can đảm như truy thuế của Apple 13 tỷ đô la, phạt Google hơn 6 tỷ euro vì vi phạm luật cạnh tranh hay phạt Facebook hơn 100 triệu cũng vì độc quyền. Từ nay đến cuối tháng 10 dự kiến Ủy Ban Châu Âu còn phải tuyên phạt nốt Amazon.

Nỗ lực tự bảo vệ của châu Âu được ghi nhận là có kết quả, tuy nhiên Liên Âu vẫn loay hoay không thể làm xuất hiện những nhà mạng khổng lồ của riêng mình ?

Ấn Độ tiếp tục với phe dân tộc Hindu

Chuyển qua Ấn Độ với kết quả cuộc bầu cử kéo dài cả tháng trời, vừa có kết quả hôm 23/05/2019, đảng cầm quyền của thủ tướng Modi tiếp tục chiến thắng.

Nhật báo Libération nhận xét, đảng của thủ tướng Narendra Modi đã giành đa số ở Quốc Hội, lần thứ 2 liên tiếp, bất chấp tình hình kinh tế đất nước tồi tệ.

Thành công đó là nhờ vào chiến dịch vận động tranh cử của đảng cầm quyền BJP tập trung khai thách chia rẽ tôn giáo, thổi phồng đe dọa khủng bố.

Nhiều nhà quan sát chính trị Ấn Độ bình luận : « Chiến thắng này cho thấy ở Ấn Độ, từ giờ người ra có thể thắng trong một cuộc bầu cử lớn mà không cần có một kết quả kinh tế tốt ». Ấn Độ giờ đây cũng giống như ở nhiều nước trên thế giới, cử tri dễ dàng lắng nghe những giọng điệu dân túy mị dân dựa chủ yếu vào nỗi hoang mang về an ninh, nhập cư, tinh thần dân tộc của người dân.

Nhân sự kiện này, Libération cũng có một bài dài mô tả chân dung vị thủ lĩnh của phe dân tộc chủ nghĩa Hindu, Narendra Modi, có tựa đề « Từ một người bán trà đến sự sùng bái cá nhân ». Bài báo cho thấy thủ tướng Ấn Độ, một người xuất thân trong một gia đình thuộc giai tầng thấp của xã hội, nhưng với tài hùng biện dân túy tuyệt đỉnh, biết tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông hiện đại ông đã thuyết phục được dân chúng cho dù những hứa hẹn của ông hầu như chỉ là hứa suông.

Botswana : Voi châu Phi bị đe dọa trở lại

Liên quan đến môi trường, le Figaro loan tin : « Botswana bỏ lệnh cấm săn voi ». Tờ báo cho biết trong một bối cảnh chính trị đặc biệt, Botswana vừa quyết định bỏ lệnh cấm săn voi trên đất nước ở miền nam châu Phi. Voi là loài động vật nằm trong số những loài bị đe dọa diệt chủng bởi nạn săn bắt lấy sừng. Năm 1970 châu Phi có khoảng hơn 1 triệu con voi, đến nay chỉ còn 415 nghìn con. Riêng Botswana còn khoảng 130 nghìn con. Quyết định trên của Botswana gây bất ngờ là vì từ lâu nay, đất nước này vẫn luôn là tấm gương trong cuộc chiến chống săn bắt voi. Lý do được chính phủ Botswana đưa ra là vì quần thể voi tập trung quá đông gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.