Vào nội dung chính
BẦU CỬ NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU

Nghị Viện Châu Âu : « Cỗ máy ngốn tiền » của Liên Hiệp ?

Kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu diễn ra từ ngày hôm nay 23/05 đến hết Chủ Nhật 26/05/2019, tùy theo từng nước thành viên.

Một phiên họp của Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 17/04/2019.  
Một phiên họp của Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 17/04/2019.   FREDERICK FLORIN / AFP
Quảng cáo

Trong những ngày này, Nghị Viện Châu Âu là đề tài được nhắc đến nhiều trên truyền thông Pháp. Đây là dịp để nhìn nhận lại về vai trò, tổ chức, cơ cấu hoạt động, và đương nhiên là cả « chuyện chi tiêu tốn kém » của định chế này. Báo Le Monde ngày 16/05/2019 có bài viết « Nghị Viện Châu Âu quá tốn kém ».

Ngân sách hàng năm của Nghị Viện Châu Âu là bao nhiêu?

Theo dự báo, ngân sách của Nghị Viện Châu Âu cho năm 2020 sẽ vượt quá 2,5 tỉ euro. Chi phí cho các nghị sĩ hoạt động dự kiến tăng 2,68%, lên thành 2,5 triệu euro/người/năm. Trong khi đó, tại Hạ Viện Pháp, ngân sách cấp cho mỗi dân biểu là dưới 1 triệu euro/năm.

Tại sao ngân sách dành cho Nghị Viện Châu Âu lại cao đến như vậy ?

Có rất nhiều lý do khách quan dẫn đến việc Nghị Viện Châu Âu được hưởng ngân sách cao đến khó tin như vậy.

Thứ nhất là ngoài trụ sở chính tại Strasbourg, Pháp, Nghị Viện còn có một trụ sở đồ sộ tại Bruxelles, nơi diễn ra phiên họp của các Ủy ban. Việc đi lại giữa Strasbourg, Pháp và Bruxelles, Bỉ đương nhiên là rất tốn kém. Khi có các phiên toàn thể, tất cả các nghị sĩ, một phần trợ lý của họ và nhiều công chức phải tham gia và lưu lại khách sạn 3 đêm. Theo báo cáo năm 2014 của Thẩm Kế viện châu Âu, riêng khoản chi cho các khách sạn ở Strasbourg đã « ngốn » của Nghị Viện Châu Âu tới 114 triệu euro/năm.

Ngoài ra, Nghị Viện cũng tốn thêm 3,6 triệu euro tiền thuê tàu Thalys chở các nghị sĩ (năm 2017) và 260.000 euro tiền vận chuyển tài liệu giấy tờ đến Strasbourg. Nghị Viện cũng mới nâng mức trần phụ cấp lên thành 180 euro/đêm khách sạn cho một quan chức Nghị Viện đến họp tại trụ sở Strasbourg.

Đó là chưa kể đến việc văn phòng của Ban thư ký Nghị Viện lại đặt tại … Luxembourg. Mới đây, tòa nhà Konrad-Adenauer này đã được tu sửa với chi phí lên tới 432 triệu euro, tăng 115 triệu euro so với dự toán ban đầu. Các nghị sĩ châu Âu có quyền làm việc bằng ngôn ngữ của quốc gia mình, nên Ban thư ký Nghị Viện phải duy trì « bộ máy » biên phiên dịch bằng 24 ngôn ngữ chính thức. Chi phí dịch thuật không hề rẻ : Dịch mỗi trang tài liệu mất khoảng 145 euro, còn tiền thù lao cho phiên dịch là khoảng 270-311 euro/giờ.

Các nghị sĩ châu Âu được hưởng lương như thế nào ?

Tốn kém nhất cho Nghị Viện vẫn là khoản trả lương cho 751 nghị sĩ : ngoài tiền lương 6.825 euro/tháng sau khi đã trừ các khoản đóng góp xã hội, các nghị sĩ còn được hưởng phụ cấp 320 euro mỗi ngày đi họp. Ngoài tiền tàu xe khi đi công tác, mỗi nghị sĩ còn được cấp thêm 4.513 euro/tháng tiền phụ phí cho các hoạt động với tư cách nghị viên và gần 25.000 euro/tháng để trả lương cho các trợ lý. Con số này cao gấp đôi so với tiêu chuẩn mà một dân biểu được hưởng tại Pháp.

Nghị Viện Châu Âu không chỉ có 751 nghị sĩ, mà còn có thêm 338 quan chức. Lương tháng trước khi trừ các khoản đóng góp xã hội của các quan chức này dao động trong khoảng 14 546 - 20 219 euro, cao ngang, thậm chí là hơn cả lương của tổng thống Pháp (15 140 euro/tháng). Đó là chưa kể đến các khoản trợ cấp « hào phóng » cho gia đình các quan chức hoặc tiền hỗ trợ khác.

Tính tổng cộng, số người làm việc cho Nghị Viện và được trả lương là 7.698 người (kể cả những người ký hợp đồng sự vụ), tất cả đều được hưởng mức lương rất cao. Riêng trong năm 2017, định chế này đã tuyển dụng thêm 116 lái xe. Theo tính toán của cơ quan thống kê Eurostat của Liên Hiệp Châu Âu, vào năm 2020, khoản ngân sách của Nghị Viện để trả lương nhân viên, công chức, nghị sĩ … sẽ còn tăng thêm 6% so với năm 2019.

Việc chi tiêu của Nghị Viện Châu Âu có minh bạch hay không ? Có nhiều nghị sĩ dính vào tai tiếng về thu nhập, chi phí thuê trợ lý … ?

Nghị sĩ châu Âu Max Anderson là dân biểu Đảng Xanh của Thụy Điển. Ông cho biết là chuyện chi tiêu giữa Nghị Viện Thụy Điển và Nghị Viện Châu Âu khác nhau « một trời, một vực ». Ở trong nước, là dân biểu, ông chỉ thuê trợ lý làm việc 4 tiếng mỗi tuần, nhưng ở Nghị Viện Châu Âu, ông có 5 trợ lý làm việc toàn bộ thời gian.

Trong năm 2017, có nhiều nghị sĩ châu Âu tại các nước Đông Âu thậm chí còn thuê tới 10 trợ lý trong nước. Le Monde ví các nghị sĩ này như « ông chủ của các công ty vừa và nhỏ ». Nhiều nghị sĩ còn bị tố cáo là đã đòi các trợ lý hoàn lại cho họ lại một phần lương.

Theo quy định, các nghị viên châu Âu không được thuê các thành viên trong gia đình làm trợ lý. Nhưng trên thực tế, hầu như không cơ quan, tổ chức nào thanh tra trên thực địa công việc của các trợ lý nghị sĩ. Hồi năm 2015, chủ tịch Nghị Viện khi đó là ông Martin Schulz, tố cáo lên các cơ quan chống gian lận của châu Âu và tư pháp Pháp về việc các nghị sĩ của đảng cực hữu Mặt trận Dân Tộc (FN), trong đó có bà Marine Le Pen, đã dùng tiền của Nghị Viện Châu Âu để trả lương cho thư ký của đảng và vệ sĩ riêng.

Nhưng trong quá trình điều tra, các nghị sĩ của đảng FN khẳng định, nhiều nghị sĩ khác của Pháp cũng làm như họ, nhất là các nghĩ sĩ của đảng Modem và Nước Pháp Bất Khuất. Nghị Viện sau đó đã tiến hành các thủ tục để đòi nghị sĩ Marine Le Pen và 5 nghị sĩ trong đảng của bà bồi hoàn hàng triệu euro, nhưng không mở rộng điều tra đối với nghị sĩ tại các nước khác.

Ngoài ra, cũng không có bất kỳ sự kiểm tra nào về việc các nghị sĩ sử dụng khoản tiền hỗ trợ 4513 euro/tháng như thế nào. Trong những năm qua, chỉ có các nghị sĩ đảng Xanh và các nghị sĩ Anh Quốc, sau một vụ tai tiếng năm 2009, cam kết công khai các khoản chi.

Dưới sức ép của nhiều tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn Transparency International, cuối cùng thì đến ngày 31/01/2019, các nghị viên châu Âu mới chấp nhận đề xuất của nghị sĩ Đảng Xanh Thụy Điển về việc Nghị Viện sẽ đưa ra các quy định rõ ràng hơn về việc sử dụng tiền phụ cấp. Các nghị viên cũng được kêu gọi tự nguyện công khai trên mạng chứng từ hóa hơn các khoản chi tiêu từ tiền ngân sách của Nghị Viện.

Nghị Viện cũng « chi rất mạnh tay » vào các công trình quảng bá ?

Để quảng bá cho hình ảnh của cơ quan lập pháp châu Âu, đúng là Nghị Viện không ngần ngại chi nhiều tiền để thu hút các nhà báo, công dân châu Âu, thậm chí là cho xây dựng các công trình, cơ sở để quảng bá cho hoạt động của họ.

Năm 2010, Nghị Viện Châu Âu đã cho mở một « văn phòng liên lạc » tại Washington. Định chế cũng đang chuẩn bị dự án mở các văn phòng đại diện tại Djakarta, Indonesia và Addis-Abeba, Ethiopia nhằm phát triển quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên Minh Châu Phi. Lợi ích của dự án này vẫn đang gây nhiều tranh cãi ngay trong nội bộ Nghị Viện, nhưng hiện giờ dự án vẫn chưa bị hủy bỏ.

Tại Bruxelles, cho dù đã có Parlementarium, một bảo tàng về hoạt động của cơ quan lập pháp châu Âu, nhưng Nghị Viện Châu Âu vào năm 2017 lại khai trương thêm Bảo tàng lịch sử châu Âu. Bảo tàng lịch sử châu Âu nằm ngay gần trụ sở Nghị Viện, trước đây là một bệnh viện nha khoa và đã được sửa sang lại thành bảo tàng, với số tiền đầu tư lên đến 55 triệu euro.

Trong một báo cáo hồi tháng 02/2019, Ủy ban kiểm tra ngân sách của Nghị Viện lo ngại về việc chỉ có 99.344 lượt người tham quan bảo tàng, trong khi chi phí cho nhân sự lên tới 4,4 triệu euro. Tuy nhiên, không vì thế mà định chế này muốn ngưng các hoạt động quảng bá. Nghị Viện đang tính đến việc biến thư viện khoa học Solvay, một tòa nhà theo phong cách Tân nghệ thuật đôi khi được dùng cho các buổi hội thảo, thành một thư viện được số hóa, phục vụ công chúng và giới nghiên cứu.

Nghị Viện cũng đã đầu tư biến nhà của Jean Monnet, tại Bazoches-sur-Guyonnes, vùng Yvelines, ngoại ô Paris, thành bảo tàng và trung tâm hội thảo. Jean Monnet là một trong những nhà sáng lập Liên Hiệp Châu Âu. Ngôi nhà nay đang được mở rộng, nhằm cho phép những người đến tham gia hội thảo có chỗ ngủ đêm.

Nghị Viện còn có mạng lưới đại diện cho 28 nước thành viên tại thủ đô của từng quốc gia và tại các thành phố lớn như Munich, Edimbourg, Marseille, Milan, Barcelona và Wroclaw. Phát ngôn viên Nghị Viện Châu Âu Jaume Duch giải thích là những chương trình đầu tư nói trên là « một lựa chọn chính trị » của Nghị Viện vì « Nghị Viện của một nước thì không cần ngày nào cũng phải chứng minh là có tồn tại, nhưng Nghị Viện Châu Âu thì cần làm như thế ».

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.