Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - BẦU CỬ

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Diễn đàn lý tưởng cho đảng bài châu Âu tại Anh Quốc

Anh Quốc và Hà Lan là hai thành viên đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày hôm nay (23/05/2019). Mọi chú ý dồn về Luân Đôn, nơi đảng bài châu Âu và chủ trương Brexit do Nigel Farage lãnh đạo đang dẫn đầu các thăm dò về ý định bỏ phiếu. Đảng cầm quyền của thủ tướng Theresa May bị đẩy xuống hạng thứ 5, thua Brexit Party của ông Farage đến gần 30 điểm.

Nigel Farage đi vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu tại Frimley Green, tây nam Luân Đôn, Anh, ngày 19/05/2019
Nigel Farage đi vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu tại Frimley Green, tây nam Luân Đôn, Anh, ngày 19/05/2019 Adrian DENNIS / AFP
Quảng cáo

Trớ trêu hơn nữa là ba năm sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, mà nhẽ ra Luân Đôn đã chính thức rời khỏi mái nhà chung từ cuối tháng 03/2019, nước Anh lại vẫn phải tham gia bầu cử Nghị Viện lần này, cho dù gần như chắc chắn, các nghị sĩ Anh sẽ không có nhiều cơ hội để làm việc với các đồng nhiệm của 27 thành viên còn lại trong Liên Âu. Bởi trong mọi trường hợp Luân Đôn phải "ra đi" trước ngày 31/10/2019.

Cử tri Anh được kêu gọi bầu lại các nghị viên châu Âu trong bối cảnh chính trường Luân Đôn bị chia năm xẻ bảy : các thành viên nội các trung thành nhất với thủ tướng Theresa May lần lượt từ chức. Kế hoạch về Brexit của bà May đã ba lần liên tiếp bị Nghị Viện Anh bác bỏ, khiến Luân Đôn đã phải tính tới khả năng tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì về việc nên "đi" hay "" lại trong gia đình châu Âu. Những đòn đau nhất đối với thủ tướng May lại xuất phát từ ngay trong nội bộ đảng Bảo Thủ. Bà May liên tục phải đối mặt với những "âm mưu", "thủ đoạn", để "hất" bà và giành lại chiếc ghế thủ tướng cho một người khác.

Bên Công Đảng đối lập không ngừng mạnh mẽ tấn công kế hoạch Brexit của thủ tướng May nhưng không đưa ra một giải pháp thay thế nào khả dĩ hơn.

Trong bối cảnh bế tắc đó, đảng mang tên Brexit Party với chủ trương dứt khoát rời khỏi Liên Âu do nghị viên châu Âu Nigel Farage, 55 tuổi, bất ngờ nổi lên như một chiếc phao cứu hộ. Năm 2014 ông tranh cử Nghị Viện Châu Âu, dẫn đầu danh sách của đảng UKIP có chủ trương bài châu Âu, chống chính sách đón nhận người nhập cư. Năm ấy, đảng này đã về đầu tại Anh. Nigel Farage là một trong những chính khách chủ chốt vận động cho Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Trong cuộc sống, Nigel Farage đã nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Trong chính trị, ông sáu lần thất bại khi ra tranh cử Nghị Viện Anh.

Tháng 6/2016, khi 52 % cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi châu Âu, Farage cho rằng ông đã "hoàn thành nhiệm vụ", "giấc mơ về một nước Anh độc lập đã bắt đầu ló rạng". Nhưng rồi với thủ tục Brexit sa lầy. Tháng 02/2019 Nigel Farage lập đảng mới mang tên Brexit Party. Đảng này có tham vọng quy tụ được cả bên bảo thủ lẫn cấp tiến.

Nhân vật này dường như đang trên đà ghi được một bàn thắng quan trọng trong sự nghiệp chính trị. Từ tháng 04/2019 các thăm dò dư luận bỏ phiếu tại Anh cho thấy đảng của ông Farage dẫn đầu. Nhưng càng đến gần ngày bầu cử 23/05/2019, đảng này càng bỏ xa lại phía sau các đối thủ. Ê chề nhất là đối với đảng cầm quyền của thủ tướng May. Đảng Bảo Thủ chỉ được 7 % những người được hỏi ủng hộ, trong lúc Brexit Party mới chỉ ra đời được chưa đầy 4 tháng lại được đến hơn 30 % ! Tương tự như Donald Trump ở Hoa Kỳ, chìa khóa giúp cho đảng này có được thành tích là do Nigel Farage đang khơi dậy sự phẫn uất trong tầng lớp thấp cổ bé miệng của xã hội, để chống lại cả một "hệ thống chính trị cổ điển". Trong mỗi cuộc vận động, Nigel Farage đều đổ lỗi cho nội các của thủ tướng May bất tài và bất lực trong tiến trình đàm phán với Liên Âu về Brexit mà quên nhắc đến một phần trách nhiệm của UKIP mà ông từng lãnh đạo trước đây.

Điều chắc chắn là đối với Nigel Farage, với cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu lần này, vô hình chung, cả Bruxelles lẫn Luân Đôn đã tạo dựng cho ông một diễn đàn ngoài mong đợi để thâu phục thêm những tiếng nói bất mãn với châu Âu.

Nigel Farage không là một ngoại lệ, vì tại Áo, Pháp, Ý hay Hà Lan các phong trào bài châu Âu cùng có xu hướng dẫn đầu các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu cho cuộc bầu cử lần này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.