Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - BẦU CỬ

Bầu Nghị Viện Châu Âu, không phải thành viên nào cũng bi quan

Trong bối cảnh bầu cử Nghị Viện Châu Âu, hầu hết các nhà bình luận đều không giấu tâm trạng bi quan. Kẻ lo dân túy chiến thắng, người lo cử tri tẩy chay hoặc trừng phạt chính quyền tại chức. Tuy nhiên, thực tế bao giờ cũng có biệt lệ. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng Hoà Ai Len… hào hứng với châu Âu, theo kết quả thăm dò ý kiến thực hiện tại 28 thành viên. Cụ thể ra sao ?

Tuần hành "Một châu Âu cho tất cả", chống tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong Liên Hiệp Châu Âu, Vienna, Áo, ngày 19/05/2019
Tuần hành "Một châu Âu cho tất cả", chống tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong Liên Hiệp Châu Âu, Vienna, Áo, ngày 19/05/2019 REUTERS/Lisi Niesner
Quảng cáo

Trong bầu không khí chuẩn bị bầu cử Nghị Viện Châu Âu, ngày 23/05 tại Anh và Hà Lan, ngày 26 ở các thành viên còn lại, các đảng cực hữu bài ngoại, các tổ chức bảo thủ bài châu Âu, các nhóm dân tộc chủ nghĩa mị dân ước mơ giành được chiến thắng bất ngờ.

Theo kết quả thăm dò ý kiến mới được Nghị Viện Châu Âu công bố, điều bất ngờ là có đến 61% công dân châu Âu cho rằng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu là quyết định đúng đắn. Theo AFP, chưa bao giờ uy tín của Liên Hiệp Châu Âu được như thế kể đợt mở rộng, đón nhận hàng loạt thành viên mới hồi thập niên 1990, sau khi Liên Xô tan rã.

Biểu tượng hơn hết là trường hợp Tây Ban Nha. Với 69% cử tri « » châu Âu, đất nước của tây ban cầm sẽ đưa đa số ứng cử viên của đảng Xã Hội đang cầm quyền vào nghị viện Strasbourg.

Tâm lý hãnh diện là « công dân châu Âu » của người dân Tây Ban Nha cao hơn thành viên Nam Âu khác là Ý và hai đầu tàu châu Âu là Pháp và Đức. Theo giải thích của chuyên gia Jose Ignacio Torreblanca, thuộc viện European Council on Foreign Relations, có hai nguyên nhân chính. Việc Tây Ban Nha được dân chủ hóa vào năm 1975, rồi được hỗ trợ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 1986, đã khắc sâu vào tâm khảm người dân nước này như hai mặt của chiếc huy chương. Bản sắc dân tộc hòa hợp với bản sắc châu Âu giúp cho người dân Tây Ban Nha miễn nhiễm với chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Ngay đảng cực hữu Vox, đang lên trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 4, trong cương lĩnh tranh cử cũng ghi đậm : Chúng tôi tin vào châu Âu vì chúng tôi là châu Âu. Nhà phân tích Torreblanca cho biết thêm : đối với người dân Tây Ban Nha, thời hưng thịnh, phú cường bắt đầu từ khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, trong khi người Pháp hoài niệm thời vàng son sau thế chiến.

Gia nhập Liên Hiệp Châu Âu đã đưa Tây Ban Nha vào thời đại phát triển. Hạ tầng cơ sở, đường xe lửa cao tốc dài nhất châu Âu do ngân sách của Bruxelles tài trợ phân nửa.

Cùng định mệnh với Tây Ban Nha, láng giềng Bồ Đào Nha cũng vượt qua giai đoạn chế độ quân phiệt, dân chủ hóa và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Từ 1995 đến nay, tỷ lệ người già nghèo khó đã giảm phân nửa. Thăm dò ý kiến cho thấy, cũng như Tây Ban Nha, 69% công dân Bồ Đào Nha hãnh diện làm « công dân châu Âu » và sẽ bầu cho danh sách Xã Hội vào nghị viện Strasbourg.

Ngược lên phía bắc, Cộng Hoà Ai Len với 83% dân chúng « » châu Âu, phát triển kinh tế đồng nghĩa với làm thành viên châu Âu. Từ năm 1973 đến nay, Cộng Hoà Ai Len nhận được 42 tỷ euro từ Quỹ Châu Âu, tạo ra 700.000 việc làm, ngoại thương tăng thêm 90 lần. Tất cả các chính đảng đều « thân châu Âu ».

Ba nước Baltic, sau khi độc lập với Liên Xô, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2004 và đồng tiền chung. Liên Hiệp Châu Âu đồng nghĩa với thịnh vượng qua một thị trường chung. Ngay ở Estonia, cho dù đảng cực hữu nằm trong chính phủ liên hiệp, tỷ lệ công luận thân châu Âu cũng lên đến 74%. Ở hai nước còn lại Litva và Latvia, không một nhóm bài châu Âu nào lập danh sách ứng cử.

Phải chăng dân chúng ở các quốc gia này biết rút tỉa kinh nghiệm đau thương nên chọn con đường đồng hành hơn là xé lẻ ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.